HUY CƯỜNG-21:36 07/09/2014
16 giờ ngày 3/7 tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất đi chuyến bay ra Đà Nẵng. Hành trình này nếu đi tàu hỏa cao tốc ở Nhật Bản hết khoảng gần bốn giờ nhưng chuyến đi của tôi đến Đà Nẵng lúc một giờ rưỡi sáng hôm sau, chậm hơn xe lửa chừng 5 giờ.
Ảnh minh họa.
Dịch vụ không thân thiện
Nếu có một bảng so sánh chất lượng các phương tiện dịch vụ vận chuyển hành khách thì yếu tố làm hài lòng khách chắc chắn là một điểm không nhỏ.
Nhưng tại đây cũng như nhiều sân bay khác, người ta có thể thấy tính thiếu thân thiện hiện ra từ ngoài vào trong.
Cả một sảnh lớn đón khách tới nơi luôn có hàng chục ngàn người mỗi ngày đến đón thân nhân từ các chuyến bay về nhưng nó trống trơn, chỉ có vài cái ghế. Ở một nơi mà những chuyến bay chậm hơn dự kiến còn nhiều hơn những chuyến bay đúng giờ nên các ông bà già, phụ nữ, con trẻ cứ đứng suốt hàng giờ là chuyện thường. Có những chuyến bay về chậm hai ba giờ thì người đón cũng chịu trận trên đôi chân mình.
Nếu không muốn đứng thì vào khu vực bán hàng ăn uống với giá đắt hơn bên Hồng Kông gần đó sẽ có chỗ ngồi. Liệu việc “tiết kiệm” ghế này có liên quan gì tới những nơi dư ghế kia không? Tại các cửa ra, không hề có bảng hướng dẫn dòng khách nào là thuộc chuyến bay nào, từ đâu tới khiến hành khách thường xuyên nhốn nháo dò tìm, gọi điện tìm nhau í ới, lộn xộn.
Về thông tin bằng âm thanh, hầu như ở khu vực ga đến, tuyệt nhiên không có loa báo cho hành khách đến đón người thân những thông tin, tình huống bất thường, dẫn đến việc cứ người nọ hỏi người kia, ngơ ngác, khó tin cậy.
Trên tấm bảng điện tử duy nhất thì toàn tiếng Anh, viết bằng những thuật ngữ, chỉ số như toán học. Nếu như có 50% dân số ở những độ tuổi già hoặc còn nhỏ chưa biết tiếng Anh thì đây là một sự đánh đố.
Những quy định cần… bí mật?
Một bà khách tây đem theo một chai nhựa lối 400 ml dầu gội đầu cao cấp cũng bị chặn lại. Bà ta vứt chai dầu trị giá 18USD kia vào thùng “rác” khi không còn chọn lựa nào khác.
Được biết đây là quy định chung của ngành hàng không để giữ an toàn chuyến bay nhưng vấn đề ở đây là: tại sao ngoài phòng làm thủ tục không thông báo cho hành khách quy định này hoặc có những bảng hiệu hướng dẫn bằng tiếng Việt, Anh để hành khách rõ.
Cho nên hàng ngày, hàng ngàn hành khách dạng mới đi máy bay lần đầu, đều phải cầm lòng bỏ lại bao nhiêu sữa tắm, mật ong, dược phẩm trị giá nhiều tiền vào thùng “rác” của ngành hàng không khi không có cách chọn lựa nào khác. Nếu họ biết trước đó nửa giờ, ở ngoài khu vực này thì có thể họ đã cho, gửi lại cho người nhà đưa tiễn.
Được biết quy định này có đã lâu, không hiểu sao các sân bay “tiết kiệm” một bảng thông báo ngoài phòng khách để giúp hành khách xử lý tình huống tốt hơn?
Nỗi khổ Vietjet
Chuyến bay tôi đăng ký là chuyến bay số 8386 có giờ khởi hành là 17 giờ 55 phút khi vào đăng ký, thấy trên phiếu ghi 20 giờ 30, nó chậm hai giỡ rưỡi.
