Tuesday, September 23, 2014

Đời sống công nhân Bình Dương sau bạo động

cong-nhan-binh-duong-622.jpgMột công ty Trung Quốc ở Bình Dương.RFA PHOTO
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2014-09-19
Kể từ vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm lươc chuyển sang bạo động, hàng loạt công ty của Trung Quốc tại các khu công nghiệp Bình Dương bị đập phá, đốt cháy và vấn đề an toàn sản xuất của các công ty nước ngoài ở Bình Dương ít nhiều bị đe dọa… Đời sống công nhân Việt Nam hiện nay trở nên khó khăn, chật vật hơn bao giờ hết. Một phần bởi một số công ty nước ngoài đóng cửa, phần khác bởi giới chủ Trung Quốc lợi dụng sự vụ trên để ép công nhân Việt Nam nhiều thứ, tính ổn định của người lao động bị đe dọa.

Công nhân luôn bị ép bởi giới chủ

Theo chị Thủy, công nhân của một hãng giày da có chủ đầu tư người Trung Quốc, trước đây, các công ty nước ngoài buộc phải ký hợp đồng với công nhân Việt Nam nghiêm túc, các điều khoản hợp đồng ít ra cũng đảm bảo để công nhân Việt không bị thất nghiệp dài hạn và có được chế độ bảo hiểm xã hội nếu có thâm niên phục vụ lâu dài cho các công ty này. Thế nhưng hiện tại, hầu hết các công ty Trung Quốc đều ngang nhiên ký hợp đồng lao động thời hạn một năm với công nhân Việt Nam.
Nói chung là giờ em sợ công ty Hồng Kông, Đài Loan rồi, nói chung là dính tới Trung Quốc là mệt à.
-Cô Lương
Sau thời gian làm việc một năm, đây cũng là mốc tăng lương, giới chủ Trung Quốc lại bắt buộc công nhân Việt Nam ký lại hợp đồng lao động. Và thời gian một năm dài lao động của công nhân xem như bị xóa trắng một khi nó hết thời hạn, hợp đồng mới được thiết lập. Và đây cũng là cách lách luật dễ dàng của giới chủ Trung Quốc cũng như một số ông chủ, bà chủ nước ngoài. Loại hợp đồng ngắn hạn một năm giúp cho giới chủ khỏi phải nâng lương cho bất kỳ người lao động nào nếu tính theo thâm niên làm việc.
Và loại hợp đồng một năm này cũng tạo cơ hội cho giới chủ lách được nhiều thứ chi phí, tropng đó có chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Bởi người lao động chưa hiểu hết cơ chế hoạt động của công ty thì hạn hợp đồng đã chấm dứt, lại phải vác đơn đi hết công ty này đến công ty khác để xin việc. Xin không được thì lại quay về công ty cũ để tiếp tục ký hợp đồng một năm mà làm việc. Có thể nói đây là cách mà giới chủ dễ dàng qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng, cũng chưa chắc họ đã qua mặt mà có khi đó cũng là một kiểu làm ăn có qua có lại giữa giới chủ với giới cán bộ quản lý. Người chịu thiệt thòi nặng nề nhất vẫn là các công nhân bữa được bữa mất, lây lất giữa đất Bình Dương.

