Sunday, September 7, 2014

Mòn mỏi chờ Nhà nước bồi thường

TT - Gần hai năm khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh “Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai”, nay chúng tôi liên lạc lại nhân vật, chỉ nhận được tiếng thở dài...

13 năm kể từ khi được tòa án công nhận không có tội, ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được nhận tiền bồi thường - Ảnh: T.L.
13 năm kể từ khi được tòa án công nhận không có tội, ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được nhận tiền bồi thường - Ảnh: T.L.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành hơn bốn năm nay. Với một nghị định, 13 thông tư và thông tư liên tịch hướng dẫn, những tưởng việc thực thi không còn gì vướng mắc, tuy nhiên thực tế mọi chuyện hầu như ngược lại.

Gần hai năm sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh “Đến chết vẫn chưa được bồi thường oan sai” (Tuổi Trẻ 1-11-2012) về việc bà Mai Thanh Thúy (quận Gò Vấp, TP.HCM) đi đòi bồi thường oan sai cho chồng, chúng tôi liên lạc lại thì vẫn chỉ nhận được tiếng thở dài của bà Thúy: “Chưa nhận được tiền bồi thường đâu cô à. Cơ quan nhà nước cứ gọi tui lên đi tới đi lui, thương lượng hoài mà vẫn chưa xong. Nếu không vì danh dự cho người đã khuất thì có lẽ tui đã bỏ cuộc vì quá mệt mỏi”.

Chết đi vẫn chưa được bồi thường

Năm 2008, ông Lê Quốc Dũng, chồng bà Thúy, bị Công an quận Gò Vấp bắt tạm giam vì nghi ngờ có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 5-2009, Viện KSND quận Gò Vấp đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Dũng.

Sau đó không chứng minh được hành vi phạm tội, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ký quyết định đình chỉ điều tra bị can và vụ án vào tháng 2-2010. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6-2010, Công an quận Gò Vấp mới mời ông Dũng đến công bố quyết định.

Đầu năm 2012, ông Dũng làm đơn gửi Viện KSND quận Gò Vấp đề nghị bồi thường oan sai số tiền hơn 300 triệu đồng. Ông Dũng mất vào tháng 8-2012 do bệnh nặng. Từ đó đến nay, vợ và con ông Dũng liên tục có đơn yêu cầu Viện KSND quận Gò Vấp bồi thường cho ông Dũng.

Lúc đầu, Viện KSND quận Gò Vấp không thụ lý đơn với lý do đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường, trong khi lỗi là của Công an quận Gò Vấp vì chậm công bố quyết định đình chỉ điều tra.

Sau hàng chục lần đơn thư mòn mỏi, đi tới đi lui, tháng 7 năm nay bà Thúy được Viện KSND quận Gò Vấp mời đến thỏa thuận số tiền bồi thường là hơn 120 triệu đồng (thực tế thu nhập bị mất sau năm tháng tạm giam và tổn thất tinh thần). Tuy nhiên đến nay bà Thúy vẫn chưa nhận được tiền.

“Đại diện Viện KSND quận Gò Vấp bảo phải lập hồ sơ báo cáo Viện KSND TP HCM, Viện KSND tối cao. Sau khi xem xét, Viện KSND tối cao sẽ chuyển cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính thẩm định rồi mới rót tiền về Sở Tài chính TP.HCM, sau đó mới có tiền trả cho tui” - bà Thúy cho biết.

Một trường hợp chờ đợi mòn mỏi khác là ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình). Tháng 9-1999, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông Phi 17 năm tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa với nhận định ông Phi vay của ngân hàng hơn 8,5 tỉ đồng, trong đó có hơn 985 triệu đồng ông Phi không chứng minh được đã dùng vào việc gì, cũng không có khả năng trả nợ.

Sau đó, TAND tối cao đã hủy án điều tra lại. Năm 2003, không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Lương Ngọc Phi, Viện KSND tỉnh Thái Bình đã đình chỉ điều tra đối với ông.

