Thursday, May 1, 2014

Năm 2015, trung tâm TP HCM hết ngập ???



Thứ sáu, 02/05/2014, 03:40 (GMT+7)
Báo cáo về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015 của Trung tâm Chống ngập TP HCM cho biết như trên. Nhiều khu vực còn lại vẫn... tiếp tục ngập.
Cơn mưa đầu mùa không lớn lắm vào sáng 30/4 đã khiến nhiều khu vực ở TP HCM ngập nặng. Trên các tuyến đường Lãnh Binh Thăng, Khuông Việt (quận 11), Tân Hóa, An Dương Vương (quận 6), Tô Hiệu (quận Tân Phú), Phan Anh, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)…, nhiều người xênh xang áo quần đi chơi lễ đã khổ sở dắt bộ xe chết máy giữa dòng nước đen ngòm.
Nhiều dự án lớn chưa được thi công
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập), việc cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của TP hiện chỉ đạt 60% quy hoạch tổng thể. TP HCM còn thiếu hơn 2.500 km đường cống thoát nước. Trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để xóa 11 điểm ngập còn lại và 3 điểm ngập khác trong giai đoạn 2014-2015.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Trung tâm Chống ngập TP HCM đang tập trung xây dựng hệ thống ống cống thoát nước tập trung ở 5 khu vực. Thời gian qua, các dự án chú trọng ở khu vực trung tâm TP HCM như dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước, nâng cấp đô thị... Đến nay, phần lớn dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Mùa mưa năm nay, dự báo một số khu vực ở trung tâm TP HCM sẽ hết ngập, vài nơi có thể còn ngập nhẹ kéo dài đến năm 2015 khi lộ trình của dự án kết thúc. Tại những khu vực vùng ven ở các quận 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức…, ngoài các dự án nhỏ nhằm giải quyết ngập úng trước mắt, nhiều dự án lớn mang tính quyết định chưa được thi công do nhiều nguyên nhân.
Trong báo cáo về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Chống ngập TP HCM dự tính đến năm 2015, kế hoạch chống ngập cho trung tâm TP mới hoàn tất. Khi đó, khu vực này mới hoàn toàn hết ngập, trừ trường hợp gặp thiên tai. Các khu vực còn lại ở những quận 2, 6, 7, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức… vẫn có thể tiếp tục bị ngập trong mùa mưa tới.
 - 1
Nhiều tuyến đường ở TP HCM ngập trong nước sau cơn mưa sáng 30/4. Ảnh: Xuân Danh
Ngổn ngang dự án
TP HCM, mùa mưa tới, dự án Tân Hóa - Lò Gốm sẽ hoàn thành nên khu vực này không còn ngập. Căng nhất là khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)… vì các dự án tuy đã có nhưng chưa thi công hoặc thi công chưa xong.
Tại quận Thủ Đức, dự án rạch Cầu Ngang đang vướng phải việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2) dù đã có dự án thoát nước nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể thi công. Một phần khu vực đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, gần cầu Phú Lâm) vẫn còn bị ngập vì dự án đang trong giai đoạn hoàn tất…
Để kéo giảm điểm ngập xuống mức thấp nhất, từ nay đến cuối năm 2014, Trung tâm Chống ngập TP HCM sẽ đôn đốc các đơn vị thi công sớm hoàn thành những công trình, hệ thống thoát nước đã đầu tư. Hoàn thiện việc khơi thông lòng cống, đấu nối ống cống hiện hữu với ống cống mới hoàn thành; kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện việc dẫn dòng, nhất là khu vực Tân Hóa - Lò Gốm; tập trung nạo vét hệ thống ống cống thoát nước hiện hữu và hệ thống ống xả; rà soát các trạm bơm, chuẩn bị máy móc, nhân lực để khi có sự cố ngập thì triển khai ngay…
Trung tâm Chống ngập TP HCM cho biết khu vực trung tâm và vùng Bắc, vùng Tây của TP khép kín bởi hệ thống sông Sài Gòn, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Do vậy, cần thực hiện các dự án thuộc nhóm công trình kiểm soát triều, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, như: cống kiểm soát triều Tân Thuận (gần 1.200 tỉ đồng), cống kiểm soát triều Bến Nghé (khoảng 250 tỉ đồng), cống kiểm soát Vàm Thuật và cống kiểm soát Phú Xuân (khoảng hơn 1.100 tỉ đồng).
Ngoài ra, vùng Nam, vùng Đông Bắc TP HCM cũng cần thực hiện các dự án giảm ngập. Riêng vùng Đông Nam như quận 2, việc chống ngập sẽ được triển khai theo quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm; một phần quận 9 thì thực hiện trên các trục đường Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt…
Hà Nội: 3 phương án ứng phó
Để chống ngập úng trong mùa mưa bão năm nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lên 3 phương án cụ thể. Theo đó, với lượng mưa khoảng 50 mm, công ty nhận định các trục chính của TP cơ bản không có điểm ngập.
Việc ngập úng có thể xảy ra tại một số nơi trũng, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo hoặc các khu vực có công trình, khu đô thị... thi công chưa hoàn thành. Công ty sẽ huy động lực lượng ứng trực tại khu vực địa hình trũng, không có hệ thống thoát nước hoặc khả năng thoát nước kém.
Nếu mực nước mưa khoảng 50-100 mm, khu vực nội thành Hà Nội sẽ có khoảng 20 điểm úng ngập. Công ty sẽ huy động lực lượng kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy; thông tắc, bơm hút nước để giảm thiểu thời gian úng ngập.
Công suất của trạm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt cũng như các trạm bơm cục bộ khác sẽ được vận hành tối đa. Tổ bơm di động sẽ được đặt tại các khu vực trũng; những cửa đập điều tiết được vận hành để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ.
Khi mưa to trên 100 mm, ngoài các biện pháp nêu trên, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cửa cống ra sông Nhuệ (khi có hiện tượng chảy vào), bảo đảm nước sông không tràn vào nội thành.
Ngoài ra, trong trường hợp mực nước sông Nhuệ lên cao và tình hình úng ngập trong nội thành đã được kiểm soát, công ty sẽ cho mở đập Thanh Liệt đưa nước về trạm bơm Yên Sở hỗ trợ tiêu nước cho sông này và khu vực quận Hà Đông...
Th.Dương
Theo Thành Đồng (Người Lao Động

No comments:

Post a Comment