Friday, August 1, 2014

Muốn minh oan cho tử tù phải điều tra công an

HÀ NỘI (NV) - Ðó là ý kiến của báo giới sau khi Tòa Án Tối Cao của Việt Nam đề nghị hủy bản án tử hình ông Hàn Ðức Long, giao vụ án cho Viện Kiểm Sát Tối Cao điều tra lại.


Ông Hàn Ðức Long (trái) và ông Nguyễn Thanh Chấn (phải). Cả hai đều bị công an tỉnh Bắc Giang khởi tố, giam giữ và cùng tố cáo bị tra tấn, ép nhận tội. (Hình: Giáo Dục Việt Nam)

Ðây là lần thứ hai Tòa Án Tối Cao của Việt Nam đề nghị hủy bản án tử hình ông Hàn Ðức Long. Trước nay, công chúng, các luật gia, báo giới ở Việt Nam vẫn tin rằng ông Long bị kết án oan.

Hồi năm 2005, công an tỉnh Bắc Giang kêu gọi dân chúng tố giác thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Long, gửi đơn tố giác ông. Ðây là lý do khiến công an tỉnh Bắc Giang bắt ông Long.

Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại tòa, ông Long kêu oan và tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông nhận tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa.

Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội, thời điểm bé gái bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với hàng chục người nhưng những cơ quan này không thèm xem xét.

Ông Long bị tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm kết án tử hình. Tòa Án Tối Cao hủy án, yêu cầu điều tra lại. Khi xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai, cả tòa án tỉnh Bắc Giang lẫn Tòa Phúc Thẩm của Tòa Án Tối Cao vẫn tuyên án tử hình ông Long. Nay, sau khi nhiều giới (đại biểu Quốc Hội, các luật gia, báo giới, công chúng) chỉ trích kịch liệt, Hội Ðồng Thẩm Phán Tòa Án Tối Cao yêu cầu giám đốc thẩm, hủy bản án tử hình mà hệ thống tòa án đã dành cho ông Long thêm một lần nữa.

Tuy chưa biết bao giờ ông Long được minh oan nhưng báo giới Việt Nam đã so sánh vụ ông Hàn Ðức Long với vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và đề nghị điều tra các điều tra viên.

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn, cũng ngụ tại Bắc Giang, bị cáo buộc giết người. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội, chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.

Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm 2013, trở về nhà khi vợ đã hóa điên do tuyệt vọng, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vì đói nghèo.

Theo báo chí Việt Nam, nhiều điều tra viên của công an tỉnh Bắc Giang đã điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn “giết người” là điều tra viên vụ Hàn Ðức Long “giết người” và “hiếp dâm trẻ em.”

Tuy ông Chấn đã được minh oan nhưng chỉ mới có một trong số bảy điều tra viên tra tấn, ép ông Chấn nhận tội bị bắt vì “làm sai lệch hồ sơ vụ án.”

Chỉ huy các điều tra viên trong vụ Nguyễn Thanh Thanh Chấn và vụ Hàn Ðức Long là ông Lê Văn Dũng. Sau khi ông Chấn được minh oan, ông Dũng chỉ phải làm “giải trình” và nay vẫn là trưởng phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm Ma Túy của công an Bắc Giang.

điều tra viên Ðào Văn Biên, tham gia điều tra vụ Nguyễn Thanh Thanh Chấn và vụ Hàn Ðức Long nay đang là phó Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm Trật Tự Xã Hội của công an Bắc Giang. Sau khi ông Chấn được minh oan, ông Biên cũng chỉ phải làm “giải trình”...

Nhóm điều tra viên vụ Nguyễn Thanh Chấn và vụ Hàn Ðức Long còn liên quan tới việc bắt giam 9 người vô tội, ép họ nhận đã “trộm cổ vật.” Một trong chín người thiệt mạng khi bị giam. Sau khi được minh oan, trả tự do, một trong tám người chết vì hư nội tạng. Những người còn lại tố cáo các điều tra viên của công an Bắc Giang tra tấn họ giống như ông Chấn và ông Long từng tố cáo: cùm chân, bóp chặt các ngón tay rồi nhét bút vào các kẽ ngón tay xoáy liên tục.

Ông Dương Phúc Thịnh, một trong bảy người còn sống kể thêm, trong số chín người bị bắt oan có một nhà sư. Các điều tra viên liên tục đánh vào hạ bộ của nhà sư này để ép nhận tội và cười cợt rằng, “tu hành thì không cần chỗ ấy.”

Ông Dương Khương Duy, điều tra viên hung hãn nhất trong cả ba vụ án: Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Ðức Long và vụ trộm cổ vật bỗng nhiên đột tử và nay thành “thùng” cho các “đồng chí” còn lại trút trách nhiệm.

Khi ông Duy đột tử, người ta tìm thấy 49 bút lục liên quan tới vụ ông Hàn Ðức Long trong tủ chứa hồ sơ của ông Duy. Khá nhiều trong số đó nếu được đưa vào hồ sơ của vụ án, có thể ông Long không bị kết án.

Ông Long bị bắt ngày 19 tháng 10 năm 2005. Trong tủ hồ sơ của ông Duy có “đơn xin đầu thú” do ông Long viết và ký ngày 29 tháng 10 năm 2005. Ðiều này phù hợp với việc ông Long khai rằng, các điều tra viên liên tục tra tấn, bắt ông viết đi, viết lại những tờ tự khai theo ý điều tra viên. (G.Ð)

08-01-2014 3:27:56 PM 
Theo Người Việt 

No comments:

Post a Comment