12:24 GMT - thứ tư, 21 tháng 5, 2014
Trung Quốc bác bỏ đòi hỏi rút giàn khoan HD-981
Việt Nam cần xem lại ảnh hưởng của Trung Quốc sau diễn biến đối đầu vì vụ giàn khoan trên biển, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành.
Ông Thành là một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt đã trở về sống tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 20/5, ông Thành cũng cảnh báo rằng lợi ích của thế giới đối với Trung Quốc sẽ khiến không nước nào đứng ra giúp đỡ Việt Nam trong tranh chấp hiện nay.
Theo ông Thành, đây là lúc chính phủ Việt Nam cần phải dựa vào nhân dân để bảo vệ chủ quyền và cần tỏ tỉnh táo để tránh xung đột dẫn đến chiến tranh.
BBC:Trong hai tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có nhiều biến động trước căng thẳng trên Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về tác động của tranh chấp trên biển đến nền kinh tế Việt Nam?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Thị trường chứng khoán chỉ phản ánh phần nào tâm lý lo lắng rằng bất ổn chính trị có thể dẫn tới bất ổn an ninh, bất ổn trong phát triển kinh tế.
Bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước, và vì vậy, vấn đề dài hạn ở đây là các doanh nghiệp sẽ phát triển thế nào.
Trong hai ba năm nay, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc làm ăn, phát triển. Mà những khó khăn đó không phải là do nước ngoài mà do chính sách về tiền tệ của Việt Nam, lãi suất quá cao, có lúc lên đến hơn 20%, giết chết hết doanh nghiệp.
Hiện nay ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam ở trên diện rộng hơn chứ không phải chỉ là vấn đề giàn khoan trên biển.
Ví dụ như trên phần lục địa, không biết vì lẽ gì Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng trăm nghìn hécta dọc biên giới Trung-Việt. Vấn đề đó có lợi gì về kinh tế, có hại gì cho quốc phòng?
Việt Nam cho Trung Quốc thuê hàng chục km dọc bờ biển Hà Tĩnh và cả vùng cửa khẩu Vũng Áng. Từ Vũng Áng ngó qua Hải Nam không bao xa, nếu ngày nào đó, Trung Quốc đưa một hạm đội từ Hải Nam sang Vũng Áng thì cả Vịnh Bắc Bộ sẽ không giao thông được nước ngoài, không giao thông được với miền Nam Việt Nam, bị biến thành một cái hồ của của Trung Quốc.
Cả một vùng biển có giá trị chiến lược như thế để cho Trung Quốc thuê là thế nào?
Cán cân mậu dịch giữa hai nước nghiêng về hướng thặng dư xuất khẩu cho Trung Quốc rất nhiều.
Chúng ta rất lệ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề nhiên liệu sản xuất. Sản xuất hàng may mặc bao nhiêu chục tỷ đôla nhưng đa phần là vật liệu từ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng trúng thầu tất cả những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam. Tất cả những chuyện đó phải bình tĩnh xem lại rằng chúng ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, kinh tế Việt Nam như thế nào.
BBC: Ông từng cảnh báo về những mối nguy khi Việt Nam lệ thuộc quá nhiều về phía Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tạo áp lực về kinh tế với Việt Nam lúc này, Hà Nội sẽ phải xoay sở thế nào, thưa ông?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Những doanh nghiệp Việt Nam đang yếu như thế, cả trăm nghìn doanh nghiệp chết, số còn lại đang cố gắng hồi phục.
Nếu Trung Quốc chiếm đoạt, thu gom những doanh nghiệp đang yếu thế của Việt Nam thì chúng ta sẽ làm thế nào? Hay nếu đầu tư vào những ngành mà Việt Nam không theo nổi thì sẽ làm như thế nào.
Phải xét lại nền kinh tế Việt Nam mạnh yếu chỗ nào và những điểm yếu sẽ dễ bị Trung Quốc khai thác thế nào.
Đó là điều mà các cơ quan nhà nước cần làm lúc này.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng chính phủ phải dựa vào nhân dân lúc này để bảo vệ chủ quyền
BBC: Giá đôla và giá vàng đã tăng mạnh trong những ngày qua, biểu hiện cho tâm lý lo ngại bất ổn của người dân. Theo ông thì điều này có tiếp tục kéo dài trong trung hạn hoặc dài hạn?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Lâu nay hình ảnh của Việt Nam vẫn là nơi yên bình để đầu tư và phát triển. Các cuộc bạo động đã phá vỡ hình ảnh đó.
Ngoài ra, vấn đề biểu tình hỗn loạn như thế thì có tính chất truyền nhiễm, đi tới những vấn đề bất an khác, không chỉ chống Trung Quốc mà quay lại chống chính quyền thì sao?
Phải cố gắng đừng xảy ra bạo động để tránh bất ổn về an ninh và phải làm sao để dân chúng có tinh thần yêu nước cao và hiểu rằng việc làm của mình có ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc phòng.
Nếu giả sử Trung Quốc đánh Việt Nam như 1979 thì sẽ ra sao, dân chúng có đứng lên đánh lại Trung Quốc như thời nhà Trần hay Lê Lợi hay không?
Những người yêu nước đều nói rằng dân là tất cả, có dân thì chống lại được ngoại xâm, không có dân thì rất nguy hiểm. Hiện giờ chúng ta có dân hay không, làm sao xây dựng tinh thần có dân để chống ngoại xâm đây?
"Phải cố gắng đừng xảy ra bạo động để tránh bất ổn về an ninh và phải làm sao để dân chúng có tinh thần yêu nước cao và hiểu rằng việc làm của mình có ảnh hưởng thế nào đến an ninh quốc phòng."-Bùi Kiến Thành
Đừng nghĩ rằng khi nào Trung Quốc đánh Việt Nam thì thế giới sẽ bênh vực và cứu Việt Nam. Không bao giờ có chuyện đó. Không bao giờ có cường quốc nào khởi động một ngón tay nào mà cứu Việt Nam đâu.
Đừng nghĩ rằng những chính sách ngoại giao thế này thế nọ thì thế giới sẽ bảo vệ Việt Nam. Quyền lợi của thế giới với Trung Quốc so với quyền lợi của thế giới với Việt Nam thế nào?
Giờ có muốn giúp đi nữa thì sẽ làm gì? Nước Mỹ có gửi quân qua để cứu Việt Nam không? Không có chuyện đó và chúng ta cũng không cần chuyện đó, rất nguy hiểm.
Chúng ta phải rất tỉnh táo, phải làm sao để một mặt có sự hợp tác với Trung Quốc, một mặt tránh xung đột đưa tới chiến tranh, đó là việc phải làm.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/05/140521_buikienthanh_comment_tension.shtml
No comments:
Post a Comment