Wednesday, June 4, 2014

Xây dựng hồ sơ PSSA – một biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải

  - 

Xây dựng hồ sơ PSSA – một biện pháp bảo vệ chủ quyền lãnh hải
Theo đánh giá của UNESCO đối với giá trị di sản thiên nhiên thế giới cho vùng biển, bờ và các đảo nhiệt đới: vùng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nằm trong danh sách ứng cử viên hàng đầu là vùng biển nhạy cảm đặc biệt (PSSA). Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc cũng đang muốn biển Đông thành một PSSA cho mình. 
Phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới đã có một cuộc trao đổi với TS Dư Văn Toán, trưởng phòng Nghiên cứu quản lý tài nguyên biển, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (thuộc Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này. 
Thưa TS, được biết ông và nhóm cộng sự đã đề xuất 5 vùng nghiên cứu lập hồ sơ PSSA của vùng biển Việt Nam và 4 vùng nghiên cứu PSSA xuyên biên giới. Xin ông cho biết thêm về điều này? 
Qua nghiên cứu, chúng tôi đã xác lập được tất cả 23 khu vực biển có tiềm năng, được gọi là các khu lõi hạt nhân của PSSA, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Do có nhiều khu vực tương đối gần sát nhau, nên có thể mở rộng - kết nối thành 5 khu PSSA. Đấy cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã có các khu PSSA như Mỹ tại PSSA Hawaii có đến hơn chục khu lõi hạt nhân PSSA. 
Trong 14 khu PSSA đã được công nhận trên thế giới hiện nay, có đến 5 khu PSSA là xuyên biên giới, PSSA Baltic có 7 quốc gia lân cận (ngoại trừ Nga) không tham gia. PSSA Tây Âu có 6 quốc gia, PSSA Wadden có 3 quốc gia, PSSA Eo Tores và Bonifacio có 2 quốc gia. 
Các kinh nghiệm quý báu của các PSSA này có thể giúp Việt Nam hợp tác nghiên cứu và triển khai xây dựng hồ sơ chung PSSA tại tất cả các vùng biển cận biển tại các khu vực có biên giới biển, tạm chia ra làm 4 vùng: vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, Trường Sa và Hoàng Sa.  
Khi một vùng biển được công nhận là PSSA, thì vùng đó sẽ được công nhận về tầm quan trọng đặc biệt trên bản đồ hàng hải thế giới của Tổ chức thủy đạc quốc tế IHO có trụ sở tại Monaco. 
Thứ hai, các cá nhân và tổ chức hàng hải về việc thận trọng khi đi lại qua một khu vực biển PSSA. Và cuối cùng, đây là cơ hội cho các quốc gia ven biển áp dụng các biện pháp bảo vệ bổ sung để hướng tới kiểm soát các rủi ro do hàng hải quốc tế gây ra.
Theo đánh giá của UNESCO đối với giá trị di sản thiên nhiên thế giới cho vùng biển, bờ và các đảo nhiệt đới thì vùng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nằm trong danh sách ứng cử viên hàng đầu. Nếu chúng ta có những vùng biển, đặc biệt là vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, được công nhận là khu PSSA thì điều này có ý nghĩa như thế nào?
Ngoài các lợi ích chính của các PSSA truyền thống, trong bối cảnh quốc tế phức tạp tại Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa thì việc được công nhận PSSA còn có thêm các lợi ích khác như: Giúp bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo (các đảo nhỏ vùng đường cơ sở, vùng khơi); Tăng cường hợp tác, hữu nghị, đối với các PSSA liên quốc gia.
Nếu có các khu PSSA của Việt Nam thì chúng sẽ được phát hành trên bản đồ thủy đạc của IHO (Tổ chức Thủy đạc quốc tế) và được công bố rộng rãi toàn cầu đến các công ty dịch vụ, cộng đồng hàng hải. 