Đến gần 21 giờ hành khách chờ chuyến bay vẫn chưa thấy động tĩnh gì vào hỏi trực tiếp thì cô nhân viên trả lời là trên hệ thống thấy ghi là 21 giờ 30. Cách trả lời rất vô tư, không xin lỗi, không giải thích. Đến gần 22 giờ vẫn chưa thấy nhúc nhích, khách đến hỏi thì cô chỉ lên màn hình lúc này đã ghi lại là 22 giờ 30.
Để đi chuyến bay lúc 17 giờ 55 hành khách phải rời nhà mình trước đó một giờ là ít, nên đến giờ này đói mềm, nằm la liệt.
Đến khi hành khách la lối thì hãng thông báo sẽ được cung cấp một phiếu ăn, mời hành khách lên lầu một dùng bữa.
Khi hành khách lục đục xách đồ lên gác thì nhà hàng này đóng cửa từ lâu rồi.
Hành khách quay lại kiến nghị, đòi giải thích thì họ nói chờ. Gần mười giờ đêm, “bữa ăn” tối là một cái bành mì tròn, nặng bằng một trái trứng vịt, chưa dễ no cho một cậu bé sáu tuổi được phát cho khách.
Trong khi đó, khu vực “phục vụ” khách vẫn mở để “phục vụ” khách với giá một tô phở bình dân giá hơn tám chục ngàn.
Hình như, việc chậm trễ này giúp cho khu vực kinh doanh đồ ăn uống với giá trên trời trong khu cách ly này thêm phát triển.
Cuối cùng, đến 12 giờ đúng khách mới được ra máy bay.
Quyền được “Thông báo”
Một hành khách đến làm thủ tục muộn bị phạt. Một hành khách cầm thêm mớ trái cây bạn tặng nên tổng trọng lượng nặng hơn quy định gần hai kg, phạt ba trăm ngàn.
Nhưng, buổi tối mùng 3/7 vừa rồi, trong ba giờ đồng hồ từ 18 giờ đến 21 giờ tôi ghi nhận được “thông báo” tới 9 chuyến bay chậm của Vietjet từ TP HCM ra Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hà Nội. có chuyến chậm một vài giờ, riêng chuyến 8386 chậm 6 giờ.
Hình như việc nhanh chậm này là cái quyền của Vietjet, chỉ thông báo, xin lỗi là xong, bất kể hậu quả ra sao.
Chị Mỹ Thành, giám đốc một công ty ở TP HCM ra Lăng Cô công tác. Xe đối tác ra đón không được, đến 10 giờ đêm hết hợp đồng nên xe đã quay về. Một giờ đêm ra đến Đà Nẵng vì công việc gấp chị phải thuê một xe ngoài chạy ra Lăng Cô hết gần triệu bạc, thiệt hại này không thể chia sẻ cùng Vietjet được.
Triển vọng… không có triển vọng cải thiện tình hình.
Lý do Vietjet nêu duy nhất là do chuyến bay ở đâu đó đang trên đường về chậm nên chuyến bay này bị chậm.
Nhưng, với kiểu chậm hơn sáu giờ, hẹn đi hẹn lại ba lần chưa đúng thì lý do trên không ổn.
Ngay đường sắt, một ngành vận tải có hạ tầng cơ sở và công nghệ không mạnh bằng hàng không mà tỉ lệ chuyến chậm rất thấp, thấp hơn Vietjet nhiều lần. Những thông báo của họ với hành khách chính xác hơn nhiều.
Với ngành hàng không, với cơ sở kỹ thuật cao cấp, phổ cập trình độ quốc tế thì mọi kế hoạch, diễn tiến, điều chỉnh lẽ ra những sai số chỉ xảy ra với tỉ lệ rất thấp.
Việc chậm trễ triền miên, càng ngày càng nặng nề như thế này bộc lộ khả năng quản lý, xử lý và năng lực của Vietjet có vấn đề.
Theo giadinhonline.vn
No comments:
Post a Comment