SÀI GÒN 25-5 (NV) .- Tranh chấp chủ quyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến kinh tế Việt Nam vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn. Đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Giá vàng tại Việt Nam đã vọt lên chạm mức 37 triệu đồng/lượng vì bất ổn trên Biển Đông. (Hình: Dân Trí)
Theo tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, khi Trung Quốc vừa đưa giàn khoan 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí, chỉ số Vn-Index lập tức giảm từ 580 xuống còn 508 điểm, mất 72 điểm. Gần đây, tuy chỉ số Vn-Index có nhích lên một chút nhưng hậu quả vẫn còn nguyên: giới đầu tư thua lỗ nặng nề. Người may mắn thì coi như mất trắng lợi nhuận đã tích lũy từ cuối năm ngoái đến đầu tháng 5-2014.
Không ai dự đoán được tương lai quan hệ Việt – Trung và sự ổn định của tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam sẽ thế nào. Vào lúc này, tâm lý chung của giới đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam là cố gắng bán cho bằng hết số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ, bất chấp Ủy ban Chứng khoán Việt Nam liên tục trấn an và kêu gọi giữ bình tĩnh.
Không riêng lĩnh vực chứng khoán, thị trường liên ngân hàng cũng đang biến động dữ dội, lãi suất cho kỳ hạn qua đêm đã tăng tới 4,15%/năm, kỳ hạn một tuần tăng thành 4,2%/năm; kỳ hạn hai tuần tăng thành 4,25%/năm.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn mô tả thêm, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam hiện đang trong “tư thế phòng thủ”, không sẵn sàng cho vay như trước. Dòng vốn ở Việt Nam hiện đang dồn vào vàng và ngoại tệ để tìm sự an toàn. Đây là lý do khiến giá vàng và tỷ giá đồng/Mỹ kim tăng vọt.
Tỷ giá đồng/Mỹ kim do Ngân hàng Quốc gia ấn định trên thị trường liên ngân hàng là 21,036 đồng/Mỹ kim nhưng tỷ giá do các ngân hàng thương mại niêm yết chính thức xấp xỉ 21,080 đồng/Mỹ kim. Trên thị trường tự do, tỷ giá này là 21,300 đồng/Mỹ kim.
Giá vàng cũng đã vọt lên và đang dao động ở mức 37 triệu đồng/lượng bất kể giá vàng thế giới khá ổn định, chỉ dao động quanh mức 1.300 đô la Mỹ/oz.
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, trên thị trường chứng khoán, tuy giới đầu tư ngoại quốc không “bán đổ, bán tháo” cổ phiếu như giới đầu tư trong nước, thậm chí một số nhà đầu tư còn mua vào, nhờ vậy chỉ số Vn-Index không giảm sâu hơn song về lâu dài, chắc chắn mâu thuẫn Việt – Trung “sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định” đối với triển vọng thu hút các nguồn vốn đầu tư của ngoại quốc. Khi môi trường chính trị tại khu vực Đông Nam Á tiềm ẩn nhiều rủi ro, dòng vốn quốc tế sẽ có sự thay đổi trong chiến lược phân bổ đầu tư.
Trên bình diện rộng hơn, mâu thuẫn về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng không chỉ khiến lĩnh vực tài chính, tiền tệ của Việt Nam xáo trộn mà còn có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại vê việc Trung Quốc sẽ gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế, thương mại, khiến kinh tế Việt Nam suy sụp.
Lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại như vậy bởi kinh tế Việt Nam vốn đã bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc.
Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu USD hồi 2001, thành 16 tỷ USD vào năm 2012. Một vài thống kê khác cho biết, khoảng ¼ số ngoại tệ đã chi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là nhằm nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu. Cũng vì vậy, nếu Trung Quốc ngưng xuất cảng những nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu này, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ tê liệt.
Chưa kể hàng loạt công trình rất quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện do Trung Quốc đầu tư và đảm nhận. Nếu việc thực hiện các công trình này không thể tiến hành bình thường, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình phát triển và việc trì hoãn hoàn thành các công trình đó còn gây thêm tốn kém. (G.Đ.)
05-25- 2014 1:27:22 PM
No comments:
Post a Comment