Mười năm sau, vào tháng 8-2013, TAND tỉnh Thái Bình đã bị TAND TP Thái Bình tuyên buộc phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng - số tiền bồi thường được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Đến nay, bản án có hiệu lực gần một năm nhưng ông Phi vẫn chưa được nhận tiền. Ông Phi ngao ngán nói: “Giờ tôi chỉ muốn được gặp lãnh đạo TAND tối cao để hỏi rốt cục họ có chịu giải quyết cho tôi hay không?”.

Chín năm là thời gian đợi bồi thường của ông Phạm Đức Bình (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Năm 2000, TAND TP Hà Nội xử phạt ông Phạm Đức Bình 30 tháng tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Năm 2001, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên ông Bình không phạm hai tội nêu trên. Từ năm 2005, ông Phạm Đức Bình đã gửi đơn đến TAND TP Hà Nội đề nghị được bồi thường.

Sau 13 năm kể từ ngày được tuyên vô tội, tháng 4-2014, TAND TP Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Phạm Đức Bình, thỏa thuận mức bồi thường là hơn 600 triệu đồng. Thế nhưng đợi chờ từ tháng 4 đến nay, ông Bình vẫn chưa nhận được tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND TP Hà Nội cho biết “vụ việc đang được xem xét”. Còn ông Bình ngao ngán nói: “Tôi đến tòa đề nghị bồi thường sớm cho tôi thì bị bảo vệ tòa chặn ngay ở cổng, bảo lãnh đạo đi vắng. Điện thoại cho thư ký tòa thì bảo phải đợi. Tôi đã đợi 13 năm rồi, giờ không biết phải đợi đến bao giờ?”.

Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước
 Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước

Cục Bồi thường nhà nước kêu khó

Thừa nhận với Tuổi Trẻ việc thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn rất chậm, ông Trần Việt Hưng, phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp, lý giải một phần do luật mới (dù luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010 - PV), trình tự thủ tục giải quyết bồi thường mới nên khi thực thi các địa phương luôn yêu cầu Bộ Tư pháp có công văn hướng dẫn.

Theo ông Hưng, một vấn đề bất cập là quản lý nhà nước về bồi thường bị cắt khúc: Chính phủ quản lý công tác bồi thường trong hoạt động hành chính và thi hành án, còn TAND tối cao, Viện KSND tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng. Vì vậy phải có sự phối hợp giữa các cơ quan.

“Ví dụ như vụ việc ông Lương Ngọc Phi, các cơ quan đã họp đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên đây là lĩnh vực tố tụng, chúng tôi không can thiệp được. Nếu có thẩm quyền, chúng tôi đã có công văn hối thúc TAND tối cao sớm chuyển hồ sơ qua Bộ Tài chính để chi trả tiền cho ông Phi. Khi triển khai luật có những bất cập như thế” - ông Hưng nói.

Một lý do nữa ông Hưng nêu ra là kinh phí trong hoạt động bồi thường của Nhà nước chỉ được cấp khi giải quyết vụ việc cụ thể, còn kinh phí về quản lý, tổ chức họp hành để phối hợp, trao đổi bàn biện pháp thì không có.

“Chúng tôi hay nói đùa Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là nồi lẩu thập cẩm, có cả thủ tục hành chính, thủ tục dân sự, có cả quyền lực nhà nước (đơn phương ra quyết định giải quyết bồi thường), trong đó lại phải có sự thương lượng, có sự giao thoa giữa hành chính và dân sự. Nó rất khó nên khi áp dụng, mỗi người còn có cách hiểu và quan điểm khác nhau. Quan trọng là khi xử lý, các cơ quan nhà nước biết lưu tâm đến nỗi khổ của người dân do hoạt động sai trái của cán bộ công chức gây nên, sớm giải quyết cho dân theo đúng tinh thần trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là khôi phục những tổn thất về tài sản, bù đắp những tổn thất về tinh thần” - ông Hưng cho biết.

07/09/2014 14:31
TÂM LỤA

No comments:

Post a Comment