Wednesday, May 21, 2014

Nhiều người dân Hà Nội phải sinh hoạt bằng nước ao



Nhiều năm nay, người dân Ngọc Than phải bơm nước ao về để sử dụng trong khi đường ống nước sạch sông Đà chỉ cách khu vực này hơn 1km.
Nhiều năm nay, người dân Ngọc Than phải bơm nước ao về để sử dụng trong khi đường ống nước sạch sông Đà chỉ cách khu vực này hơn 1km.
“Có nước là hạnh phúc lắm rồi chú ạ!”, ông Nhương, một người dân ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội) liên tục nhắc lại câu nói này.
Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết các giếng đào, thậm chí giếng khoan sâu tới 70m của Ngọc Than đều khô khốc. “Khát nước”, hàng ngàn hộ dân ở đây phải sử dụng nước ao tù, ô nhiễm cho đến hôm nay.
Đến nước dội toilet cũng phải "dè sẻn"
“Nhiều người muốn lắp máy bơm để bơm nước ao về dùng nhưng xa quá phải kéo xe bò chở nước đấy chú ạ. Chứ không phải ai cũng muốn dùng nước ao mà được đâu”, ông Đỗ Xuân Nhương, xóm Ngánh, cho biết.
Những đường ống dẫn nước chằng chịt khắp làng, có đường dài kỷ lục tới cả ngàn mét. 
Theo ông Nhương, khoảng 5 năm gần đây, khi mạch nước ngầm ở đây khô kiệt, sinh hoạt của người dân đành phải gắn với cái ao làng như cái thời chưa biết đến nước máy. Tức là người dân trong làng phải mang quần áo, chăn chiếu ra đây giặt giũ, rồi đi làm đồng về rửa tay chân hay rửa mớ rau, con cá. Nước ăn thì dùng thùng nhựa, thùng phuy chở về nhà.
Sau này, nước ao ngày càng bẩn hơn, người Ngọc Than đành phải xây những giếng lọc thô trong ao và lắp máy bơm, dẫn nước về nhà. Từ đó, những đường ống dẫn nước ao chia nhánh giăng khắp đường làng, ngõ xóm.
“Có nhà xa như xóm Chùa, chi phí kéo đường ống cả ngàn mét, cộng với tiền dây điện, máy bơm cũng lên đến 20 triệu đồng”, ông Nhương nói. Để mang được nước ao về nhà, ông Nhương cũng phải mất 5 triệu đồng cho khoảng cách 200m từ nhà đến ao. Đó là còn chưa tính chi phí xây bể lọc cũng như mua máy lọc nước.
Ban đầu, “công nghệ” lọc nước ở đây rất sơ sài. Nước dẫn từ ao về chỉ được lọc qua lớp cát, sỏi và sử dụng. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, người ta phải mua thêm máy lọc nước (có giá từ 4-5 triệu đồng) vì nước đã quá bẩn.
Nước trong ao được sử dụng cho mọi sinh hoạt, từ ăn, tắm, giặt…
Ngày bình thường, chiếc ao Sen phải “gồng mình” gánh chịu mọi sinh hoạt của người dân thì ô nhiễm là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, mỗi khi trời mưa, nước thải từ những cống rãnh không có chỗ thoát lại chảy tràn xuống ao càng thêm bẩn.
Tuy nhiên, dù dùng nước ao nhưng họ cũng rất dè sẻn và tận dụng triệt để cho mọi công năng. Nước được lấy từ ao về lọc, sau khi sử dụng như nước vo gạo được giữ lại để rửa rau, rửa cá; nước giặt quần áo để lại dội bồn cầu…
“Nhiều nhà ở đây vẫn dùng nhà vệ sinh kiểu cũ chứ không phải tự hoại như bây giờ vì không có nước”, cô Oanh, xóm Giữa, cho biết.
Mới nghe qua thì có lẽ cũng khá nhiều người ngạc nhiên, nhưng có về Ngọc Than thì mới thấy nó thật bình thường, thậm chí bình thường đến “cay đắng”. “Chú tính, dùng tự hoại, mỗi lần xả mất mấy lít nước. Nhiều nhà có tiền nhưng không có nước thì cũng đành chịu”, cô Oanh ngán ngẩm.
Người dân "chết" mòn
Cách đây khoảng một tuần, người dân Ngọc Than bàng hoàng và chua xót khi nghe tin anh Thức (xóm Trại Mới) bị ngã từ trên thang xuống đường bê tông, tử vong. Khi đó, anh đang mắc đường ống dẫn nước ao về nhà. Trước đó, ngày 30.4, một em học sinh lớp 8 đã chết đuối khi cùng bạn tắm ở ao Sen vì trời nóng và nhà thiếu nước.
“Trời nóng thế này, có mỗi cái ao trẻ con cả mấy xã qua tắm, có cấm cũng tội. Chúng tôi chỉ biết nhắc chúng cẩn thận và kêu người để ý mỗi buổi chiều”, ông Mạnh, xóm Giữa, thở dài. Nói rồi, ông quay ra nhìn những đứa trẻ đang hồn nhiên vùng vẫy dưới ao, mắt ánh lên vẻ ảm đạm.
 Những chiếc bể lọc thô được xây nhiều lớp để đổ cát sỏi, tuy nhiên khả năng lọc nước không khả quan và cũng không được che chắn cẩn thận.
Nước bẩn khiến người dân Ngọc Than đang “chết” mòn. Những năm gần đây, có nhiều người dân chết vì ung thư, còn những bệnh như đau mắt đỏ, ngoài da thì rất phổ biến. “Biết là bệnh cũng từ nước mà ra nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn”, ông Mạnh nói.
Mỗi ngày, hàng trăm vòi lớn bé từ nhà dân cắm xuống ao hút nước, nhiều gia đình chung một máy bơm phải chia thời gian bơm nước. “Đường ống nhà tôi chung với 5 nhà khác, mỗi nhà được bơm khoảng 2 tiếng đồng hồ/ngày”, ông Năm, xóm Giữa cho biết.
Người dân phải chung tiền mua máy bơm, dây điện, chia đường ống cũng như chia cả thời gian cắm máy bơm nước của từng nhà như thế này.
Khoảng 2 năm trở lại đây, vào tháng 11 âm lịch cả Ngọc Than lại gần như chết “khô” vì chủ thầu tát ao bắt cá. Gần nửa tháng ao cạn, dân trong làng phải đi xin và chia sẻ từng gáo nước. Thậm chí, họ phải mua nước với giá cả trăm ngàn đồng một khối.
“Về Ngọc Than nghe dân than chuyện nước có mà nghe cả ngày, cả tháng. Mà than thì than vậy chứ từ cái ao Sen đến đường ống nước sông Đà được cây số mà thấy nó xa với quá”, ông Năm bảo vậy.
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Đỗ Lại Bình, Phó chủ tịch huyện Quốc Oai, cho biết: "Năm ngoái, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đã chỉ đạo lắp đặt thử nghiệm 2 thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình để xử lý nguồn nước ao và công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường NuSa Việt Nam cũng đã đầu tư bể xử lý nước thô tại ao. Thành phố cũng đã có chỉ đạo về việc cung cấp nước sạch cho người dân Ngọc Than. Dự án cấp nước được giao cho Công ty nước sạch Hà Nội tuy nhiên đến nay công ty này vẫn chưa hoàn thành hồ sơ. Huyện cùng với xã Ngọc Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để kéo đường ống nước sạch nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thành dự án".
Nguyệt Vũ

No comments:

Post a Comment