Thursday, July 24, 2014

VIDEO: Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Công an tiếp nhận bằng chứng để điều tra


Sáng 23.7, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) chính thức tiếp nhận clip ghi cảnh đánh đập trẻ tự kỷ ở “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương”, do PV Thanh Niên cung cấp, để phục vụ công tác điều tra.

Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Công an tiếp nhận bằng chứng để điều tra
Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Công an tiếp nhận bằng chứng để điều tra
Những hình ảnh đánh đập trẻ tự kỷ tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương do PV Thanh Niên ghi được
Khai gian dối
Từ 8 - 10 giờ cùng ngày, phóng viên đã mở clip ghi hình cảnh các em bị hành hạ để điều tra viên ghi nhận chính xác các diễn biến. Trong lúc xem, trinh sát, điều tra viên của công an quận tỏ thái độ rất bức xúc.
Theo Công an Q.Tân Bình, ngay sau khi báo đăng, công an đã xuống làm việc với chủ trường và thu thập hồ sơ danh sách của những người làm việc ở đây; đồng thời ghi nhận lời khai của một số bảo mẫu, giáo viên, nhân viên quản lý mà Thanh Niên phản ánh đã tham gia đánh đập trẻ tự kỷ. Lời khai ban đầu của các bảo mẫu, giáo viên, quản lý thừa nhận có dọa, đánh các em “nhưng cũng chỉ để dạy bảo” (!). Tuy nhiên, sau khi xem tất cả clip mà PV cung cấp, điều tra viên của Công an Q.Tân Bình nhận định lời khai ban đầu của các cô giáo, bảo mẫu, quản lý chưa đúng với bản chất sự việc và thực tế mà PV ghi nhận được bằng hình ảnh, lời nói. Việc dọa, đánh đập này lặp đi lặp lại nhiều lần, vật cứng dùng để đánh xuất hiện trong nhiều lần đánh khác nhau trong nhiều ngày. Cụ thể, cơ quan công an thống kê từ 7 - 13.7, các cô giáo, bảo mẫu, nhân viên của trường gồm Lê Thị Thúy Vân (56 tuổi, quê Vĩnh Long), Nguyễn Thị Vương Trâm (28 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu), Đỗ Thị Trúc (21 tuổi, sinh viên một trường đại học sư phạm, quê Bình Định), Nguyễn Ngọc Phương Lam (22 tuổi, quê Khánh Hòa), Võ Thị Thu Loa (29 tuổi, quê Bến Tre)… dùng tay chân, vật cứng như gỗ, kim loại, nhựa đánh đập, đe dọa các em Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng), Nguyễn Phi Bằng (8 tuổi, quê Sóc Trăng), Danh Phương (5 tuổi, quê Bình Phước), Trần An Tường (18 tuổi, ngụ Bình Dương). Trong đó, có 3 người thường xuyên đánh đập các em nhiều lần. Cụ thể, bảo mẫu Vân tham gia đánh 7 lần; Trúc đánh 6 lần, nhéo vào bộ phận sinh dục ; Trâm đánh 3 lần. Những trận đòn roi đều xuất phát từ nguyên nhân nhỏ nhặt như các em nhớ nhà đòi về, hái lá cây, đang ăn mà dám đi uống nước, bật ti vi, mặc áo lộn của người khác…
Quan điểm của Công an Q.Tân Bình sẽ xử lý nghiêm đến nơi đến chốn đúng theo quy định pháp luật. Tôi đã chỉ đạo cho anh em khẩn trương điều tra và 1 - 2 ngày tới sẽ đưa ra kết luận cuối cùng
Đại tá Lê Văn Thúc, Trưởng công an Q.Tân Bình
Ở một diễn biến khác, trưa 23.7, Cơ quan CSĐT Công an Q.Tân Bình đã triệu tập bảo mẫu Vân, nhân viên quản lý Trâm, cô Trúc, cô Lam lên trụ sở quận tiếp tục ghi nhận lời khai. Đại tá Lê Văn Thúc, Trưởng công an Q.Tân Bình, khẳng định: “Tôi chưa nói đến chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xét về yếu tố đạo đức thì không thể chấp nhận được và ai cũng lên án về vụ việc này. Quan điểm của Công an Q.Tân Bình sẽ xử lý nghiêm đến nơi đến chốn đúng theo quy định pháp luật. Tôi đã chỉ đạo cho anh em khẩn trương điều tra và 1 - 2 ngày tới sẽ đưa ra kết luận cuối cùng”.
