(NLĐO)- Các lãnh đạo nhóm G7 bày tỏ quan ngại đối với những căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia châu Á do tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông.
Đồng thời, tuyên bố chung của nhóm G7 cảnh báo chống lại bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào trong tranh chấp.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở biển Đông và Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất cứ nước nào nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải thông qua hăm dọa, cưỡng ép hay sử dụng vũ lực” - các lãnh đạo G7 nêu rõ trong tuyên bố sau cuộc hội đàm ở Brussels tối 4-6.
Đây là lần đầu tiên G7 họp tại Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) mà không có sự tham dự của Nga. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế” – bản tuyên bố chung cho biết thêm.
Tuyên bố nói trên được cho là nhằm vào hành động hung hăng và ngang ngược trên biển của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng. Chính quyền của quốc gia đông dân nhất thế giới này đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông và phủ nhận một cách phi lý chủ quyền của các nước Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia. Thêm vào đó Bắc Kinh còn tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương HD-981 tiến sâu vào vùng biển Việt Nam khiến cả thế giới bất bình.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí rằng việc sử dụng vũ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được tại Ukraine và khu vực Đông Á.
Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hôm 4-6 khai mạc phiên họp thượng đỉnh mà không có sự tham gia của Nga lần đầu tiên trong 17 năm. Các lãnh đạo G7 đã hối thúc Nga chấm dứt các hành động có thể gây bất ổn khu vực miền Đông Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn.
"Chúng tôi đã sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt và xem xét các biện pháp hạn chế bổ sung một cách nghiêm ngặt để khiến Nga phải trả giá đắt hơn” – tuyên bố chung của G7 nêu rõ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các quốc gia phương Tây nên suy tính kỹ lưỡng để làm rõ xem Nga có hành động thiện chí nào nhằm ổn định tình hình sau khi sáp nhập Crimea. Phát biểu này của bà Merkel rõ ràng nói tới những hành động đáng ghi nhận của Nga gần đây khi họ chủ động rút lực lượng gần biên giới Ukraine, đồng thời cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine đã diễn ra suôn sẻ và Tân Tổng thống Petro Poroshenko chuẩn bị nhậm chức vào ngày 7-6 tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích cho rằng những động thái trên cho thấy Nga đang trở nên hợp tác hơn và điều đó có thể khiến phương Tây suy nghĩ lại về việc gia tăng trừng phạt. Tuy nhiên, tuyên bố chung từ các nhà lãnh đạo G7 cho thấy có vẻ như phương Tây vẫn chưa thỏa mãn với những động xoa dịu tình hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thứ Năm, 05/06/2014 08:39
Đỗ Quyên (Theo Reuters)
No comments:
Post a Comment