Các đại biểu tại Hội thảo Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6 năm 2014-RFA
Việt Hà, phóng viên RFA-2014-06-04
Một cuộc hội thảo có tên Philippines, Việt Nam và những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông vừa được tổ chức tại Trung tâm Wilson ở Washington DC vào sáng ngày 3 tháng 6. Cuộc hội thảo có sự tham dự của những diễn giả đến từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc
Căng thẳng gần đây ở biển Đông giữa Trung Quốc và nước láng giềng Việt Nam xung quanh vụ giàn khoan HD 981 cho thấy sự bất đồng ngày càng lớn giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Đó là nhận định mở đầu buổi hội thảo của ông Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung Tâm Quốc tế Woodrow Wilson:
“Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế. Những lo lắng của vụ tranh chấp, tương đương như những lo lắng về sự triển khai rầm rộ các loại tàu và sự kiên quyết trong khẳng định chủ quyền cũng tương đương như nỗi lo về một thực tế là hai nước lớn Mỹ, Trung Quốc không thể đồng ý với nhau về những điểm bất đồng. Chúng ta thậm chí cũng chưa bắt đầu thảo luận đến việc điều hòa những bất đồng này một cách hòa bình. Hai bên cũng chưa có được thống nhất về điểm nào bao gồm một thực tế, đâu là quy định chung về dẫn chứng, và cái gì bao gồm trong một lập luận hợp lý, và vai trò của luật quốc tế ra sao….”
Theo chuyên gia Robert Daly, Hoa Kỳ liên tục đưa ra những lập luận hợp lý mang tính xây dựng nhưng đều bị khước từ trong khi Trung Quốc tin là những lập luật của họ xung quanh cái gọi là chủ quyền mang tính lịch sử không thể chối cãi đã bị lờ đi.
Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến tranh chấp lâu nay đe dọa trở thành một khủng hoảng quốc tế.
-Ông Robert Daly
Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi đầu tháng năm vừa qua, giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc đây là hành động gây hấn đơn phương từ phía Trung Quốc gây bất ổn cho khu vực. Để đáp lại những lên án từ Hoa Kỳ, tại đối thoại Shangri-la, diễn ra cuối tháng 5 đầu tháng 6 tại Singapore, bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tiến sĩ Aileen San Pablo-Baviera, thuộc trường đại học Philippines, trong bài phát biểu tại hội thảo thì cho rằng những căng thẳng gần đây tại biển Đông cho thấy rõ hơn những thách thức về an ninh trong khu vực. Bên cạnh những thách thức liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền là thách thức về sự đối đầu giữa các cường quốc, nổi bật là Mỹ và Trung QUốc. Tiến sĩ Braviera cáo buộc các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc đã gây căng thẳng cho khu vực.
Tiến sĩ Baviera nói Trung Quốc đã gia tăng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực đường 9 đoạn với việc sử dụng đông đảo các tàu bán quân sự, trong khi các tàu quân sự sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết. Tiến sĩ Baviera cũng nhìn nhận Hoa Kỳ đã đưa ra lập trường rõ ràng và mạnh mẽ hơn liên quan đến những hành động gần đây của Trung Quốc và bảy tỏ quyền lợi của Mỹ ở khu vực, cũng như khẳng định cam kết hỗ trợ cho đồng minh của mình tại khu vực, mà cụ thể là Philippines, trước những thách thức từ Trung Quốc.
Trung Quốc gây bất ngờ với ASEAN
Đến từ Việt Nam, diễn giả Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao cho rằng Việt Nam và các nước ASEAN đã hoàn toàn bất ngờ trước hành động mới của Trung Quốc tại biển Đông:
“Hành động của Trung quốc làm ASEAN bất ngờ. Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác mà không một ai đoán trước...”
