Thursday, July 24, 2014

PIC : Do sai lầm hay do cố ý ?



biendong

Bài nghiên cứu này của hai học giả ở đẳng cấp « cổ thụ » làng học giả Việt Nam hải ngoại : Tiến sĩ Vũ Quang Việt và Giáo sư Tạ Văn Tài :
Ông Tài là luật sư kiêm giảng viên trường « Harvard Law School », còn ông Vũ Quang Việt nghe giới thiệu là chuyên gia thượng thặng của LHQ. Hai học giả này có nhiều bài « nghiên cứu » về tranh chấp hải phận Biển Đông và chủ quyền HS và TS giữa VN và TQ.
Nội dung bài viết là phân tích Công ước Vienne 1978 « Kế thừa quốc gia về hiệu lực các kết ước – Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties 1978 ». Hai ông này đã dẫn các điều 7, 8, 9 và 13 của Công ước, sau đó kết luận :
« Công ước Kế tục Quốc gia của Liên Hiệp Quốc không đòi hỏi thừa kế các hiệp định liên quan đến lãnh thổ »… « Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tư cách là quốc gia kế tục có thể bác bỏ các hiệp ước về lãnh thổ bất bình đẳng hoặc do sức ép mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải chịu nhận».
Các kết luận này trật lất, tôi đã viết bài góp ý ở đây :
Bởi vì điều 11 của Công ước nói trên xác định ngược lại những gì mà hai học giả này kết luận. Việc kế thừa giữa hai quốc gia không được làm thay đổi đường biên giới được thiết lập trước đó bằng một hiệp ước, cũng như vi phạm đến bất kỳ nội dung điều ước nào có liên quan đến quyền và nghĩa vụ (của quốc gia tiền nhiệm) đã ký kết về chế độ của biên giới.
Nguyên văn điều 11 :
Article 11 : Boundary regimes
A succession of States does not as such affect:
(a) a boundary established by a treaty; or
(b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary.
Tạm dịch :
Điều 11 : Các chế độ về biên giới :
Việc kế thừa quốc gia không được vi phạm đến :
a) đường biên giới đã được thiết lập bằng một hiệp ước hoặc
b) quyền và nghĩa vụ được xác định bằng một hiệp ước liên quan đến chế độ của đường biên giới.
Dĩ nhiên kết luận sau đây của hai học giả :
« Sau 1975, CHMNVN thay thế VNCH, và từ 1976 Quốc gia kế tục VNDCCH và CHMNVN là CHXHCNVN hoàn toàn có quyền trên tinh thần của Công ước Kế tục Quốc gia đối với Hiệp ước 1978 không kế thừa tuyên bố đơn phương của ông Phạm Văn Đồng, và dù nó là hiệp ước đi nữa thì vẫn có quyền không kế thừa. »
Cũng là không đúng.
Điều kinh ngạc là đến hôm nay bài viết này vẫn còn hiện hữu đầy dẫy trên các trang báo trên internet. Nhiều bài viết của các tác giả khác nhau đã dựa lên kết luận của bài viết này để cho rằng công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là không có giá trị pháp lý.
Công hàm 1958 có giá trị pháp lý hay không là tùy thuộc nhiều yếu tố pháp lý, chứ không hề do hệ quả của Công ước Vienne 1978 về kế tục quốc gia (như nhận định của hai học giả này).
Câu hỏi đặt ra hôm nay là nhận định của hai học giả trong bài viết này là do từ « sai lầm » hay dó « cố ý » ? Cần nhấn mạnh hai tác giả, một là giảng sư về Luật (tại đại học Luật Harvard) và một là chuyên gia của LHQ.
Nếu do sai lầm, nếu là người biết tự trọng, chắc chắn các tác giả phải lên tiếng xin lỗi độc giả đồng thời yêu cầu các trang báo liên hệ rút bài viết xuống.
Các tác giả đã không làm việc này. Vì vậy ta chỉ có thể kết luận rằng cái nhận định « như vậy » trong bài viết là do cố ý của các tác giả.
Tôi tự hỏi : đây là hiện tượng « Lệ Rơi » trong học thuật hay hiện tượng « Lê Văn Tám » trong chính trị ?
Theo FB Nhân Tuấn Trương
(Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của riêng tác giả)

No comments:

Post a Comment