Thursday, May 1, 2014

Theo kinh tế thị trường phải thừa nhận Xã hội dân sự

Nam Nguyên, phóng viên RFA-2014-05-01  
000_Hkg8376706-600.jpg
Người dân đặt vòng hoa tưởng nhớ 64 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng ngày 14 tháng 3 năm 1988. Ảnh chụp hôm 14/3/2014 tại Hà Nội.AFP photo
Vấn đề thừa nhận Xã hội dân sự trở thành điểm nổi bật và được hoan nghênh tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 vừa diễn ra ở Thành phố Hạ Long hai ngày 28-29/4 vừa qua.
Cả hội trường đã vang dội tiếng vỗ tay hưởng ứng khi ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại kêu gọi nhà nước thừa nhận xã hội dân sự. Theo lời nhân vật từng có vai trò lớn trong việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, bản chất của nhà nước mang tính quan liêu và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự.
Trả lời của Nam Nguyên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 nhận định:
“Ba trụ cột lớn của kinh tế thị trường là nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, như thế xã hội dân sự là một trong ba trụ cột quan trọng, muốn chuyển qua nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận điều đó. Hiện nay nhận thức của Việt Nam đã bắt đầu có chuyển biến, cũng như tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân tôi có tham dự, ý kiến của ông Tuyển nói chung mọi người đều tán thành và thấy là chuẩn xác.”
Ba trụ cột lớn của kinh tế thị trường là nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, như thế xã hội dân sự là một trong ba trụ cột quan trọng, muốn chuyển qua nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận điều đó.
- PGS TS Ngô Trí Long 
Theo lời ông Trương Đình Tuyển được báo điện tử VnEconomy trích thuật, hiện nay nhà nước cấm kỵ dùng nhóm từ xã hội dân sự. Ông nghĩ rằng sự húy kỵ nhóm từ này cũng giống như nhà nước từng húy kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó là cấu trúc kinh tế của tư bản. Và bây giờ nhà nước đang coi xã hội dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Vẫn theo lời ông Trương Đình Tuyển đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính qui luật. Ông Tuyển nhắc lại Thông điệp đầu năm 2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Cựu Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự là gì, mà Đảng và Nhà nước Việt Nam lại húy kỵ đến vậy. Có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự. Nhưng có thể hiểu đó là xã hội trong đó hiện hữu các đảng phái, hội đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, bảo vệ quyền lợi của công dân, của hội viên…những tổ chức dân sự này có thể tham gia hình thành chính sách, phản biện chính sách và giám sát sự thực hiện chính sách.
Trên thực tế ở Việt Nam có hàng ngàn hiệp hội và hội tuy cũng mang tính cách dân sự nhưng thực chất là cánh tay nối dài của Đảng được lập ra để làm hậu thuẫn cho Đảng, như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội nghề cá …v..v… Trong khi đó nhà nước không nhìn nhận các tổ chức dân sự hoạt động độc lập như Trang mạng bauxite Việt Nam, mạng lưới blogger, Phụ nữ nhân quyền hay Hiệp hội Dân oan chẳng hạn.

Sự cần thiết của Xã hội dân sự

Trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời cách đây gần 5 năm, được xem là một tổ chức xã hội dân sự đi tiên phong, lên tiếng phản biện mạnh mẽ về vấn đề an ninh quốc phòng, tác hại môi trường và hiệu quả kinh tế khi Đảng và nhà nước chủ trương khai thác bauxite ở Tây nguyên. Thế nhưng một trong những người có bài viết trên trang mạng này là nhà giáo Đinh Đăng Định đã bị kết án tù và qua đời ít lâu sau khi được trả tự do. Một người thuộc nhóm chủ trương trang mạng Bauxite, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng nhận định:
“Câu chuyện Bauxite là vấn đề rất lớn thử thách sự tồn vong của dân tộc, sức đề kháng của dân tộc. Thời điểm đó được xem là một mất một còn của đất nước, cho nên chúng tôi làm những việc phản biện xã hội rất đúng, nhưng nhiều lúc ở Việt Nam nhà nước chưa thấy được và họ lo ngại.”
Học giả Đinh Kim Phúc hiện sống và làm việc ở TP.HCM, trong dịp trả lời chúng tôi về vấn đề lập hội, tự do nghiệp đoàn mà vốn rất bình thường ở những xã hội dân chủ, nơi xã hội dân sự được tôn trọng đã nhận định:
Đứng về phía Đảng và Nhà nước người ta rất sợ những tổ chức tư nhân mà không chịu sự lãnh đạo của Đảng, có thể sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình bạo loạn lật đổ chính quyền như các nước đông Âu trước đây. Cụ thể là bài học Công đoàn Đoàn kết Ba Lan mà các đảng Cộng sản rất sợ, không riêng gì Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi nghĩ vấn đề này không thể giải quyết sớm được mà phải làm sao có những tiếng nói kể cả người lao động và cả Nhà nước hiểu được là đấu tranh như thế nào để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công nhân là quan trọng nhất, chứ không phải tổ chức đó lập ra để đối lập hay để chống phá, lật đổ Nhà nước. Tiếng nói này cần có nhận thức chung nhưng trong thời gian trước mắt là rất khó.”
Xã hội dân sự là rất cần thiết là điều kiện cơ bản dẫn tới xã hội tự do phồn thịnh. Xu thế của xã hội, xu thế của thế giới không ai có thể cản trở được…
- GS TS Nguyễn Thế Hùng 
Nhận định về lời kêu gọi thừa nhận xã hội dân sự của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng một nhà hoạt động tích cực cho dân quyền và xã hội dân sự từ Đà Nẵng lên tiếng:
“Trong tất cả các đất nước xã hội phát triển, xã hội dân sự cùng với nhà nước giải quyết rất rộng rãi nhiều vấn đề. Không thì phần chính quyền không thể giải quyết hết được. Xã hội dân sự là rất cần thiết là điều kiện cơ bản dẫn tới xã hội tự do phồn thịnh. Xu thế của xã hội, xu thế của thế giới không ai có thể cản trở được… nếu nhà nước ủng hộ thì xã hội sẽ tiến tới tốt đẹp nhanh chóng hơn còn không thì sau này lịch sử sẽ phê phán.”
Tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cũng như lần sửa đổi sau cùng năm 2013 đều minh thị các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền lập hội. Tuy vậy cho tới nay những quyền lập hội, quyền biểu tình vẫn chưa được luật hóa. Để thừa nhận xã hội dân sự như lời kêu gọi của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì trước tiên phải soạn thảo và ban hành Luật về hội. Tuy vậy nghị trình làm việc của Quốc hội Việt Nam hết năm 2014 và cả 2015 không có nội dung này.

No comments:

Post a Comment