WASHINGTON DC - Trong dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương mà dân biểu Forbes (Cộng Hòa) và Hanabusa (Dân Chủ) đệ trình, có một đề nghị bán vũ khí cho Việt Nam.
Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ước muốn mua vũ khí của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam nhưng Hoa Kỳ không chấp thuận.
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa, hồi tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đưa Khu trục hạm USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7 vào khu vực biển Ðông. (Hình: Wikipedia)
Dường như cách hành xử của Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thúc đẩy Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí liên quan tới dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương, ông Forbes và bà Hanabusa, cùng là thành viên Ủy Ban Quân Lực của Hạ Viện Hoa Kỳ, cho biết, dự thảo mà họ đệ trình nhằm hậu thuẫn cho quyền tự do hàng không và hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Forbes cho biết, dự thảo được đại diện cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Hạ Viện ủng hộ bời nó tái khẳng định lợi ích cơ bản của Hoa Kỳ trong việc duy trì quyền tự do lưu thông cả trên không lẫn trên biển, đồng thời giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình.
Ðáng chú ý là ông Fornes nhấn mạnh, cả hai yếu tố vừa kể đã bị Trung Quốc thách thức nhiều lần qua việc cố dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Theo ông Forbes, các hành động của Trung Quốc đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải tiếp tục tham dự một cách tích cực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của nền hòa bình và thịnh vượng mà khu vực này được thừa hưởng trong sáu thập kỷ vừa qua.
Dự thảo nghị quyết dài 16 trang về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương được mô tả là đã khắc họa các hành vi gây mất ổn định tại biển Ðông và biển Hoa Ðông của Trung Quốc. Những hành vi như đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa, phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thomas), đòi chủ quyền tại những khu vực vốn là vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác mà Trung Quốc đã thực hiện được nhận định là nguy hiểm.
Nếu dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua, Hạ Viện Hoa Kỳ sẽ chính thức lên án các hành vi có tính chất hăm dọa, cưỡng bức của Trung Quốc để cản trở quyền tự do lưu thông trên không và trên biển tại các vùng biển Châu Á. Kêu gọi Trung Quốc từ bỏ việc thực hiện các quy định về vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Ðông, không thiết lập các vùng nhận dạng phòng không tương tự ở những nơi khác.
Dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á-Thái Bình Dương có một khuyến cáo dành cho chính phủ Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam. Ðó là thiết lập và thực hiện một chính sách, sao cho phản ánh được cả tiến bộ lẫn thách thức còn tồn tại trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Hoa Kỳ, bằng cách mở rộng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, thông qua việc bán hoặc chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chiều hướng thích hợp với sự phát triển và duy trì khả năng phòng thủ chống ngoại xâm của Việt Nam.”
Cũng cần nhắc lại là cách nay vài tuần, vào ngày 10 tháng 7, Thượng Viện Hoa Kỳ từng thông qua một nghị quyết, tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải, hàng không và khẳng định, việc sử dụng hải phận, không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nghị quyết đó kêu gọi Trung Quốc tránh các hoạt động trái với Công ước Ngăn ngừa xung đột trên biển. Trả biển Ðông về nguyên trạng, giống như trước ngày 1 tháng 5, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. (G.Ð)
08-01-2014 3:05:12 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment