VRNs (25.07.2014) – Sài Gòn – Tối hôm ngày 23.07.2014, rất đông tiểu thương sống quanh khu vực đường Bùi Viện – Quận 1 – Sài Gòn, hay còn gọi là khu Phố Tây, biểu tình với yêu cầu được buôn bán yên ổn – không bị trật tự đô thị xuống hốt, quấy rối.
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà loan tin: “Xuất phát từ chủ trương của UBND Phường Phạm Ngũ Lão, Q.1 Sài Gòn v/v lập lại trật tự lòng lề đường khu phố Tây từ ngày 15.3.2014, thời gian gần đây lượng khách đến phố Tây giảm hơn 30% so với trước. Luật là vậy, nhưng khu vực đặc biệt của Sài Gòn về đêm này, nhậu ngồi trong nhà sao… zui được. Không ngồi yên như mọi khi bị hốt, lần này các hộ kinh doanh tràn xuống đường, giơ cao các biểu ngữ viết vội: “Chúng tôi muốn sống!”, “Hãy cho tôi sự sống!”, “We want life”… Có mấy chị em nằm lăn ra trước mũi xe của đội trật tự điều tra. Có các anh Tây uống xin xỉn cũng nhào ra biểu tình ké. Rồi lực lượng CSCĐ được điều tới … Náo loạn!”.
Nguyễn Thị Kim Hòa nói: “có cái gì hay ho đâu, toàn là nhậu nhẹt say xỉn, dẹp là đúng. Nạn cướp giật mại dâm lộ liễu nữa chứ.” Ryan Nguyen đồng tình với bạn Nguyễn Thị Kim Hòa: “Buôn bán gây mất an ninh trật tự mỹ quan Trung Tâm thành phố dẹp là đúng rồi!”.
Lê Phạm Thanh Tùng phản hồi lại: “Đây là sự sống của bao nhiêu con người… người ta mưu sinh đàng hoàng có đóng thuế cho nhà nước. Đàn áp dân… sao không đem cơ động ra mà đụng với china kìa.” Uyên Nguyễn Thanh tiếp lời: “Cấm đi, rồi tệ nạn tồi tệ khác sẽ nhiều hơn vì họ biết làm gì nữa. Triệt con đường sống chân chính của họ mà không đưa ra một giải pháp nào hết.”
Một số bạn đọc cho rằng, đây là một trong những nét văn hóa của đường phố không nên dẹp mà nên quản lý. Bạn đọc Nga Nghiêm cho hay: “Đây là nét văn hóa đường phố, đặc trưng và vui mà, nên đưa vào quản lý hơn là dẹp.”
Bạn đọc Veggie Cỏ Mây đưa ra một giải pháp: “Xã hội VN cần lập lại trật tự, nên có những ngày cấm bán rượu bia như Chủ Nhật và phải có giờ giới nghiêm, hàng quán phải đóng cửa sau 22 giờ. Hàng quán nào muốn mở cửa thâu đêm thì phải đưa vào khu quy định. Không thể để ai muốn làm gì thì làm, buôn bán loạn xạ và rượu bia bán đầu đường tới phố chợ, mất mỹ quan đô thị, lại gây mất trật tự, ảnh hưởng đến trẻ em và vấn đề an ninh xã hội. Về lâu về dài sẽ rất tồi tệ. Nhà nước cần có luật nghiêm minh về mua bán rượu bia, phải có giấy phép và cấm trẻ em dưới 21 tuổi uống rượu bia.”
Thưa quý vị, có thể mục đích cuộc biểu tình ở đây xem là “không chính nghĩa” bởi vì họ biểu tình yêu cầu được buôn bán các quán hàng nhậu… Nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, các tiểu thương nơi đây vẫn “đòi sống” và phản ảnh đúng “chính sách” đưa ra phải hợp lòng dân. Nếu muốn giải quyết vụ việc này thì nhà cầm quyền phải thực hiện đúng khẩu hiệu do chính họ đề ra “dân bàn, dân kiểm tra…”
Những người biểu tình ở Bùi Viện đã giơ cao tay khẩu hiệu “chúng tôi muốn sống” là tên một bộ phim được sản xuất khoảng năm 1956 và được trình chiếu ở trong thời Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1956.
Bộ phim trình bày cuộc đời của đại đội trưởng Vinh trong quân đội Việt Minh, như biết bao thanh niên trí thức đã bị đảng lợi dụng lòng yêu nước. Anh là một chiến sĩ quốc gia, hăng say chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam trong cuộc Kháng Chiến chống Thực dân Pháp. Anh trở thành nạn nhân của chế độ cộng sản bạo tàn khi “cách mạng thành công” – Bố, mẹ của Vinh, cùng với biết bao nạn nhân vô tội khác đã bị chôn sống, xử tử man rợ trong các cuộc-gọi là “Đấu Tố-Cải Cách Ruộng Đất” tại Bắc Việt, vào giữa thập niên 1950 (mà sau này chính cs thừa nhận dưới sự chỉ đạo, “cố vấn” của quan thầy Cộng sản Trung quốc). Bộ phim vào thời điểm đó được thực hiện “hư cấu”, nhưng sau này, dựa theo chính những “tư liệu lịch sử” do chính csVN thừa nhận thì “sự thực” còn hơn cả bộ phim. Một số thông tin ghi nhận như:
Trường hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong “Tuần Lễ Vàng”, gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập. Sau này, được thừa nhận là ông Hồ bị Trung cộng buộc phải xử tử Bà Năm làm “phát pháo hiệu” cho cải cách ruộng đất… Ông Hồ đã phải “rớt nước mắt”?
Tổng số chỉ riêng cán bộ, đảng viên bị xử lý, sau khi chỉnh đốn là 84.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 55%. Nhiều chi bộ tốt bị coi là chi bộ phản động, bí thư hoặc chi ủy viên chịu hình phạt nặng nề: tù hoặc bắn. Tình hình chỉnh đốn ở cấp huyện và cấp tỉnh cũng rất bi đát. Số cán bộ lãnh đạo các cấp này bị xử lý oan sai cũng chiếm tỷ lệ lớn. Hà Tĩnh là tỉnh cá biệt, có 19 cán bộ tỉnh ủy viên, công an, huyện đội dự chỉnh đốn đều bị xử lý.
Trường hợp Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, nguyên Tư lệnh Mặt trận Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội bị các cán bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là “địa chủ, có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng”.
Các cháu nội của cụ Phan Bội Châu, trong đó có một người là trung đội trưởng, nhà nghèo, 3 sào đất cho 3 mẹ con, nhưng cũng bị quy là địa chủ.
Đặc biệt, cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, Bộ trưởng phụ trách Thanh – Nghệ – Tĩnh của Chính phủ bị đấu tố chết tại quê nhà Diễn Châu. Theo tổng kết đến tháng 9 năm 1957, thì chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài sản khoảng 70-80% số người bị kết án.
Điểm nhấn mạnh khác là, theo báo Nhân Dân thì bản thân chiến dịch sửa sai sau này cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức, hoặc chưa kịp trả thù thị bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù…
Những tiếng kêu cứu, những tiếng van xin, những tiếng thét uất ức: CHÚNG TÔI MUỐN SỐNG làm nhức nhối lòng người, không phải đợi đến ngày hôm nay mới lồng lộng vang lên, mà những tiếng thét đau đớn này đã xé lòng người dân VN từ những cuộc cải cách ruộng đất vào các năm 1953 đến 1956…và âm vang kéo dài mãi đến hôm nay.
Pv.VRNs
No comments:
Post a Comment