Kính Hòa, phóng viên RFA-2014-05-21
Biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 11 tháng 5, 2014 với biểu ngữ Một Quốc Gia Cường Thịnh Phải Thay Đổi-Vietnamhumanrightsdefenders
Ngày Chủ nhật 11/5/2014 là một ngày khác thường trong sinh hoạt chính trị xã hội Việt nam trong những năm gần đây. Trên các đường phố, và cả ở miền thôn quê Việt nam xuất hiện những đám đông xuống đường phản đối Trung quốc xâm lược và yêu cầu cải cách đất nước.
Không như những chủ nhật biểu tình chống Trung quốc trước đó thường xuyên bị nhà cầm quyền nhanh chóng giải tán, ngày 11/5 được những người biểu tình coi là thành công. Từ sự so sánh đó những người quan sát cho rằng đã có một sự nới lõng của nhà cầm quyền để cuộc biểu tình được diễn ra trọn vẹn.
Có phải là xã hội có sự chia rẽ?
Một sự khác biệt nữa là lần biểu tình này có đến hai nhóm khác nhau. Một nhóm được tổ chức bởi nhà nước với những lực lượng đoàn thanh niên của họ, nhóm kia được kêu gọi bởi 20 tổ chức dân sự, dưới con mắt của nhà cầm quyền Việt nam có thể gọi là tự phát. Trước ngày 11/5 đã có tin đồn loan ra khắp nơi rằng nhà nước kêu gọi đi biểu tình, và có rất nhiều người nghi ngại về lời kêu gọi đó.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một trong những người tổ chức nhóm biểu tình ở Đà Nẵng vào ngày 11/5 nói với chúng tôi vào ngày 8/5.
“Tôi nghĩ là động cơ để người ta lên tiếng là đa dạng, có những người lên tiếng vì sự an nguy của đất nước, những người khác lại lồng vào đó động cơ chính trị. Có thể là bên cầm quyền người ta cần hình ảnh biểu tình để cho thấy là họ được dân ủng hộ. Nhưng người biểu tình thì người ta cảm thấy chán ghét chế độ này, chán ghét đảng cộng sản, chán ghét những người cầm quyền, Việt nam mình bây giờ ở vào tình trạng chia rẽ trầm trọng.”
Tôi nghĩ là động cơ để người ta lên tiếng là đa dạng, có những người lên tiếng vì sự an nguy của đất nước, những người khác lại lồng vào đó động cơ chính trị. Có thể là bên cầm quyền người ta cần hình ảnh biểu tình để cho thấy là họ được dân ủng hộ.Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh
Hình ảnh lớn nhất còn đọng lại của ngày 11/5 là tình cảm chống xâm lược của hàng ngàn người từ Bắc chí Nam. Song người có quan tâm tới thời cuộc Việt nam lại thấy rõ điều chia rẽ mà kỹ sư Thạnh vừa nhắc tới. Tại Sài Gòn, nhóm đoàn viên thanh niên chiếm diễn đàn của nhóm 54 nhân sĩ trí thức tại nhà hát lớn thành phố. Các biểu ngữ của nhóm đoàn viên này rất tinh tươm và nhấn mạnh việc ủng hộ đảng cộng sản Việt nam. Trong khi đó nhóm biểu tình tự phát trương lên một cách bất ngờ yêu cầu phải cải cách chính trị và xã hội để Việt nam được cường thịnh. Giải thích về các biểu ngữ yêu cầu cải cách này, chị Như Quỳnh, một blogger tham gia vào việc biểu tình tự phát nói với chúng tôi sau cuộc biểu tình.
“Cá nhân tôi cho rằng đây là lúc nhà nước Việt nam phải lựa chọn sự thay đổi về đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Đối nội là thay đổi đường lối với chính sách với những tiếng nói phản biện trong nước. Đối ngoại là thay đổi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Cái câu vì một quốc gia cường thịnh thì tôi nghĩ là thông điệp ngắn mà ôn hòa.”
Sự ôn hòa trong cuộc biểu tình ngày 11/5 đôi khi bị lấn lướt bởi những va chạm của hai nhóm biểu tình. Căng thẳng nhất là hình ảnh một bạn trẻ tại Hà nội, mang cờ búa liềm, lá cờ này là biểu tượng của cả hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Va chạm giữa bạn trẻ này và những người thuộc nhóm tự phát cuối cùng đã không xảy ra, nhưng nó cho thấy sự đồng thuận vốn được truyền thông nhà nước thường xuyên nêu cao là không hẳn đúng trong xã hội Việt nam hiện nay.
