Wednesday, May 21, 2014

Căng thẳng Việt -Trung : Hạ nhiệt ra sao để khỏi mất mặt ?

Sĩ quan Việt Nam trên tàu tuần duyên gần giàn khoan HD-981 của Trung Quốc - REUTERS /Reuters TV
Sĩ quan Việt Nam trên tàu tuần duyên gần giàn khoan HD-981 của Trung Quốc - REUTERS /Reuters TV

Trọng Nghĩa
Ba tuần lễ sau khi Bắc Kinh kéo giàn khoan vào cắm trong vùng biển Việt Nam, tình hình hôm nay 21/05/2014 vẫn căng thẳng nhưng như đã trở thành thông lệ : Ngoài Biển Đông, tàu Việt Nam tiếp tục chơi trò cút bắt với hạm đội Trung Quốc hùng hậu hơn, trên đấu trường ngoại giao, Hà Nội tiếp tục tố cáo hành vi khiêu khích của Bắc Kinh.

Còn trong hậu trường, hai bên đã mở đàm phán hay chưa ? Vấn đề này trước mắt chưa ai biết. Trong tình hình đó, giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng Việt Trung hiện nay tất yếu phải kết thúc vì cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không thể để cho tình hình xấu đi đến mức là cho cả khu vực rơi vào bất ổn định.
Trong cuộc đọ sức Việt Trung đang diễn ra, có thể nói là trong những ngày gần đây, Bắc Kinh đã thành công trong việc đánh lạc hướng dư luận khi lợi dụng các hành vi quá đáng của một số phần tử len lỏi vào những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tại Việt Nam. Dấu hiệu rõ nhất của thành công này là việc chính quyền Việt Nam phải tìm cách ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bất chấp sự phẫn nộ của người dân Việt Nam.
Các nhà phân tích đã nhận xét rất đúng khi cho rằng những kẻ quá khích tại Việt Nam đã giúp cho Trung Quốc giành lợi thế, ít ra là trên mặt trận tuyên truyền. Nhưng trong thực tế thì cuộc đọ sức có dấu hiệu vẫn tiếp diễn, với Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc mở đối thoại thực thụ để giảm bớt tình hình căng thẳng được cho là sẽ gây hại về kinh tế.
Triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng sẽ ra sao ? Sắp tới đây Trung Quốc có thể làm gỉ ? Trên vấn đề này, trả lời phỏng vấn qua thư điện tử của ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ theo kế hoạch đề ra từ đầu là duy trì giàn khoan trong vùng biển Việt Nam cho đến cuối thời hạn mà họ đã ấn định
Thayer : Trung Quốc rất có thể sẽ duy trì giàn khoan của họ tại chỗ cho đến ngày 15/08 đúng theo kế hoạch thăm dò công bố lúc ban đầu. Số lượng tàu Trung Quốc trên hiện trường sẽ tăng giảm tùy theo hành động của Việt Nam. Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy lùi bất kỳ chiếc tàu nào của Việt Nam muốn áp sát giàn khoan của họ.
Về phía Việt Nam, Giáo sư Thayer cho rằng Hà Nội khó có thể dùng giải pháp quân sự, mà phải theo đuổi hướng đàm phán. Ông giải thích :
Thayer : Hà Nội không có nhiều phương án tốt. Việc sử dụng sức mạnh hoàn toàn không thể được, cho dù bằng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan chấp pháp dân sư khác, hay bằng lực lượng Hải quân. Trung Quốc sẽ phái đến một lực lượng áp đảo để đối phó và đè bẹp đối phương.
Tuy nhiên, Việt Nam phải tiếp tục hiện diện tại khu vực lô 143 và tiếp tục phản đối sự hiện diện của giàn khoan dầu và các loại tàu khác của Trung Quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc chấp nhận một chuyến thăm cấp cao mặc dù Trung Quốc hiện có vẻ không lý thú lắm với đề nghị này.
Trong mọi trường hợp, căn cứ vào những động thái của Việt Nam và Trung Quốc trong vòng mấy tuần qua, Giáo sư Thayer cho rằng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Việt-Trung hiện nay phải là một sự tương nhượng lẫn nhau, để không bên nào cảm thấy bị mất mặt. Ông giải thích :
Thayer : Có vẻ như là hai bên đang duy trì tình hình ở một mức độ vừa phải, không đặt ra một mối đe dọa leo thang lớn nào : Trung Quốc đã bao bọc giàn khoan của họ bằng lớp tàu bảo vệ, còn Việt Nam thì duy trì một lực lượng tuần duyên và tàu kiểm ngư tại khu vực lô 143, nơi họ luôn tiến hành những hoạt động phản đối. Nếu áp đến quá sát giàn khoan, tàu Việt Nam sẽ bị chặn lại, và nếu cần thiết thì tàu Trung Quốc sẽ đâm vào tàu Việt Nam để cản đường. Không bên nào muốn tình hình leo thang thành bạo lực.
Theo tôi, các biện pháp nhằm giữ thể diện cho cả hai bên rất có thể được ban hành sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong các cuộc họp kín đó, hai bên sẽ phải quyết định xử lý cuộc đối đầu hiện nay sao cho khỏi nẩy sinh sự cố và tránh sử dụng đến các lực lượng vũ trang.
Hai bên có thể giảm dần sự hiện diện hải quân của mình gần nơi đặt giàn khoan. Khi cho rút giàn khoan dầu vào thời điểm ngày 15/08, Bắc Kinh sẽ tuyên bố là họ đã chiến thắng vì đã khẳng định được chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này.
Về phần mình, Việt Nam sẽ duy trì đội tàu của mình tại chỗ và cho rằng họ là bên chiến thắng bởi vì Trung Quốc đã phải rút lui.

No comments:

Post a Comment