Hầu hết nhân viên không bằng cấp
Cũng trong sáng 23.7, đoàn kiểm tra của Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình tiếp tục đến “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” (số 86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình) kiểm tra hoạt động chuyên môn liên quan đến nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Qua kiểm tra hồ sơ, cơ sở chỉ có 3 giáo viên tốt nghiệp sư phạm ngành giáo dục đặc biệt, gồm cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tốt nghiệp CĐSP Nha Trang, cô Nguyễn Ngọc Phương Lam tốt nghiệp CĐSP Trung ương 2, cô Võ Thị Thu Loa tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM; còn lại 8 người khác đều không có hồ sơ, hợp đồng lao động được thỏa thuận miệng với chủ cơ sở (ông Chu Văn Việt, 44 tuổi). Ngoài ra, cơ sở này dù có xin thành lập công ty và đã được Sở KH - ĐT TP.HCM cấp phép từ ngày 5.5.2014 nhưng không có bất kỳ hồ sơ, sổ sách chứng từ về các khoản thu chi. Học phí cũng như các khoản chi phí trong quá trình học tập ở đây của các học sinh đều được chủ cơ sở thỏa thuận miệng với phụ huynh.
Hiện toàn bộ 27 học sinh từng ở cơ sở Anh Vương đều đã được gia đình đón về nhà. Một số em được chủ cơ sở hoàn trả lại một phần tiền học phí. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết những quyền lợi của các học sinh tự kỷ, nhân viên lao động; phối hợp cơ quan chức năng xử lý các vấn đề còn tồn đọng. 
Theo nhận định của luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), vụ việc này chẳng khác gì so với vụ xảy ra tại cơ sở mầm non Phương Anh ở Q.Thủ Đức (Thanh Niên đã phản ánh) đã được khởi tố về tội danh “hành hạ trẻ em”, nhưng nghiêm trọng hơn ở chỗ nạn nhân là trẻ em bị bệnh tự kỷ, khả năng nhận thức bị hạn chế. Với những bằng chứng mà Báo Thanh Niên ghi nhận được là đủ cơ sở, chứng cứ để cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự. Tỷ lệ thương tật hoặc vết thương trong vụ việc này chỉ là yếu tố phụ. “Cơ quan chức năng không chỉ rút giấy phép, đóng cửa trường là xong mà cần phải trừng trị bằng pháp luật”, luật sư Trạch nói.

Phụ huynh cảm ơn Báo
Trong những ngày qua, nhiều phụ huynh ở TP.HCM và các tỉnh, thành có con em bị tự kỷ từng gửi tại “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” gọi điện đến tòa soạn Báo Thanh Niên bày tỏ lòng cảm ơn báo và PV Lam Ngọc đã ghi nhận, đăng tải những hành vi đánh đập, đe dọa con em họ. Chị Huệ, ở Đà Nẵng, mẹ em Minh Sang, nói: “Nếu sự việc không bị phát hiện và công khai thì có lẽ cảnh đánh đập, hành hạ con tôi sẽ còn tiếp diễn. Do cháu bị bệnh, chậm phát triển trí tuệ nên không thể ý thức được việc bản thân mình bị đối xử như thế nên gia đình hoàn toàn không hay biết”. Chị Huệ cho biết đã gửi Minh Sang vào một cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ khác ở TP.HCM, mà theo chia sẻ của chị là đáng tin cậy và tốt hơn.
 24/07/2014 05:30
Thanh Niên

No comments:

Post a Comment