(Tin tức 24h) - Những áp lực của phương Tây được mô tả là đang dồn nhà lãnh đạo Nga “vào chân tường” với vô vàn khó khăn cả về đối nội và đối ngoại.
Truyền thông phương Tây và các nhà lãnh đạo của họ đang thực hiện đòn tấn công “tổng lực” nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo nước Nga đang bị “dồn vào chân tường” và một phản ứng kháng cự sẽ là tất yếu.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang là cái cớ để phương Tây gia tăng sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là sau khi lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine bị cáo buộc bắn rơi máy bay chở khách MH17 của Hãng hàng không Malaysia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Ngay sau thảm kịch khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Boeing 777 thiệt mạng, các nhà lãnh đạo thế giới đã liên tục chỉ trích lực lượng nổi dậy ở Ukraine và đòi Nga phải yêu cầu lực lượng này giải thích.
Những ngôn từ nặng nề của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đăng tải rộng khắp.
Thủ tướng Mark Rutte của Hà Lan, nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong thảm họa này, thậm chí đã tuyên bố ông Putin phải chịu trách nhiệm vì liên quan tới lực lượng phiến quân, và yêu cầu nhà lãnh đạo nga phải cho Hà Lan và thế giới thấy “ông sẽ làm những gì mà người ta trông đợi”.
Phát biểu cứng rắn tương tự được đăng tải là của Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Anh David Cameron với lời kêu gọi châu Âu áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ”, và so sánh “sự gây hấn của Nga” ở Ukraine với hành động của Đức Quốc xã.
Cùng với những tuyên bố bằng lời, phương Tây cũng cho thấy họ đang từng bước siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ngay cả giới phân tích trong nước cũng đánh giá “ông Putin hiện đang ở tình thế khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền. Điều này không chỉ đúng với chính sách ngoại giao mà còn ảnh hưởng tới chính sách đối nội của Moskva”.
Một tay súng ly khai ở Donetsk tại hiện trường máy bay MH17 rơi |
Nhà nghiên cứu Fyodor Lukyanov của Nga nói: “Một số nhà quan sát cho rằng mối đe dọa từ những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ phương Tây có thể trở thành chất xúc tác làm sụp đổ hệ thống chính trị cân bằng mà nhờ nó ông Putin đã "thống trị" đất nước này hơn 14 năm qua”.
Nguồn vốn nước ngoài dành cho các ngân hàng và công ty Nga cũng trở nên khan hiếm hơn do lo ngại các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn từ phương Tây, vốn đang kìm hãm nền kinh tế èo uột của nước này.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga dự báo sẽ giảm xuống dưới 1% trong năm nay và thậm chí xuống dưới 0% nếu phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Thậm chí, giới phân tích còn chỉ ra những mâu thuẫn nội bộ mà ông Putin đang phải đối mặt. Điển hình nhất là trường hợp hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass của Nga mới đây đã cho đăng tải phát biểu của ông Alexei Kudrin, cựu Bộ trưởng Tài chính và là một trong những cố vấn kinh tế tin cậy nhất của Tổng thống Putin.
Hôm 22/7, ông này đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích sự bất hòa giữa nhà lãnh đạo Nga với phương Tây. Ông Kudrin cảnh báo rằng chính sách "tự cô lập" mà một vài cố vấn của ông Putin theo đuổi đang đi ngược lại lợi ích kinh tế của Moskva.
Trả lời phỏng vấn Itar-Tass, ông Kudrin nói: "Chúng ta lại trở thành kẻ thù của phương Tây. Có những người ở trong nước từ lâu đã muốn bị cô lập, tự cung tự cấp. Giờ đây, điều này đang có điều kiện để phát triển. Các doanh nghiệp muốn đầu tư, xây dựng nhà máy, thúc đẩy thương mại, song hiện giờ họ rất lo ngại về những điều họ nghe trên đài phát thanh và trên truyền hình".
Phương Tây đang gia tăng sức ép lên ông Putin sau vụ MH17 |
Truyền thông phương Tây hồi đầu tháng này cũng cho đăng tải kết quả một công trình nghiên cứu ở Mỹ khẳng định, nước Nga và Vladimir Putin ngày càng bị ác cảm, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, do Moscow dính líu tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tiến hành thăm dò 48.643 người sống ở 44 quốc gia, từ ngày 17/3 đến 5/6. Kết quả cho thấy hình ảnh của nước Nga đã bị xấu đi trong vòng một năm, với tỉ lệ trung bình 43% người chống đối so với 34% người ủng hộ.
Tỷ lệ có “ác cảm” với nước Nga và ông Putin tại Mỹ tăng tới 29%. Tại Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy, tỉ lệ không tán thành tăng ở mức hai con số.
Trong khi đó, tại Pháp số người phản đối dù tăng ở mức một con số là có 9%, nhưng cái nhìn của người Pháp về nước Nga năm 2013 là tệ hại nhất trong số tất cả các nước châu Âu được thăm dò, từ 64% “ác cảm” nay lên 73%.
Đặc biệt, tại Ukraine, cứ 10 người Ukraine thì có đến 6 người ghét Nga, so với tỉ lệ cách đây ba năm là chỉ có 1 người không ưa Moscow. Con số này thay đổi theo từng vùng đất nước. Dư luận ác cảm với Nga nhất là ở miền Tây (83%) so với miền Đông nói tiếng Nga là 45%. Ở đây cũng có một điều đáng nói là tỷ lệ “ghét” Nga ở Crimea chỉ có 4%.
Rõ ràng, phương Tây đang phần nào thành công với chiến dịch hạ thấp uy tín của nhà lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả một khi ông Putin bị “dồn vào chân tường”.
Tiến sĩ Andrew C. Kuchins, Giám đốc và là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Nga và Âu-Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy các biện pháp trừng phạt sẽ thay đổi cách hành xử của Nga. Thay vào đó, chúng sẽ chỉ khuyến khích ông Putin và người Nga giữ nguyên quan điểm của họ.
Giáo sư Mark Beeson thuộc Đại học Murdoch cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng “điều quan trọng là hạ nhiệt những cái đầu nóng, đặc biệt là những người có khả năng đưa ra quyết định gây hậu quả”.
Chuyên gia Mark Almond cũng khẳng định trên Mail Online rằng: “Phương Tây cần tránh đẩy Nga vào chân tường”.
Đông Tây
No comments:
Post a Comment