Số người thất nghiệp tăng

Một nữ công nhân khác tên Lương, từng nhiều lần tái ký hợp đồng với công ty do người Trung Quốc quản lý, chia sẻ:
cong-nhan-binh-duong-400.jpg
Ảnh minh họa chụp tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. RFA PHOTO.
“Nói chung là giờ em sợ công ty Hồng Kông, Đài Loan rồi, nói chung là dính tới Trung Quốc là mệt à. Hai năm trước em nghỉ việc công ty cũ nên xin vào một công ty của Trung Quốc, họ bắt mình thử việc hai tháng rồi ký hợp đồng một năm, một năm sau đến thời hạn gia hạn hợp đồng thì họ không gia hạn, bắt mình ký một hợp đồng mới một năm hoặc nghỉ việc, không đền bù. Hồi đó em mới sinh con nên cũng khó khăn, buộc phải làm. Mà làm ngày nghỉ ngày không, tới ngày cần hàng thì họ bắt tăng ca, không thì nghỉ ở nhà, hưởng 50% lương, có đôi bữa họ kêu lễ thì không lương nữa. Có đứa bạn của em cũng làm công ty Hồng Kông còn tệ hơn em nữa, bắt nghỉ là không được lương nữa, mà tới công ty thì nhiều khi bị này bị kia nữa. Sau người đó cũng nghỉ luôn. Tuần trước em lại đến hạn gia hạn hợp đồng nhưng em thôi, em xin vào công ty dược của Việt Nam làm cho chắc.”
Cô Lương cho biết thêm là hiện tại, số lượng công nhân thất nghiệp bởi không được các công ty nước ngoài cho tái ký hợp đồng rất cao. Những người này hoặc ở nhà giữ con, hoặc đi buôn ve chai, buôn trái cây, bán vé số, rửa chén bát thuê… Thậm chí có nhiều công nhân nữ vì điều kiện kinh tế hạn hẹp, người chồng cũng làm công nhân với mức lương ba đồng ba cọc, lại thêm chuyện có con nhỏ, những nữ công nhân này phải ở nhà giữ con, sống hoàn toàn dựa dẫm vào đồng lương của người chồng.
Đó là những trường hợp chịu đựng được để vượt qua, Lương đã chứng kiến không ít trường hợp cô vợ chịu đựng không nổi cảnh ngặt nghèo đã trốn chồng, gởi con vào nhà trẻ để đi phục vụ bia ở một số quán karaoke, đến gần giờ tan ca, các cô lại lén lút về nhà. Đương nhiên những trường hợp này không thể giữ bí mật lâu dài, trước sau gì người chồng cũng phát giác. Đến nước này, nhiều cô chấp nhận li dị chồng hoặc bỏ nhà đi biệt theo con đường tội lỗi, có người rớt vào mãi dâm, có người rớt vào đường dây buôn bán ma túy.
Và Lương cũng đưa ra một nhận xét hết sức đau lòng là đa phần các cô gái, các chàng trai khi rời gia đình vào Bình Dương để làm công nhân, hầu như ai cũng mong mỏi và hy vọng rằng mình đến vùng đất hứa để đổi đời bằng con đường lao động chân chính, sẽ bám lấy công ty của mình để sống chết với nó và tạo ra tương lai cho mình ở nơi đây. Nhưng khi vào làm thuê ở các công ty rồi, hầu như các chàng trai, cô gái có gốc gác quê mùa, chân chất này đều thất vọng vì thái độ không thiện chí, có tính ép uổng và tàn bạo của giới chủ cũng như mọi thứ khó khăn, thiếu thốn vây bủa từ chỗ ở đến mọi sinh hoạt hằng ngày.
Đặc biệt là những công nhân từng làm thuê ở các công ty Đài Loan, Trung Quốc đều cay đắng nhận ra rằng chưa bao giờ giới chủ đối xử với họ giống như đối xử giữa người với người, mà có vẻ như giới chủ nói tiếng Hoa này chưa bao giờ xem người lao động Việt Nam là con người cả. Nếu may mắn một chút thì gặp những ông chủ chỉ ép tiền công, ép giờ lao động, không may mắn thì gặp phải những tay chủ mất nhân tính, dựng chuyện mất cắp trong công ty, bắt công nhân nữ phải cởi bỏ áo quần để kiểm tra, không ngoại trừ chuyện rờ rẫm, xúc phạm nhân phẩm của người lao động.
Những chuyện này trước đây báo chí đã nói nhiều và có một thời gian tạm lắng xuống, giới chủ người Hoa cũng ít nhiều điều chỉnh lại thái độ. Thế nhưng thời gian gần đây, sau vụ bạo động có liên quan đến giàn khoan HD 981 trên biển Đông Việt Nam, nhà cầm quyền đã nới lỏng chính sách để thu hút giới chủ Trung Quốc. Và đây cũng là thời gian mà giới chủ Trung Quốc trở lại tác oai tác quái, ép công, đánh đập cũng như xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động Việt Nam. Có thể nói đây là tình trạng báo động của giới lao động Việt Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment