Friday, May 9, 2014

Philippines phớt lờ yêu cầu thả các ngư dân Trung Quốc

(Dân trí) - Giới chức Philippines đang điều tra xem liệu 11 ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ mới đây có phạm phải các tội danh hay không, trong đó có tội đánh bắt động vật có nguy cơ tuyệt chủng, phớt lờ yêu cầu của Bắc Kinh nhằm thả họ ngay tức thì.

11 ngư dân Trung Quốc đã bị phía Philippines bắt giữ.
11 ngư dân Trung Quốc đã bị phía Philippines bắt giữ.

 Cảnh sát Philippines đã bắt giữ 11 ngư dân và 1 tàu cá Trung Quốc, được cho là chứa hàng trăm con rùa biển quý, tại vùng gần bãi cạn Bán Nguyệt (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), gây ra cuộc đối đầu mới nhất giữa hai nước ở Biển Đông.
Trung Quốc đã hối thúc chính phủ Philippines thả ngay lập tức các ngư dân và con tàu. Bắc Kinh hôm 8/5 đã cảnh báo Manila không tiến hành thêm “bất kỳ hành động khiêu khích nào để tránh làm tổn hại thêm quan hệ song phương”.

Khi được hỏi liệu Manila có tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc, Giám đốc cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines Alan Purisima cho hay các ngư dân không được thả và sẽ bị điều tra để xác định xem liệu họ có mắc tội danh nào hay không, trong đó có tội xâm nhập trái phép và đánh bắt động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

5 ngư dân Philipines cũng bị bắt giữ trên một tàu riêng rẽ chứa 70 con rùa quý hiếm và sẽ bị điều tra, ông Purisima cho biết thêm.

Trong khi đó, chỉ huy lực lượng cảnh sát biển quốc gia Philippines, ông Noel Vargas, cho biết các cấp dưới của ông không bắn cảnh cáo trong khi bắt giữ các ngư dân Trung Quốc như giới chức Trung Quốc khẳng định. Một tàu của cảnh sát Philippines đã phải kéo tàu cá Trung Quốc, vốn bị vỡ bánh lái, về thị trấn Puerto Princesa trên đảo Palawan.

Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Philippines, gọi vụ bắt giữ tàu cá và 11 thuyền viên Trung Quốc là “hành động khiêu khích, được dàn dựng trong một âm mưu nhằm tạo căng thẳng và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc”.

Tại Washington, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã hối thúc Trung Quốc và Philippines giải quyết vụ việc bằng con đường ngoại giao, và bày tỏ lo ngại về việc các tàu đánh bắt động vật quý hiếm.

An Bình-Thứ Sáu, 09/05/2014 - 10:55
Theo AP

No comments:

Post a Comment