Các hoạt động tàu thuyền dưới cờ hiệu Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) sẽ buộc phải chấp hành. Một kinh nghiệm đã có tại khu PSSA Malpelo của Columbia chỉ gồm các đảo đá khô cằn: sau khi khu này được công nhận là PSSA, việc bảo vệ các hệ sinh thái, chủ quyền biển đã rất hiệu quả, hơn hẳn trước đó. 
Kinh nghiệm này cũng tạo cơ hội cho các PSSA xa bờ của Việt Nam: tạo cơ sở cho các đảo nhỏ xa bờ thuộc Hoàng Sa, Trường Sa khi được công nhận là PSSA thì sẽ giúp bảo vệ tài nguyên và chủ quyền biển đảo tốt hơn.
Được biết hiện Trung Quốc đang muốn biến Biển Đông thành vùng PSSA cho mình?
Từ năm 2011, hội thảo khoa học quốc tế về Giao thông hàng hải tại Hải Nam Trung Quốc, chủ đề về PSSA tại Biển Đông đã được bàn thảo nhiều. Có nhiều báo cáo đến từ Singapore, Mỹ, Trung Quốc, và chúng đều đề cập đến mật độ tàu thuyền nước ngoài rất cao tại Biển Đông, cũng như hệ sinh thái biển tại Biển Đông rất phong phú và đa dạng, nên coi PSSA là một giải pháp. 
Các nhà khoa học Singapore (Robert Beckman, Leonardo Bernard - ĐH Tổng hợp NUS) đã đưa ra khả năng tại Biển Đông có nhiều khu PSSA. Trong khi đó, nhà khoa học Trung Quốc như ông Guan Song (ĐH Hạ Môn) lại cho rằng Biển Đông có thể là một PSSA, hoặc chí ít 2 triệu km2 thuộc đường chữ U mà Trung Quốc tự vạch ra có thể là một PSSA. 
Theo ông, khoa học Việt Nam cần làm gì để đối kháng vấn đề này của Trung Quốc? 
Tôi cho rằng, tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể xem xét trong thời gian sớm nhất xây dựng hồ sơ PSSA Hoàng Sa - Trường Sa trình IMO. Nếu được công nhận chúng ta dễ dàng kiểm soát, bảo vệ tài nguyên biển và đồng thời bảo vệ, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. 
Việt Nam cần liên tục cập nhật thông tin về khả năng PSSA sẽ được công bố trên các tạp chí quốc tế, hội thảo và có thể có hồ sơ lên IMO. Các nhà khoa học Việt Nam cần phải có các nghiên cứu đầy đủ và chi tiết, để có thể kiến nghị các cơ quan liên quan có giải pháp phù hợp nhất. 
Để được công nhận PSSA, trước mắt Việt Nam cần có những bước đi như thế nào?
Việt Nam cần có các nghiên cứu đầy đủ, cập nhật theo các tiêu chí về PSSA của IMO, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng dân cư, các nhà khoa học, kinh doanh vận tải hàng hải, các tổ chức môi trường. Hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị nhà nước cho trình lên Ủy ban môi trường của IMO. Họ sẽ xem xét vấn đề này hàng năm theo quy trình công nhận PSSA đã được quy định.
PSSA là khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, do IMO (tổ chức Hàng hải quốc tế, thuộc Liên Hiệp Quốc) công nhận từ 1990, nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học biển. 
PSSA được công nhận dựa trên bộ 17 tiêu chí nổi bật về sinh thái - môi trường, văn hóa giáo dục, kinh tế xã hội, và có nguy cơ bị tổn thương do hoạt động tàu thuyền quốc tế qua lại gây hại. 
PSSA là công cụ hài hòa nhiều công ước quốc tế như Công ước Luật biển UNCLOS 1982, Công ước di sản thế giới 1972, Công ước RAMSAR 1971, Chương trình Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO 1972, Công ước đa dạng sinh học 1992, Công ước MARPOL 1973/1978, Công ước COLREG, Công ước SOLAS…. 
Nếu được IMO công nhận là PSSA thì các PSSA sẽ có mặt trên bản đồ của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO) và các hoạt động hàng hải quốc tế sẽ tuân thủ đi lại qua PSSA và hạn chế gây ô nhiễm cho các vùng PSSA.
Lê Quỳnh (thực hiện)

No comments:

Post a Comment