Friday, May 9, 2014

Xung quanh chuyện dàn khoan Trung Quốc trong biển Việt Nam

Tất cả các cơ quan truyền thông trên thế giới trong hai ngày vừa qua đều đề cập tới tình hình biến động  tại Biển Đông, khu vực đã có những tranh chấp gay gắt từ nhiều năm nay.  


Một tàu Trung Quốc phun vòi nước xua duổi tàu Việt Nam trong khu vực gần giàn khoan HD 981. (Hình: Bộ Ngoại Giao Việt Nam)

CNN nói rằng có  sự leo thang mới  trong tình hình căng thẳng do một loạt những va chạm với tầm mức nặng nề nhât từ trước đến nay giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines.

Ernest Bower và Gregory Poling, hai học giả thuộc Viện Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế ở  Washington, coi việc Trung Quốc đem giàn khoan khổng lồ vào Biển Đông là hành động hàm chứa nhiều ẩn ý đáng kề. Yahoo News dẫn lời  hai ông cho rằng việc này xảy ra ngay sau chuyến công du Á Châu của Tổng Thống Obama chứng tỏ Trung Quốc “có ý định thử thách quyết tâm của Việt Nam, ASEAN và Washington”.và Bắc Kinh có lẽ “muốn thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, nhân lúc Hoa Kỳ đang vướng bận đến nhiều vấn đề ở Ukraine, Nigeria, Syria”.

Bình luận gia Pepe Escobar của hệ thống truyền hình Nga RT cũng gần quan điểm ấy, ông cho là Tổng Thống Obama đã làm Biển Đông dậy sóng. Theo ông, chính sách chuyển trục về châu Á và những cam kết bảo vệ các đồng minh Á Châu khiến Trung Quốc lo ngại và tìm giải pháp ứng phó. Ông Escobar cho rằng Hải Quân Hoa Kỳ muốn duy trì vai trò bá chủ Biển Đông qua những tuyên bố của Washington về lợi ích cốt lõi và quyền tự do hàng hải ở vùng biển này, và như thế Trung Quốc sẽ bị cản trở trong chủ trương bành trướng của họ. Philippines mở cửa đón  quân đội Hoa Kỳ trở lại sau ¼ thế kỷ và Malaysia từ trước đến nay tránh va chạm với Trung Quốc bây giờ cũng sẵn sàng gia tăng hợp tác với Hải Quân Hoa Kỳ. Những sự việc ấy khiến Trung Quốc thấy cần có những bước tiến cụ thể hơn thay vì giữ nguyên trạng từ nhiều năm.

Giáo sư đại học New South Wales Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt cho rằng “Trung Quốc đang trực tiếp thách thức chủ quyền của Việt Nam trong vùng Biển Đông  cũng như thách thức thẩm quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực đặc quyền kinh tế của mình”. Ông cho rằng qua sự kiện này, Bắc Kinh tái khẳng định chủ trương dần dần mở rộng sự hiện diện cho đến khi  thống trị toàn bộ Biển Đông”.

Thạc sĩ luật quốc tế Hoàng Việt, giáo sư Đại Học Luật thành phố HCM, và thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông kiêm cố vấn học thuật Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, nhận định tình thế một cách thực dụng hơn về hoàn cảnh của Vệt Nam. Trong một bài phỏng vấn trên báo điện tử VNExpress ở Việt Nam, ông nói: “Việt Nam được xem là khúc xương khó nhằn nhất Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc đặt được giàn khoan ở vùng biển Việt Nam thì không có lý do gì họ không làm được việc tương tự với Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei”.

Theo ông, “Nếu Việt Nam để Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì sẽ thành một tiền lệ xấu, Trung Quốc sẽ lấn tới ở những nơi khác rồi cứ thế thì Việt Nam đứng trước nguy cơ không còn biển nữa”.

BBC cho biết Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Daniel Russel, chuyên trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đang thăm Việt Nam, trong buổi gặp báo giới tại Hà Nội hôm Thứ Năm, hầu hết các câu hỏi của phóng viên đều liên quan việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông.

Theo lời ông Russel, bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ, rằng hành động đơn phương của Trung Quốc là “khiêu khích và làm tăng căng thẳng và không đem lại lợi ích an ninh cho khu vực”. Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tranh chấp trên biển, gồm cả Hoàng Sa, phải được giải quyết “một cách hòa bình, qua con đường ngoại giao, theo luật pháp quốc tế”. Ông giải thích thêm là “Hoa Kỳ có quan điểm từ lâu rằng, nếu kênh ngoại giao không có kết quả, các nước tranh chấp cần tận dụng quyền sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế.”

Ông khẳng định rằng Hoa Kỳ “không đưa ra quan điểm riêng của mình về phải trái trong đòi hỏi của bất kỳ nước nào trên Biển Đông”. “Nhưng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp trong hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.”

Nữ phát ngôn viên Hua Chunying bộ ngoại giao Trung Quốc ngày hôm trước - phản ứng lại tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki -  sau khi lên tiếng cáo buộc Việt Nam quấy rầy cản trở giàn khoan trong vùng biển của Trung Quốc, nói rằng “Mỹ không có quyền tùy tiện phê phán hoạt động thuộc về chủ quyền của Trung Quốc”.

