Monday, May 26, 2014

Sài Gòn chi 3.9 tỉ cho xí nghiệp bị thiệt hại vì bạo động

SÀI GÒN 25-5 (NV) - Có 32 doanh nghiệp ở Sài Gòn  bị thiệt hại do các vụ biểu tình bạo động, sau khi hàng chục ngàn công nhân đình công, biểu tình phản đối Trung Quốc, sẽ được hỗ trợ 3.9 tỉ đồng.


Xưởng sản xuất giày của Công ty Đông Hưng, Trung Quốc ở Bình Dương bị đập phá trong đợt đình công, biểu tình, bạo động hồi giữa tháng 5. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Đó là thông báo mới nhất liên quan đến các vụ bạo động xảy ra hồi trung tuần tháng 5, của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn. Báo chí ở Việt Nam không đưa tin gì liên quan đến các vụ biểu tình bạo động xảy ra ở thành phố Sài Gòn. Cũng không thấy đưa tin có người biểu tình nào bị bắt giữ ở đây liên quan đến bạo động.

Thông báo vừa kể được đưa ra tại cuộc họp giữa nhà cầm quyền thành phố này với Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp ở Sài Gòn (HEPZA) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do bạo động ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của HEPZA, trong đợt đình công, biểu tình của hàng chục ngàn công nhân nhằm phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, riêng tại Sài Gòn, có 32 doanh nghiệp bị thiệt hại vì những hành vi bạo động. Tổng giá trị thiệt hại được ước đoán khoảng 3.9 tỉ đồng.

Mức thiệt hại vừa kể của 32 doanh nghiệp tại Sài Gòn được xác định là thiệt hại trực tiếp. Những thiệt hại gián tiếp do 124 doanh nghiệp phải cho công nhân tạm nghỉ từ một tới ba ngày, cuối cùng phải bồi thường bởi giao hàng không đúng thời hạn cam kết trong hợp đồng, được HEPZA loan báo là “chưa thống kê được”.

Cũng theo HEPZA, đa số doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt đình công, biểu tình, bạo động vừa qua, có nhà xưởng ở các khu chế xuất: Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Khu công nghiệp Bình Chiểu – những khu vực giáp với Bình Dương, nơi phát sinh đợt đình công, biểu tình, bạo động hồi tuần trước.

Tại cuộc họp vừa kể, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch thành phố Sài Gòn cho biết, đã yêu cầu Hải quan Sài Gòn sắp xếp nhân viên làm việc 24/24 để giải quyết thủ tục cho hàng hóa xuất cảng, nhập cảng của các doanh nghiệp nằm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Sài Gòn, không để hàng hóa xuất cảng, nhập cảng bị nghẽn, ứ.

Cục Thuế Sài Gòn cũng đã được chỉ thị phải rà soát để hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đồng thời, phải thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp này theo chỉ đạo của nhà cầm quyền trung ương ở Hà Nội.

Bởi đợt đình công, biểu tình, bạo động vừa qua khiến nhiều công nhân thất nghiệp, viên Chủ tịch thành phố Sài Gòn yêu cầu chính quyền các quận, huyện phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm mới cho những công nhân này.

Chế độ Hà Nội đang dồn sức để giải quyết hậu quả do đợt đình công, biểu tình, bạo động vào các ngày 12,13 và 14/5/2014 gây ra. Khởi đầu từ Bình Dương, đợt đình công, biểu tình, bạo động này đã lan ra 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, gây thiệt hại trực tiếp cho 400 doanh nghiệp. Trong đó có hơn một chục doanh nghiệp bị đốt trụi. Sau đợt đợt đình công, biểu tình, bạo động này, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động

Để trấn an giới đầu tư ngoại quốc, nhà cầm quyền CSVN đã bắt giữ hơn 1,000 người bị cáo buộc là đã đập phá, đốt nhà xưởng, trộm cắp tài sản của các doanh nghiệp bị tấn công. Bình Dương là tỉnh có nhiều người bị bắt nhất. Ngoài cam kết nghiêm trị, Hà Nội còn hứa không để điều đó tái diễn, đồng thời hứa sẽ xem xét hỗ trợ những doanh nghiệp bị thiệt hại.

Mới đây, Bộ Tài chính CSVN đã yêu cầu các hãng bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm với các doanh nghiệp có mua bảo hiểm và gặp thiệt hại do bạo động. Tuy nhiên theo báo giới Việt nam, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà xưởng ở Bình Dương chưa thể thống kê hết thiệt hại. Cũng vì vậy, có lẽ phải đến cuối tháng này mới có những số liệu chính thức về tổng thiệt hại mà đợt đình công, biểu tình, bạo động gây ra đối với các doanh nghiệp tại Bình Dương.

Nhà cầm quyền các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp bị thiệt hại do bạo động đã được yêu cầu phải cử người làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp bị thiệt hại do bạo động để giải quyết các thủ tục hành chính, giúp những doanh nghiệp này sớm hoạt động trở lại.

Hải quan Việt Nam cũng đã được lệnh miễn hoặc giảm thuế xuất cảng, thuế nhập cảng, hoàn thuế xuất cảng, thuế nhập cảng đối với những khoản thuế xuất cảng, thuế nhập cảng của hàng hoá bị tổn thất, giải tỏa các lô hàng xuất cảng, nhập cảng của những doanh nghiệp đang nợ thuế nhưng vừa bị thiệt hại do bạo động.

Ngân hàng Quốc gia cũng được yêu cầu phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm khôi phục hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment