Wednesday, May 21, 2014

Thạc sĩ, cử nhân dồn ứ lỗi do Bộ Giáo Dục ?

TN-Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi thông tin đề nghị Chính Phủ làm rõ tình trạng dồn ứ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tràn lan. 

GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay”. Điều này đã được ông – khi đó còn là đại biểu Quốc hội - đưa ra cảnh báo trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI năm 2004 khi tính toán rằng, mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 – 15.000 cử nhân.


Hơn nữa, để giải quyết đúng đắn vấn đề quy mô GDĐH, phải dựa vào ít nhất là ba tham số: Thứ nhất là nhu cầu nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Thứ hai là khả năng hiện tại của nền kinh tế; Thứ ba là khả năng của các trường ĐH.

Về nhu cầu nhân lực, cả nước ta lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ có trình độ đại học, 8% cán bộ có trình độ cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông.

Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 đến 15.000 cán bộ là đủ, nhưng ngay tại thời điểm đó mỗi năm các trường ĐH và CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người (hiện nay là 400.000 người)”.

GS Thuyết phân tích, về trình độ phát triển kinh tế, năm 2004, nước ta đứng vào hàng thứ 130/175 nước được xếp hạng. Tỉ lệ doanh nghiệp trên số dân của nước ta là 1 doanh nghiệp/800 dân; tỉ lệ tương ứng của Trung Quốc là 1/200; Hoa Kỳ là 1/10; Singapore là 1/4. Trong khi đó, tỉ lệ sinh viên ĐH, CĐ trên số dân của nước ta đã vượt mức trung bình của thế giới và của cả Trung Quốc (Việt Nam: 129 SV/10.000 dân; toàn cầu: 100/10.000; Trung Quốc: 125/10.000).

Về khả năng của các trường ĐH, tỷ lệ giảng viên/sinh viên ở nước ta là 1/28 (mới chỉ tính SV chính quy, còn nếu tính cả các loại hình đào tạo khác thì có trường tỷ lệ GV/SV lên tới 1/40), trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 1/15 hoặc 1/20. Đầu tư cho giáo dục theo đầu người của nước ta thấp hơn Singapore 16,7 lần, thấp hơn Malaysia 13,5 lần, thấp hơn Thái lan 6,6 lần... trong đó, đầu tư cho khu vực ĐH chỉ bằng 10,2 % tổng đầu tư cho giáo dục.

Đáng tiếc, những cảnh báo như vậy đã không được quan tâm. Thậm chí, từ sau kỳ họp đó cho đến năm 2010, quy mô GD-ĐH phát triển ồ ạt, với tốc độ cứ nửa tháng ra đời 1 trường, trong đó hầu hết các trường mới thành lập đều không đảm bảo điều kiện đào tạo.

Đáng nói hơn là lượng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng lớn. Cử nhân ra trường có thể chấp nhận đi làm việc chân tay, nhưng thạc sĩ có mấy ai chấp nhận điều này? Ngoài ra, nhiều cử nhân ra trường, do loay hoay không xin được việc nên đành tiếp tục học luôn cao học cho... được việc, sau đó tính tiếp. Lượng thạc sĩ ngày càng dư thừa, là điều chẳng có gì khó hiểu.

Ở một khía cạnh khác, GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nguồn nhân lực dư thừa với số lượng lớn đặt ra câu hỏi lớn cho chất lượng giáo dục hiện nay. Vấn đề "thầy nhiều hơn thợ" được đặt ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng, bởi thiếu hẳn chiến lược giáo dục bài bản, có tính toán hợp lý. “Mỗi năm số sinh viên ra trường thì nhiều, trong khi công nhân có tay nghề luôn thiếu thì không đào tạo.

Các trường ĐH, CĐ mọc lên quá nhiều, chất lượng đào tạo thì thấp. Những bức xúc này, ngành giáo dục phải đặt ra và giải quyết triệt để, nếu không muốn tiếp tục để nguồn nhân lực cử nhân, thạc sĩ bị dồn ứ ngày càng nhiều” – GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết.

Hiện nay, “bằng cấp đang bị xã hội hóa Bằng cấp đang bị xã hội hóa, quy trình đào tạo và cấp bằng ở nhiều nơi dễ dãi, cho nên mới xảy ra thực trạng “bằng cấp cao nhưng năng lực thấp”, đó là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng tăng cao. Tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt xuất phát từ cơ chế hành chính bao cấp, xin cho, đa phần các gia đình cũng muốn con em có tấm bằng rồi nhét vào một cơ quan nhà nước, nghiễm nhiên thành “công chức”. Và để có được chức Phó phòng hay Trưởng phòng ở nhiều cơ quan nhà nước thì họ lại phải cố lấy được bằng Thạc sĩ, thậm chí cao hơn nữa. Tâm lý sính bằng cấp đang khiến Việt Nam bị tụt hậu.

“Khi tuyển dụng một người, tôi không cần biết anh học trường nào, bằng cấp gì, mà tôi chỉ cần biết anh làm được gì hay không? Nhiều cử nhân, thạc sĩ có bằng đỏ, yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả lương trên 20 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi bạn có đủ năng lực để kiếm lợi nhuận 20 triệu/tháng về cho Cty không thì bạn lại im lặng...

“Việc hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp là hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp phụ thuộc nhiều ở sinh viên, tấm bằng chỉ là khởi đầu.

Chỉ dựa vào tấm bằng, lại thiếu kỹ năng hoặc thái độ chưa tốt thì hành trình tìm việc sẽ rất dài" - ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - nhận xét.
Thứ năm, 22/5/2014 9:02 GMT+7
PV

No comments:

Post a Comment