Hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và tàu hộ tống trái phép vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Bỏ qua luật pháp quốc tế
Tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương (APR) lần thứ 28 diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia từ ngày 2 đến 4-6, hành vi gây bất ổn của Trung Quốc ở biển Đông đã bị nhiều quốc gia chỉ trích mạnh mẽ, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và một số nước ASEAN. Ngoài ra, theo TTXVN, nhiều đại biểu đồng tình với cách Việt Nam đang đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề giàn khoan Hải Dương 981.
Giàn khoan và tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Asahi
Trong khi đó, tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3-6 tại thủ đô Washington - Mỹ, các học giả lo ngại những diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy căng thẳng ở biển Đông có nguy cơ leo thang thành khủng hoảng toàn cầu.
Bà Aileen Baviera, giáo sư của Trường ĐH Philippines, chỉ trích hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền trong khuôn khổ của cái gọi là “đường 9 đoạn” phi pháp với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang.
Trong khi đó, ông Robert Daly, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát.
Thông điệp mạnh mẽ của Úc
Trong một phát biểu nhằm vào Trung Quốc, Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 4-6 tuyên bố nước này “phản đối mạnh mẽ” những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và Hoa Đông.
Phát biểu trước khi lên đường đến thăm Indonesia, ông Abbott khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ và không tán thành các hành động đơn phương, khiêu khích... Các tuyên bố chủ quyền cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Báo Sydney Morning Herald nhận định đây là thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ mà ông Abbott gửi đến Trung Quốc, nước đang có nhiều hành động ngang ngược và sai trái tại biển Đông. Ngoài việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc còn đưa một phần khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna mà Indonesia tuyên bố chủ quyền vào “đường lưỡi bò”, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Jakarta.
Tình hình căng thẳng ở biển Đông cũng thu hút sự theo dõi sát sao của Berlin, theo lời Đại sứ Đức tại Philippines Thomas Ossowski. Báo The Philippine Star hôm 4-6 dẫn lời ông Ossowski cho biết Đức kêu gọi tôn trọng luật pháp và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông. Quan chức này còn thúc giục ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Cũng theo tờ báo này, những hành động trái phép của Trung Quốc ở biển Đông đang khiến nước này mất dần bạn bè. Theo bài viết, Trung Quốc leo thang căng thẳng ở biển Đông kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Nếu mục tiêu của ông Tập là tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh trong 9 năm tới, ông sẽ không thể nào đạt được nó bằng vũ lực hoặc bằng cách đẩy các nước láng giềng đến gần Mỹ hơn. Ngoài ra, nếu ông Tập muốn có thêm bạn bè và gây ảnh hưởng lên người khác thì những chính sách của ông ta lại đang làm điều ngược lại.
Bắc Kinh phớt lờ luật pháp quốc tế
Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) thụ lý vụ kiện do Philippines khởi xướng vừa yêu cầu Trung Quốc đưa ra phản biện trước ngày 15-12 dù Bắc Kinh cho đến giờ vẫn chối bỏ vụ kiện.“Trong án lệnh số hai, PCA ấn định ngày 15-12 là hạn chót cho Trung Quốc nộp bản phản biện đáp lại bản ghi nhớ của Philippines” - tuyên bố đăng tải trên trang web của PCA ở The Hague - Hà Lan hôm 3-6 nêu rõ.
Tuy nhiên, ngày 4-6, Bắc Kinh một lần nữa tỏ thái độ phớt lờ luật pháp quốc tế khi bác bỏ yêu cầu trên, đồng thời nói không có kế hoạch tham gia vụ kiện. Trước đó, Philippines đã nộp lên tòa án bản ghi nhớ dài gần 4.000 trang về vụ kiện Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết biển Đông.
Thứ Tư, 04/06/2014 21:36
Hoàng Phương
No comments:
Post a Comment