(Baodatviet) - Ngày tết Trung thu cận kề câu chuyện bánh Trung thu mất vệ sinh, làm từ những nguyên liệu cũ, bốc mùi ôi thiu từ nhiều năm vẫn tái diễn.
Tuần qua, lực lược cảnh sát môi trường Công an Tỉnh Thửa Thiên - Huế đã phát hiện và đình chỉ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Minh Ngọc, do bà Đào Thị Hồng làm chủ, ở số 3/81 đường Trần Quý Khoáng, phường Hương Sơ, thành phố Huế do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo mô tả trên tờ VOV, cơ sở này không có bất cứ một loại giấy tờ hay thủ tục của các cơ quan chức năng cho phép hoạt động; khu vực sản xuất và các dụng cụ làm bánh không đảm bảo vệ sinh, nhiều thực phẩm làm nhân bánh đã bốc mùi ôi thiu...
Tết Trung thu một năm trước đó, Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã mở cuộc khảo sát bánh Trung thu 2013 bằng cách lấy mẫu thử nghiệm an toàn thực phẩm tại các cửa hàng bán bánh Trung thu trên địa bàn Hà Nội.
Bánh Trung thu cao cấp được sản xuất từ nhiều thực phẩm làm nhân bánh đã bốc mùi ôi thiu
Theo đó, Cục tiến hành lấy 10 mẫu bánh Trung thu của 5 cơ sở sản xuất, gồm: Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc, Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội (Hapro Food), Cơ sở Hoàng Dũng, Công ty cổ phần thực phẩm Hữu Nghị.
Từ những mẫu bánh Trung thu của các cơ sở sản xuất này, qua quá trình thử nghiệm an toàn thực phẩm cho thấy, 3/10 mẫu không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, 2 trong 10 mẫu vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.
Đặc biệt, có một mẫu bánh dẻo bị nhiễm E.coli cao gấp 3 lần giới hạn cho phép. Hay mẫu bánh dẻo thập cẩm zăm bông của cơ sở sản xuất Hoàng Dũng có trị số nấm men mốc gấp 780 lần giới hạn cho phép, còn mẫu sản phẩm của Công ty cổ phần mứt kẹo Hà Nội có trị số nấm men mốc cao gấp 22 lần giới hạn cho phép.
Nước đóng bình công nghệ Mỹ?
Nhu cầu sử dụng nước đóng bình tại Hà Nội rất cao theo đó sản phẩm nước uống đóng bình tại Hà Nội có nhiều mức giá khác nhau, phục vụ cho nhiều đối tượng, nhu cầu khác nhau. Có những cơ sở sản xuất bán với giá 15.000 đồng/bình, có những cơ sở sản xuất bán với giá từ 35.000-50.000 đồng/bình.
Với những cơ sở sản xuất giá bán 15.000 đồng/bình bán lẻ, chỉ có 5.000-7.000 đồng/bình bán buôn mặc dù trên nhãn vỏ bình ghi dòng chữ: sản xuất trên dây chuyền nhập khẩu từ Hoa Kì, công nghệ R.O được Nasa sử dụng trên trạm vũ trụ I.S.S.
Tuy nhiên thực tế, xưởng sản xuất nước uống Hapuwa của công ty CP Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải ở Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) lại sử dụng chảo sắt đen sì, to tướng, sâu lòng chứa đầy nước để cọ rửa bình thu về.
Vỏ bình thu về sẽ có khoảng 2-3 nhân viên ngồi quanh cái chảo này cậy nắp rồi cọ, rửa, súc bình bằng tay. Sau đó nắp bình rửa qua để vào 1 cái rổ, vỏ bình được dựng úp thành hàng dài gần đó.
Xưởng sản xuất nước của nhãn hiệu Hapuwa Ảnh VOV
Phản ánh trên VOV cho thấy, đi vào bên trong là nơi để bình loc nước đã thành phẩm. phía bên trong nữa là các loại bình lọc to, nhỏ dùng để lọc nước giếng khoan. Các nhân viên đều không có khẩu trang, không găng tay và cũng không mặc đồng phục, khu sản xuất thì thô sơ, ai vào cũng được. Ngay cạnh khu sản xuất là một cửa ngách, rác rưởi chất đầy.
Công ty TNHH Tân Quang Trung cũng nằm trên địa bàn Yên Viên, công ty sản xuất nước đóng bình nhãn Levei Suối cũng trong tình trạng tương tự, dây chuyền sản xuất thì thô sơ, nơi làm việc thì sơ sài, không đủ điều kiện để sản xuất nước uống.
Chủ nhãn nước Levei Suối tiết lộ, nói là dây chuyển sản xuất của Mĩ, nhưng thực ra là mua của Đài Loan (Trung Quốc). Cách đây gần chục năm, anh mua gần 100 triệu, giờ rẻ hơn, chỉ còn vài chục triệu là có thể mua được dây chuyển lọc nước có tới mấy chục công đoạn.
Mực đen xám trắng phau nhờ hóa chất
Tuần vừa qua, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp với Công an phường Yên Phụ đã phát hiện cơ sở ngâm tẩm, tẩy trắng cá mực bằng hóa chất trong ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mực bốc mùi hôi thối đang được các công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám. Bên cạnh, cảnh sát phát hiện nhiều thùng phuy ngâm cá mực.
Mực đen xám được tẩy trắng nhờ hóa chất sau đó mang bán tại các chợ đầu mối với giá cao
Khu sơ chế cá mực được dựng tạm ngoài bãi sông Hồng, quây bạt, ruồi nhặng bu kín xung quanh. Chủ cơ sở Đỗ Thị Lan (32 tuổi, ở Cát Bi, Hải Phòng) cho biết, số cá mực kém chất lượng này nhập về từ Hải Phòng. Sau khi đưa vào xưởng, chủ cơ sở “phù phép” mực hôi thối trở nên trắng phau, rồi đưa ra chợ Long Biên (quận Ba Đình) tiêu thụ.
Mực giá 15.000 đồng/kg, sau khi dùng hóa chất ngâm tẩy trắng sẽ bán ra thị trường giá 60.000 đồng. Trung bình cơ sở này bán 300 - 500 kg mực ngâm tẩm hóa chất ra các chợ đầu mối.
Trước đó, vào ngày 15/4, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Ba Đình đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại khu vực chợ Long Biên, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Mực tẩy bằng hóa chất trắng phau đầu độc người dùng
Tại kho G2, cơ quan chức năng đã bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, trú tại Ân Thi, Hưng Yên) là nhân viên khu thủy sản đang đổ hàng chục kg mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp.
Tiến hành kiểm tra kho, cảnh sát phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi đang được lưu trữ, trong đó 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất.
Về thủ thuật “tẩy,” Cẩm cho hay, để phù phép mực hỏng thành mực tươi, anh ta hòa 300ml ôxy già loại công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm. Khoảng 30 phút sau, Cầm dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.
Hà Anh
No comments:
Post a Comment