“Luật Hải quan hiện hành vốn đã được ban hành từ năm 2001, qua một lần chỉnh sửa vào năm 2005. Những quy định về thủ tục trong luật này hiện đã lạc hậu gần hết rồi” - ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, khẳng định.
Theo ông Nghiệp, thủ tục hải quan hiện đang áp dụng trên thực tế đã khác gần như hoàn toàn so với thủ tục luật định.
Lẽ dĩ nhiên, sự cải cách và sự phát triển công nghệ có thể khiến thủ tục thay đổi. Năm 2000 đâu đã nghĩ đến hải quan điện tử đâu. Sự thay đổi trên thực tế tuy có khác với quy định của luật nhưng đó là vì mục đích cải cách hành chính, áp dụng công nghệ mới, nên dù khác luật vẫn được chấp nhận. Do đó khi góp ý cho Luật Hải quan, ông Nghiệp đề nghị rõ một số quy định không nên đưa cứng vào trong luật vì khi cần sửa thì theo đúng trình tự sửa luật sẽ kéo dài thời gian và phức tạp hơn sửa nghị định, thông tư; trong khi thủ tục hải quan thì rất nhanh thay đổi.
Từ Luật Hải quan nhìn lại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhiều ý kiến muốn quy định về thủ tục, điều kiện kinh doanh, ngành nghề... phải rõ hết trong luật để các bộ, ngành không có cớ hướng dẫn thêm, đẻ ra lắm giấy phép con. Kể lại một câu chuyện liên quan đến Luật Doanh nghiệp, cùng là hướng dẫn một Luật Doanh nghiệp 2005 nhưng nghị định trước hướng dẫn cách đặt tên doanh nghiệp theo hướng không cho đặt tên tiếng nước ngoài, đến nghị định sau hướng dẫn thì doanh nghiệp có thể đặt tên tiếng nước ngoài. Sự chỏi nhau của hai nghị định này được ủng hộ, đơn giản vì nó tiến bộ hơn và có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ví dụ khác quy định về đăng ký lại đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005) đã gây vướng mắc cho khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng do luật đã quy định rõ nên muốn làm khác đi phải chờ sửa luật. Mãi đến năm 2013 quy định này mới được sửa.
Quy định nên được đặt ở đâu, trong luật hay nghị định hay văn bản nào khác, cần xét đến tính linh hoạt của nó. Nếu quy định trong luật để rồi trở nên cứng nhắc, chờ mãi mới sửa được thì thà đưa vào nghị định, thông tư cho mềm hơn một chút. Vấn đề là khi soạn thảo nghị định, thông tư, các bộ, ngành phải tuân thủ việc lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của cộng đồng để quy định minh bạch, phù hợp và thực thi.
Thứ Tư, ngày 30/4/2014 - 03:55
QUỲNH NHƯ
No comments:
Post a Comment