Giải thích về trường hợp Mỹ ủng hộ Philippines trong sự tranh chấp với Trung Quốc, ông Russel nói: “Chúng tôi có lập trường về tính ràng buộc thiêng liêng với Philippines như đồng minh. Nhưng chúng tôi không có quan điểm về phải trái trong đòi hỏi chủ quyền của Philippines.”

Theo tờ The Guardian ở Anh, Hanoi không hy vọng có khả năng đương đầu quân sự với Trung Quốc và chỉ muốn tìm một giải pháp hòa bình.  Khi biết mưu định của Trung Quốc,  ngày 2 tháng 5  Việt Nam đã điều phái 29 tàu đến vùng biển gần giàn khoan HD-981 nhưng trong số đó không có chiến hạm nào. Ngược lại số tàu Trung Quốc đông gấp nhiều lần tàu Việt Nam và gồm cả các chiến hạm hộ tống giàn khoan.

Thông tấn xã AP,  dẫn lời một giới chức yêu cầu không tiết lộ danh tánh trong tình thế tế nhị này, nói rằng  theo ông, mục tiêu hành động của các tàu Việt Nam là cố gắng ngăn cản không để cho HD-981 cắm neo tại nơi định khoan dò, Tuy nhiên không chắc có thể làm được điều này vì các tàu Trung Quốc can thiệp,  xua đuổi bằng vòi phun nước và kể cả việc đâm vào tàu Việt Nam... Tờ Guardian cũng nhắc lại  năm 1992, Trung Quốc đã ký hợp đồng cho công ty Hoa Kỳ Crestone thăm dò dầu khí ở vùng biển Trường Sa nhưng Việt Nam phản đối và 2 năm sau giàn khoan phải rút đi trước áp lực của hải quân Việt Nam. Bây giờ hải quân Trung Quốc phát triển hơn nhiều và Việt Nam khó tạo được áp lực như thế.

Tớ báo nhận định rằng mặc dù có những hạn chế trong sự đương đầu với nước láng giềng khổng lồ nhưng bây giờ Việt Nam không ở thế cô lập và có thể vận dụng sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Tuy vậy không thể trông đợi nhiều vào những giải pháp ngoại giao cũng như sự trợ lực hiệu  quả  của các quốc gia lớn và do đó Việt Nam buộc phải tìm đường lối uyển chuyển phù hợp khả năng thực tế và thích ứng nhất với từng tình hình cụ thể.

Một nhà quan sát từ Việt Nam, Giáo sư Lương Văn Kế trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội có ý kiến tin vào sự can thiệp của Nga trong sự kiện này. Trả lời phỏng vấn của BBC, ông nói: “Nga sẽ không chấp nhận để Trung Quốc 'thao túng' ở Biển Đông mặc dù có thể sẽ vẫn tiếp tục tham gia 'diễn tập hải quân' chung với Trung Quốc ở khu vực Biển Hoa Đông gần Nhật Bản”.

Một diễn biến có thể có ý nghĩa hôm Thứ Năm khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho  rằng Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và rằng một sự cố giữa giữa hai nước hồi đầu tuần này tại Biển Đông không phải là một "cuộc đụng độ". Ông nói: "Tôi không tin đó là một vụ đụng độ. Tôi nghĩ có khác nhau về quan điểm trong một số tranh chấp”.

Nhưng ông Trịnh vẫn khẳng định: “"Nơi xảy ra vụ việc vẫn luôn thuộc về vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc tất nhiên phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác của chúng tôi. Việt Nam nên ý thức về vấn đề này”.

Đối với nhà cấm quyền cũng như dân chúng Việt Nam, cần phải sáng suốt nhận định được diện và điểm trong sự kiện này. Phản ứng với sự thách thức và hành động khiêu khích, cho dù có đạt thành công tới một chừng mực nào đó, cũng sẽ không đưa tới kết quả gì. Điều thiết yếu là làm sao để Trung Quốc không thể đi đến mục tiêu cuối cùng của họ.

Theo ý kiến của giáo sư thạc sĩ Hoàng Việt: “Việt Nam không gây hấn nên sẽ không hành động trước và giới hạn là không dùng biện pháp quân sự. Nếu Trung Quốc đi quá giới hạn đó thì Việt Nam phải hành động phù hợp”. Ông hy vọng rằng làm sao cuối cùng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan trở lại quần  đảo Hoàng Sa hoặc ra ngoài  vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Còn đạt tời kết quả này như thế nào sẽ còn qua nhiều khó khăn phức tạp.

Một blogger, Dannews, hôm Thứ Năm nói rằng nội bộ chính quyền không thống nhất.  Hà Nội và Sài Gòn không đồng ý về cuộc biểu tình dự trù vào ngày 11 tháng 5, Hà Nội chấp thuận còn Sài Gòn sẽ kiểm soát chặt chẽ. Thật ra những hành động phản đối Trung Quốc, nếu xảy ra tới mức độ có thể bị cáo buộc là khiêu khích, sẽ không có lợi ích gì cho sự giải quyết tình hình căng thẳng một cách khôn khéo và dứt khoát.

 05-08-2014 5:54:29 PM
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment