Khoảng 80% sản lượng ớt của tỉnh Đồng Tháp xuất sang Trung quốc theo đường tiểu ngạch nên giá cả luôn bấp bênh. (Hình: Người Lao Động)
Theo một bản tin trên tờ Người Lao Động hôm Thứ Năm 1/5/2014, nông dân trồng ớt ở huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp đang lao đao. Đang trồng ớt hiểm kiếm ăn bình thường thì được một nhóm thương nhân Trung Quốc đến dụ trồng một giống ớt khác tên là “Demon” (Ớt quỷ) với lời cam kết “không phải lo đầu ra cũng như giá cả”.
Nghe xuôi tai, nhiều gia đình nông dân như ông Lê Văn Cương ở xã Tân Thạnh đã bỏ loại ớt quen trồng đổi sang giống ớt lạ, hy vọng đời khá hơn. Thương lái Trung quốc đi một đoàn đông đảo, có quay phim, chụp hình rầm rộ, có cả thông dịch viên vào tận rẫy trồng ớt, làm nông dân địa phương cảm thấy tin tưởng. Tuy nhiên khi ớt chín thì không thấy thương lái Trung Quốc đâu cả.
Nếu trồng ớt chỉ thiên như những mùa trước, ông Cương bán được với giá trung bình từ 25,000 đồng đến 30,000 đồng một kí lô. Nay, theo lời ông “Giá ớt demon hiện chỉ còn khoảng 2,000 đồng đến 3,000 đồng một kí lô mà cũng không dễ gì bán”, tờ Người Lao Động kể.
Huyện Thanh Bình của tỉnh Đồng Tháp là đất phù sa, lâu nay được tiếng là vựa ớt lớn nhất miền Tây. Diện tích trồng ớt lên hơn 2,000 ha, cho tổng sản lượng từ 40,000 tấn đến 50,000 tấn mỗi năm. Theo nguồn tin trên, từ năm 2011, Cục Sở Hữu Trí Tuệ đã “cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho Ớt Thanh Bình” vì phẩm chất ớt nổi tiếng là cay và thơm. Nay thì nông dân đang lỗ nặng vì lời xúi bẩy trồng ớt “Demon”.
Theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, được nguồn tin thuật lại, thị trường tiêu thụ ớt của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc với khoảng 80% sản lượng và phần lớn “xuất tiểu ngạch” (tức mua bán với người nước ngoài không có hợp đồng) nên giá cả luôn bấp bênh.
Theo tờ Nguời Lao Động, không riêng gì nông dân tỉnh Đồng Tháp, nông dân trồng ớt ở tỉnh Phú Yên cũng là nạn nhân của thương lái Trung Quốc. Ruộng ớt của ông Nguyễn Văn Sơn ở xã An Hiệp huyện Tuy An chín đỏ “nhưng ông vẫn ngồi bờ, chống cằm nhìn ruộng ớt trong tâm trạng chán nản”.
Từ cái giá 40,000 đồng một kí lô dịp tết, giờ chỉ còn 7,000 đồng một kí cho nên nhiều nông dân trong xã đã “nhổ bỏ ớt để xuống giống những cây trồng khác dù ruộng ớt chỉ bắt đầu thu hoạch”. Ông Sơn than rằng “Thương lái Trung quốc chơi nghiệt thiệt, cứ lùng mua ớt giá cao nhưng đến khi mình trồng nhiều thì không mua nữa.”
Vẫn theo tờ Người Lao Động, tại tỉnh Phú Yên, người trồng chuối cũng điêu đứng không kém chỉ vì hám bán giá cao cho thương lái Trung Quốc rồi bị lừa. Chỉ cách đây nửa tháng, “đầu nậu thương lái Trung Quốc rảo khắp các đồi núi để mua chuối trái với giá chưa bao giờ người dân nghĩ tới: 12,000 đồng/kg. Thế nhưng, hiện tại, khi thương lái Trung Quốc biệt tăm, giá chuối rớt như không có điểm dừng, hiện chỉ còn 7,000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.”
Giữa Tháng Tư, báo Người Lao Động cho hay, nông dân huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định điêu đứng vì “phía Trung Quốc ngừng nhập nên giá ớt trên địa bàn huyện rớt thê thảm”.
Được biết huyện Phù Mỹ là vựa ớt lớn nhất của tỉnh Bình Định với diện tích đất trồng ớt vụ Đông Xuân lên đến gần 1,000 ha. Trước tình trạng giá ớt rớt thê thảm như hiện nay, nhiều nông dân ở Phù Mỹ “đành phải để ớt chín rục vì tiền bán ớt không đủ trả tiền công thuê người hái ớt”.
Phân loại ớt ở Bình Định. (Hình: báo Bình Định)
Từ khoảng 2011 đến nay, rộ lên từng đợt thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua đủ thứ theo kiểu làm giá, thậm chí mua cả phân trâu, nấm độc, đỉa, móng chân trâu, lá khoai, lá điều v.v... làm một số người hám lợi chạy theo, nhưng chỉ một thời gian vài tháng là họ biến mất. Nông dân hay những người nghèo khổ thường thiếu kiến thức thương mại, thiếu thông tin nên không hề suy nghĩ xa xôi. Chỉ biết mình đang cần tiền, nghe đề nghị hấp dẫn thì khó lòng từ chối.
Mới ngày 31/3/2014 vừa qua, ông Bộ trưởng Bộ Công Thương CSVN gửi một báo cáo đến Quốc hội trần tình về những kêu ca của dân chúng về trò bịp của đám thương lái Trung Quốc. Theo tin tường thuật của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam thì “Bộ trưởng Hoàng cho hay khi xuất hiện thông tin, với tinh thần khẩn trương, tích cực, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra và kịp thời chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động của thương lái nước ngoài thu mua nông, thủy sản trên địa bàn.”
Bản báo cáo của ông Vũ Huy Hoàng viết rằng“Nhìn chung, thời gian gần đây, hoạt động này đã dần đi vào ổn định không xuất hiện những hiện tượng phức tạp gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến bà con nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất”.
Không những vậy, ông Bộ trưởng Công thương của Việt Nam còn chống chế dùm cho thương lái Trung Quốc là “không có hiện tượng thương lái Trung Quốc tổ chức thu mua”, tờ TBKTVN kể lại. Những gì được báo Người Lao Động đưa tin ngày 1/5/2014 chứng tỏ ông bộ trưởng báo cáo láo với Quốc hội.
Ngày 25/3/2014, báo Lao Động cho hay hàng ngàn xe tải chở dâu hấu bán sang Trung Quốc “chết dí tại của khẩu Tân Thanh” tỉnh Lạng Sơn vì phía Trung quốc chỉ cho thông quan từ 250 xe đến 300 xe một ngày. Hậu quả, dưa hấu thối rục trong nắng nóng vì chờ đợi nhiều ngày.
Trên báo Tuổi Trẻ, gần đây ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu đại biểu quốc hội CSVN tố cáo rằng phải xem việc thương lái Trung Quốc vào Việt Nam tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật quý hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng, làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường.
Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng. Ông Trân cả quyết là không ai nghĩ thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ.
Ngày 1/3/2014, tờ Pháp Luật Thành Phố cũng tường thuật ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, nông nghiệp ở trong nước nhận định kiểu tạo ra “nhu cầu ảo” của thương nhân Trung quốc đẩy người Việt Nam vào bẫy sập là có mưu đồ phá hoại cả nền kinh tế. (TN)
05-012014 4:05:09 PM
No comments:
Post a Comment