(Tin tức thời sự) - Đăng ký con đường tơ lụa trên biển: TQ đang dùng khoa học vào mục đích chính trị phi lý.
Đó là quan điểm của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học VN trước việc Trung Quốc đang lập một cơ sở khảo cổ dưới nước cấp quốc gia và bổ sung hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khái niệm “con đường tơ lụa trên biển”.
Mưu đồ rất bài bản của TQ
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 22/7, PGS.TS Tống Trung Tín cho hay: "Việc thành lập cơ sở nghiên cứu khảo cổ dưới biển là quyền của mỗi nước, nước nào có biển, có sông, có hồ, có tất cả những tiềm năng khảo cổ học dưới biển thì đều có quyền lập cơ sở nghiên cứu đó".
Theo ông Tín thì sự việc chỉ có vấn đề khi việc nghiên cứu được tiến hành ở đâu, nhằm mục đích gì? Ví dụ, thứ nhất, nếu TQ nghiên cứu trong vùng lãnh hải, lãnh thổ của TQ được pháp luật quốc tế thừa nhận thì đó là quyền của TQ. Tuy nhiên, khi TQ lập ra để nghiên cứu trong vùng lãnh hải của nước khác đó là điều cực kỳ phi lý, không thể chấp nhận được.
Thứ nữa, nếu cơ sở nghiên cứu đó tiến hành nghiên cứu ở khu vực đang có tranh chấp thì càng không thể vì việc tranh chấp mang tính quốc tế về lãnh thổ, lãnh hải như vậy phải chờ sự phân giải của các cơ quan trọng tài quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chuyện lập một cơ sở nghiên cứu khảo cổ học dưới nước theo tôi nó phải rạch ròi như vậy.
Theo ông Tín, rõ ràng việc TQ định thăm dò, tiến hành nghiên cứu khảo cổ học dưới nước trong các khu vực tranh chấp và khu vực lãnh hải của nước khác là không thể chấp nhận được, là vi phạm luật pháp quốc tế. Hiển nhiên khi tiến hành những vấn đề này, nó đều nằm trong kế hoạch bài bản nhằm độc chiếm Biển Đông để "bá quyền" khu vực Đông Nam Á và rộng hơn nữa.
Về việc TQ còn định lập một hồ sơ gửi UNESCO công nhận di sản TG đối với “con đường tơ lụa” trên biển, ông Tín bày tỏ: "Không cần lý luận dài dòng thì ai cũng thấy nó quá buồn cười, quá phi lý”.
Ông Tín nhìn nhận: "Một con đường giao thương quốc tế có quy mô lớn rộng bao trùm nhiều nước mà làm như vậy thì có khác nào muốn cả TG là của mình. Rồi còn cái luận thuyết, ở đâu có tàu thuyền của mình đi qua, có đồ gốm của mình ở đó thì đấy là đất của mình, biển của mình thì tôi đã thấy nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nói rồi.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học VN |
Đó chỉ là vấn đề giao thương kinh tế, hay giao lưu văn hóa. Các chứng tích như vậy sẽ diễn ra ở bất kỳ nước nào và bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu cứ theo luận thuyết này của TQ, thì theo ông Tín nước nào cũng có thể làm được như thế.
Không riêng gì TQ, VN cũng làm được, bởi trên con đường giao thương quốc tế trên đường biển này VN cũng đã tiến hành giao thương với TQ, các nước Đông Nam Á từ trước công nguyên, từ thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của người Việt. Ví dụ, qua con đường biển này, trống đồng của văn hóa Đông Sơn đã lan tỏa xuống Indonesia… Hoặc, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, 18 gốm Việt Nam qua con đường biển đã có mặt ở Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Á v.v…
Một con tàu đắm khổng lồ đã chở đầy gốm Thăng Long và gốm Hải Dương đã bị đắm ở ngoài khơi Cù Lao Chàm có niên đại thế kỷ thứ 15. Nói như vậy để thấy luận thuyết hết sức phi lý nhưng mặt khác cũng hết sức tinh vi, thâm hiểm của tư tưởng độc chiếm biển Đông của TQ.
Ông Tín cũng chỉ rõ: "Tất cả các công việc này nhằm để phục vụ cho việc khẳng định 80% diện tích Biển Đông là thuộc lãnh thổ TQ, một cách thức để hợp pháp hóa đường lưỡi bò trên biển của TQ. Bởi khi đã công nhận con đường tơ lụa trên biển thì việc TQ sở hữu đường lưỡi bò gần như là lẽ đương nhiên. Đó quả là một biện pháp tổng hợp hết sức nguy hiểm buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Con đường tơ lụa là của nhân loại
Phân tích rõ hơn về con đường tơ lụa, ông Tín lý giải: Con đường tơ lụa bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ II trước Công Nguyên để liên minh Trung Quốc với những quốc gia ở phía Tây, trên con đường đó giao lưu kinh tế và văn hóa hết sức phát triển, với nhiều mặt hàng trong đó có tơ lụa và nhờ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Đông – Tây.
Từ Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, Kazkhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã. Tất nhiên đó là giao thương và giao lưu hai chiều. Do mặt hàng tơ lụa TQ rất nổi tiếng và cũng được các nước phương Tây rất ưa thích, cho nên người ta mệnh danh nó là con đường tơ lụa, đúng hơn là con đường tơ lụa trên bộ. Đó là một thành tựu lớn của nhân loại.
Cũng tương tự, ở trên biển cũng từ trước Công Nguyên giao thương Đông – Tây cũng được hình thành với nhiều mặt hàng phong phú. Nhưng mà sản phẩm gốm sứ do sức bền của nó được tìm thấy và phản ánh con đường tơ lụa trên biển rất rõ.
Trên con đường tơ lụa trên biển, Việt Nam nằm ở vị trí chung chuyển do đó tính chất giao thương và giao lưu giữa Việt Nam với quốc tế cũng rất mạnh mẽ. Do vậy, có thể nói tính quốc tế của con đường tơ lụa là cực kỳ lớn.
Cảnh giác với động thái lập hồ sơ di sản xin công nhận con đường tơ lụa
Ông Tín cho rằng: con đường tơ lụa trên biển có quy mô hết sức lớn rộng bao trùm nhiều quốc gia. Do vậy, lập hồ sơ công nhận di sản con đường tơ lụa cho bất kỳ nước nào là một điều cực kỳ phi lý.
Hoặc giả nếu cần thiết phải lập hồ sơ để bảo vệ và tôn vinh con đường di sản đó thì nó phải là di sản chung của tất cả các nước mà nó đi qua và với điều kiện tất cả các nước đó cùng đồng ý trên cơ sở luật pháp và công ước di sản của Unessco.
Giả dụ con đường đó đi qua lãnh hải VN thì con đường đó phải là con đường của VN, nếu VN đồng ý. Còn nếu VN không đồng ý thì không thể lập được hồ sơ cho con đường đó. Thực chất, việc xây dựng hồ sơ chỉ là một trong những toan tính độc chiếm biển Đông của TQ mà thôi.
Chính vì vậy, trước động thái trên của TQ, ông Tín cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học rất cần có trách nhiệm tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân trong nước và TG thấy rõ ý đồ nguy hiểm nhưng hết sức tinh vi đó.
Nếu ta im lặng không nói gì để họ muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói thì dần dần sẽ đưa công luận quốc tế và trong nước đi tới ngộ nhận rằng con đường di sản đó là của TQ đã từ rất lâu rồi, và do vậy con đường lưỡi bò mà TQ đưa ra là hợp thức.
Do vậy, cần hết sức cảnh giác trước mọi việc làm của TQ để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
Thanh Huyen
No comments:
Post a Comment