Học giả Việt Nam đưa ra những bằng chứng về cơ hội cho sự phát triển quan hệ hai phía thời gian qua. Theo ông Tuấn, với một thị trường hơn 600 triệu dân và GDP hơn 2 ngàn 300 tỷ đô la, ASEAN có thể trở thành một thị trường lớn trên thế giới và là nền tảng cho sự phát triển quan hệ với Trung Quốc. Đó là chưa kể tiềm năng kim ngạch hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc ước tính ở mức 400 tỷ đô la có thể được đưa lên mức 1.000 tỷ đô la vào năm 2020. Mặt khác, học giả Việt Nam cũng nhìn nhận những tín hiệu tích cực từ những lãnh đạo mới của Trung Quốc thể hiện bằng các chuyến viếng thăm các nước ASEAN sau khi nhậm chức vào cuối năm 2012. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng những lời hứa về hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay đường dây nóng đã trở thành vô nghĩa khi nó không thể được thực hiện như mục đích ban đầu được đặt ra.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở việc đặt giàn khoan tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam mà có thể dịch chuyển tới các vùng nước đang tranh chấp với các nước láng giềng khác. Học giả Việt Nam cho rằng vấn đề tranh chấp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa bây giờ không còn là vấn đề song phương mà là đa phương vì nó đe dọa đến an ninh chung của toàn khu vực.
Tại sao TQ hành động đơn phương?
Một mặt chúng tôi nhìn thấy hy vọng, tương lai phát triển quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng thật bất ngờ khi quan hệ giữa hai phía bị chuyển sang một hướng khác.
-Ô. Hoàng Anh Tuấn
Lý giải về những hành động gần đây của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt là vụ giàn khoan HD 981, học giả Yun Sun, thuộc Trung tâm Stimson nói rằng Trung Quốc quyết định đưa ra các hành động bị các nước gọi là đơn phương và gây hấn là do Trung Quốc nhìn thấy việc kiềm chế hành động đơn phương trong quá khứ đã không cải thiện được vị thế của Trung quốc trong đòi hỏi chủ quyền của mình và với việc Trung Quốc không hành động gì chỉ khiến các nước khác trong khu vực có các hành động gia tăng chủ quyền của mình. Vì vậy đây là hành động nhằm cải thiện vị thế của Trung Quốc trong cuộc chơi và trong các đàm phán tương lai.
Ngoài ra còn có một số lý do khác được học giả Yun Sun đưa ra là chiến lược xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc được đưa ra từ nhiều năm trước. Trong khi việc mở rộng tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc gặp trở ngại tại biển Hoa Đông từ phía Nhật Bản, biển Đông là một khu vực được cho là thuận lợi hơn để Trung Quốc thực hiện tham vọng này. Vấn đề tranh chấp biển đảo cũng liên quan đến vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình muốn sử dụng chính sách ngoại giao để làm cải thiện hơn nữa hình ảnh của mình khi những chính sách cải tổ kinh tế và chống tham nhũng trong nước của ông gặp những trở ngại. Lý do cuổi cùng được đưa ra lý giải cho những hành động gần đây của Trung Quốc là việc Mỹ khó có khả năng can thiệp về mặt quân sự với dẫn chứng về cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây và nhất là vụ tranh chấp bãi Scarborough Shoal với Philippines vào năm 2012. Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc cho rằng họ có khả năng thực hiện một khủng hoảng có thể kiểm soát được mà không phải đối đầu trực tiếp với Mỹ. Với vụ giàn khoan dầu, Trung Quốc càng có thể làm mạnh khi Việt Nam cũng không phải là đồng minh của Mỹ.
Theo học giả Yun Sun, Trung Quốc đã cân đong những mặt thiệt và hơn trong những hành động gần đây và họ cho rằng mặt lợi đã vượt hơn nhiều so với những thiệt thòi mà họ có thể gánh chịu.
Kêu gọi Mỹ tham gia tích cực hơn
Học giả Philippines và Việt nam cho rằng Mỹ cần đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực. Theo Tiến sĩ Braviera, ASEAN hiện vẫn còn chia rẽ về vai trò của Mỹ ở khu vực. Một số nước hoan nghênh Mỹ, một số thì lo ngại sự tham gia của Mỹ trong khu vực có thể làm tình hình thêm phức tạp.
Tiến sĩ Braviera cho rằng, Mỹ cần cho các nước ASEAN thấy vai trò tích cực của mình trên nhiều mặt bao gồm ngoại giao, kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và quân sự, qua các diễn đàn đa phương, nhất là cần phải tỏ rõ lập trường của mình qua việc thông qua Công ước về luật biển 1982.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Hoa Kỳ giúp đoàn kết ASEAN hơn nữa và khuyến khích Trung Quốc tham gia đàm phán tích cực với ASEAN để giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
No comments:
Post a Comment