Thursday, May 1, 2014

Để quy phục tương lai, chúng ta phải khép lại quá khứ




DatViet-Bài nói của GS Nguyễn Hương trong buổi tưởng niệm "Tháng Tư Đen" của Hội Sinh Viên Việt Nam tại đại học UCLA, bang California nước Mỹ.

Chống lại lệnh nhà vua để chôn cất người anh của mình, Antigone khuyến cáo trong vở bi kịch Hy Lạp cổ thời rằng:

Không phải người sống mà là người chết
Đòi hỏi dài lâu nhất
Chúng tôi chết mãi mãi kia mà.

Có phải chăng chúng ta có mặt trong dịp tưởng niệm đêm nay cũng để đáp lại đòi hỏi của người chết? Người chết có thể là Ông Ngoại tôi, bị tra tấn, quăng ra sân rên xin nước uống cho đến chết trong vòng 48 tiếng sau khi bị An Ninh Pháp bắt vào năm 1946, lúc bắt đầu trận chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Người chết có thể là Ông Nội bạn, chết đói, chết bệnh, hay bị quăng xuống giếng ở trại cải tạo sau năm 1975, khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt. Người chết có thể là cô, là dì của bạn, bị xúc phạm và quăng xuống biển Đông vào những thập niên 1980 và 1990 sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba.

Nhưng chúng ta sống như thế nào đây với tương lai khi mà thời tính của người chết lại là ‘mãi mãi’?

Dạo sau này, các bạn hay nghe người ta kêu gọi hãy hoà hợp hoà giải, hãy khép quá khứ lại để tìm đến kinh tế phồn vinh cho cả hai bờ Đại Dương trong một quan hệ ‘Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương’ giữa Mỹ và Việt Nam. Trong nổ lực hoà hợp hoà giải với người Mỹ gốc Việt nhằm làm trơn tru quan hệ Việt-Mỹ, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn đã tuyên bố một cách rất rộng lượng rằng nhà nước khoan hồng không truy cứu lý do ra đi của những người đã chết trên biển Đông nữa, và coi họ chỉ là những nạn nhân của chiến tranh mà thôi. Có nghĩa là Nhà nước Việt Nam đang tha thứ cho những người chết vì chánh sách đàn áp, trục xuất, và giam cầm của chính họ sau chiến tranh. Cũng chính vì nhà nước Việt Nam rất hải hà, những người ‘tiến bộ’ ở Mỹ và Việt Nam nghĩ rằng những kẻ chiến bại xấu nết đang thù dai, không vượt qua được người chết của mình. Những người tự coi mình biết điều nói rằng những kẻ thua trận không chịu nhìn về phía trước và đã đánh mất khả năng có thể ‘khách quan’ trước lịch sử.

Nhưng chúng ta tìm đâu ra lịch sử khách quan?

Tối qua, các bạn có cơ hội nghe những câu chuyện và quan điểm về cuộc chiến có thể đã làm bạn ngạc nhiên. Những người Việt Nam mà các bạn biết, gia đình, bạn bè, thì đàn ông không bắn sẻ, đàn bà không rao bum bum yêu anh dài lâu như trong phim Hollywood. Cuộc chiến các bạn biết từ cộng đồng không giống cuộc chiến các bạn học trong lớp sử ở đại học, kể cả UCLA. Và chắc chắn nó cũng không giống như trong lời tuyên bố của mỗi ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ trong những thập kỷ qua về tinh thần yêu nước Mỹ trong chiến tranh và sự rộng rãi của người Mỹ khi đã cứu vớt cha mẹ bạn, cha mẹ tôi thoát khỏi địa ngục cộng sản sau chiến tranh.

Lịch sử là thế đó, khiếm khuyết và vị kỷ. Có phiên bản lịch sử thì được viết, được dạy, được bảo kê bởi sức mạnh của cảnh sát, của quân đội, của kinh tế, của chính trị. Còn những câu chuyện quá khứ khác người ta chỉ có thể nói thì thầm, thở dài, hay hát. Các bạn có thể tìm hiểu, và thành tâm với những gì tìm thấy. Nhưng nếu các bạn bắt gặp sự thật lịch sử--thứ ‘lịch sử khách quan’ hay ‘lịch sử phổ quát,’ thì các bạn nên bỏ chạy. Lịch sử chỉ có thể cho ta những mảnh rời mâu thuẫn, khi mà mỗi chúng ta đều nửa nhớ nửa quên, khi mà những thế lực quốc gia và đế quốc dùng hết quyền năng để tổ chức những điều ta quên ta nhớ.

Nếu chúng ta không thể biết lịch sử trong sự thật như một tổng thể vẹn toàn, thì chúng ta có nên chăng vượt qua nó, hoá giải, hoà giải, tha thứ, và quên đi? Để những kẻ cựu thù có thể hoà giải với nhau vì quê mẹ, đất cha, hay công việc của tương lai?

Để quy phục tương lai, chúng ta phải khép lại quá khứ. Để đời sống phăng phăng đi tới, chúng ta phải khoá sổ người chết và người được xem như đã chết.

Các bạn có sẵn sàng làm điều đó? Tôi không sẵn sàng.

Tôi hiểu người chết không thể nói lên sự thật chống lại điều dối trá, bởi vì họ cũng không làm chủ sự thật như một quốc gia, một đế quốc, một con người không thể làm chủ sự thật. Sự thật không đến từ người chết cũng như nó không đến từ người sống. Công việc của người chết không phải là nói sự thật, mà là quấy nhiễu mọi sự thật một học giả, một thương gia, một quan chức nhà nước, hay một chánh khách bày ra để hoá giải quá khứ.

Hoà hợp hoà giải?

Không.

Những người làm công việc khoá sổ quá khứ để đoàn kết quốc gia, để phát triển thế giới toàn cầu và nền kinh tế của nó, hãy để họ sống với lời nguyền của Oedipus, cha Antigone. Khi kẻ cầm quyền thành Thebes kêu gọi Oedipus bị lưu đày hãy trở về chết trên xứ mình, chôn thây vào đất tổ để mang quyền phép về cho nó, ông ta đã nguyền rằng: Hồn ma ta sẽ ám đất nước nhà ngươi, không dứt.

Tôi muốn thốt lên lời nguyền đó vào ngày này: Hãy để người chết mãi ám những quốc gia—Hoa Kỳ hay Việt Nam—để lịch sử họ mãi bất an, không thể khép.

Và tôi muốn nói lên lời nguyền này với chúng ta để còn may ra đón nhận những mảnh lạc từ quá khứ. Hãy để chúng ta bị ám mãi, không nguôi.

Bản dịch của Nguyễn Hương

No comments:

Post a Comment