-
Chứng từ mua sà lan của bà Nương và ông Kế
Ôm nợ vì... trả nợ
Chiều ngày 3.6, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, bà Trần Thị Nương, ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết, bà vừa kết thúc buổi làm việc với cơ quan điều tra Công an TP. Cần Thơ.
Theo đó, bà Nương tiếp tục tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Tăng Thành Kế và ông Tuấn Kiệt.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010 vợ chồng bà Nương mua của ông Tăng Thành Kế (DNTN Thái Thành Long, 86/50B đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chiếc sà lan số hiệu TV 4848 với giá 3 tỉ đồng.
Do bên bán là ông Tăng Thành Kế đang thiếu nợ ngân hàng 2 tỉ đồng nên vợ chồng bà Nương đã đưa tiền mặt 1 tỉ đồng cho ông Tăng Thành Kế. Số tiền 2 tỉ đồng còn lại, vợ chồng bà Nương tiếp nhận nợ và tiếp tục trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn quận Bình Thuỷ (Cần Thơ).
“Chúng tôi có đầy đủ tất cả các chứng từ giao dịch với ngân hàng từ khi tiếp nhận nợ. Tôi đã thanh toán lãi vay và vốn cho ngân hàng đầy đủ hàng tháng, có ký tên vào chứng từ giao dịch, song phần “Tên khách hàng” trên chứng từ vẫn giữ nguyên tên chủ sỡ hữu cũ là DNTN Thái Thành Long.
Đây chính là nguyên nhân ông Kế không chịu sang tên sà lan cho tôi. Có lúc tôi chuẩn bị tiền để tất toán với ngân hàng nhằm lấy lại tài sản thế chấp thì ông Kế yêu cầu phải chi thêm 300 triệu đồng nữa mới ký sang tên, thấy vô lý nên tôi không chịu”.
Năm 2012, chồng bà Nương đột ngột qua đời. Bà Nương vừa lo ma chay, vừa còng lưng trả nợ vay cho ngân hàng trong khi ông Kế vẫn không chịu sang tên chiếc sà lan.
“Lãi và vốn vợ chồng tôi thanh toán cho ngân hàng đã hơn 1,7 tỉ đồng. Tôi đã nhiều lần gặp giám đốc ngân hàng yêu cầu cho tất toán nhưng không được chỉ vì tôi chưa đứng tên sà lan. Mà không có giấy tờ thì không bán được, cũng khó lưu thông để kiếm tiền. Nợ chồng nợ”, bà Nương nói.
Sà lan... bốc hơi
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2010, vợ chồng bà Nương đã sử dụng sà lan TV 4848 để vận chuyển cát, sạn...
Sà lan này có tải trọng 498 tấn, dài 50,68 mét, vỏ bằng thép. Trong khi sà lan đang vận hành thì tháng 8.2013, ông Kế đã yêu cầu ngân hàng neo sà lan. Lí do: bà Nương không chịu chi thêm 300 triệu đồng.
Thấy quyền lợi bị xâm phạm, bà Nương nộp đơn ra toà và yêu cầu trong thời gian chờ phán quyết, ngân hàng giữ nguyên hiện trạng sà lan và giấy tờ để cơ quan pháp luật phân xử.
Rắc rối tiếp tục xảy ra khi ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiện ông Kế vì lí do ông này không tiếp tục chi trả lãi và vốn đối với hợp đồng tín dụng. Toà án Nhân dân quận Ninh Kiều đã ra quyết định hòa giải, dù người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan là bà Nương không hề hay biết.
Thế rồi, chiếc sà lan không còn nằm bờ mà đột ngột biến mất. Lo lắng cho tài sản của mình, bà Nương cất công dò tìm từ Vĩnh Long, về Cà Mau và cuối cùng phát hiện chiếc sà lan đang ở Tiền Giang.
“Tôi còn phát hiện thêm một sự thật nữa là ông Tuấn Kiệt, chủ một doanh nghiệp ở Cà Mau đang làm hồ sơ sang tên chủ sở hữu chiếc sà lan. Như vậy nghĩa là ông Kế đã tiếp tục bán chiếc sà lan trên cho người thứ 3. Xét về các quy định của pháp luật là chưa phù hợp. Nói rõ hơn, họ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên tôi tố cáo”, bà Nương nói.
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi mới nhận được, Công an tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ chiếc sà lan, không cho vận chuyển để phục vụ công tác điều tra.
Chiều cùng ngày, phóng viên đã liên lạc với ông Tăng Thành Kế nhưng số điện thoại doanh nghiệp của ông Kế ở địa chỉ trên đã không thể liên lạc được.
Nguyễn Thanh
No comments:
Post a Comment