Em nghĩ rằng bây giờ xã hội đã mở rộng nhiều rồi. Nhiều bloggers, nhiều nhóm xã hội khác nhau, mỗi người có một quan điểm, mỗi người đưa ra lời kêu gọi khác nhau. Có sự chia rẽ, nhưng ở đây là sự chia rẽ về quan điểm, về cách thức chứ còn về việc chống Trung quốc thì khôngAnh Tuấn
Một xã hội đa dạng
Một thanh niên tham gia cuộc biểu tình thuộc nhóm tự phát tại Hà nội là Tuấn cho rằng những va chạm ấy là không quan trọng, mặc dù nhiều biểu ngữ đã bị xé vì hai nhóm biểu tình không đồng quan điểm với nhau.
“ Em nghĩ rằng bây giờ xã hội đã mở rộng nhiều rồi. Nhiều bloggers, nhiều nhóm xã hội khác nhau, mỗi người có một quan điểm, mỗi người đưa ra lời kêu gọi khác nhau. Có sự chia rẽ, nhưng ở đây là sự chia rẽ về quan điểm, về cách thức chứ còn về việc chống Trung quốc thì không.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của tổ chức dân sự Voice, một trong 20 nhóm dân sự đưa ra lời kêu gọi biểu tình ngày 11/5 đưa ra lời nhận xét về bộ mặt của xã hội Việt nam hiện tại xuất hiện trong cuộc biểu tình.
“ Về chuyện cuộc biểu tình có sư phân hóa, tạm gọi là của phe dân và phe đảng, mọi người chắc là nhận ra sự phân biệt đó, cả về khẩu hiệu, về thái độ, về cách thức tổ chức. Nhưng dù gì đi chăng nữa thì tôi cho rằng một cuộc biểu tình mà trưng ra được một khuôn mặt đa nguyên, có nhiều quan điểm, chiều hướng, thì nó không phải là điều tệ hại, nếu không muốn nói là tốt để tập dần những luật chơi dân chủ, luật chơi đa nguyên của một xã hội văn minh. Tôi thấy những biểu ngữ đòi trả tự do cho người yêu nước đứng bên cạnh những biểu ngữ ủng hộ chính phủ, đồng lòng với chính phủ để giải quyết vấn đề biển Đông, nó tạo ra một sự đa dạng trong không khí chính trị Việt nam hiện nay.”
Nhưng dù gì đi chăng nữa thì tôi cho rằng một cuộc biểu tình mà trưng ra được một khuôn mặt đa nguyên, có nhiều quan điểm, chiều hướng, thì nó không phải là điều tệ hại, nếu không muốn nói là tốt để tập dần những luật chơi dân chủ, luật chơi đa nguyên của một xã hội văn minhAnh Nguyễn Anh Tuấn
Dù có sự đa dạng như anh Nguyễn Anh Tuấn đề cập, cuộc biểu tình lớn ngày 11/5 kết thúc trọn vẹn. Sau đó vài ngày, cuộc biểu tình của hàng ngàn công nhân tại khu công nghiệp Bình Dươngvới duy nhất cờ đỏ sao vàng đã nhanh chóng dẫn tới sự bạo loạn. Sự bạo loạn này còn trầm trọng hơn khi sự can thiệp của cơ quan chức năng bị cho là rất chậm trễ, không nhanh chóng như những vụ trấn dẹp những cuộc biểu tình không do nhà nước tổ chức trong những năm gần đây.
Cách nay hơn 10 năm, chính phủ Việt nam đã huy động được hàng ngàn người, theo lời báo chí chính thống, biểu tình chống sự xâm lược của lực lượng Mỹ vào Iraq. Một cuộc huy động toàn bộ hệ thống chính trị như đảng cộng sản hay đề cập để quan tâm đến một việc xa nước Việt nam hàng ngàn dặm.
Ngày hôm nay nhìn vào cuộc biểu tình ngày 11/5 thì thấy rằng xã hội Việt nam đã thay đổi với sự hình thành những hội nhóm, quan điểm khác nhau. Và xã hội đó có những tự phát của nó để chống lại những điều đe dọa đến an nguy cận kề của quốc gia.
Như vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những người cầm quyền tại Việt nam vẫn còn e ngại sự đa nguyên?
No comments:
Post a Comment