HÀ NỘI 25-5 (NV) - Quốc Hội Việt Nam yêu cầu gia tăng hỗ trợ ngư dân, xem đó như một cách gia tăng mức độ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang leo thang.
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung quốc bắn cháy hồi Tháng Ba 2013. (Hình: Tuổi Trẻ)
Khi bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, một đại biểu tên là Nguyễn Thị Quyết Tâm, cho rằng, cần ưu tiên chi tiền cho việc phát triển các đội tàu đánh cá nhằm khuyến khích ngư dân bám biển, bởi ngư dân là lực lượng tham gia giữ vững chủ quyền trên biển.
Một đại biểu khác tên là Võ Thị Dung đề nghị ngưng thực hiện dự án mở luồng cho tàu vận tải biển loại lớn vào sông Hậu để lấy 2,000 tỉ của dự án này đóng tàu cho ngư dân. Ông Trần Hoàng Ngân thì đề nghị chuyển khoản tiền 35,000 tỉ mà Bộ Giao thông Vận tải tiết kiệm được từ các dự án phát triển hạ tầng giao thông để đóng tàu lớn cho ngư dân thuê lại.
Một số đại biểu khác đề nghị thêm là chuyển những khoản dự trù chi cho các dự án thủy điện cho các dự án phục vụ an ninh quốc phòng và hỗ trợ ngư dân. Giống như nông dân, thỉnh thoảng, chế độ Hà Nội lại công bố những kế hoạch hỗ trợ ngư dân. Trong thực tế, gần như ngư dân không được hưởng gì từ các chính sách được xem là nhằm hỗ trợ họ.
Mỗi khi Trung Quốc tỏ ra càn rỡ trên biển Đông, vấn đề hỗ trợ ngư dân lại được nêu ra. Hồi hạ tuần tháng ba, Thủ tướng CSVN cũng đã tuyên bố sẽ “hỗ trợ tối đa” cho ngư dân, nhằm “phát triển kinh tế biển” và “giữ vững chủ quyền”. Vào lúc đó, có hàng loạt tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ, đập phá tàu – thiết bị dẫn đường – thiết bị liên lạc, tịch thu hải sản, tịch thu ngư cụ khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam hiện có hơn một triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Dù thường xuyên được nghe các hứa hẹn hỗ trợ, song ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu thuộc lực lượng vũ trang của Trung Quốc), hoặc thiên tai (gió bão), chủ tàu phá sản.
Giải thích về lý do quyết định sẽ “hỗ trợ tối đa” cho ngư dân, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, vì Việt Nam có một vùng biển rộng lớn. Lúc đó, ông ta cũng giải thích rằng, kế hoạch hỗ trợ ngư dân sẽ giúp họ đóng những con tàu lớn, thay cho những tàu gỗ, kích thước nhỏ để giúp ngư dân hoạt động xa hơn.
Nhiều viên chức Việt Nam thay nhau lập đi, lập lại rằng, ngư dân là… lực lượng giữ vai trò tiên phong trên biển và khuyến khích ngư dân bám biển là một cách hữu hiệu để… bảo vệ chủ quyền trên biển.
Trên thực tế, Việt Nam có cả Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư lẫn Biên phòng, Ủy ban Tìm kiếm – Cứu nạn song những lực lượng này không bảo vệ và gần như chẳng bao giờ hỗ trợ ngư dân. Đó là lý do các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu của Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư của Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ, đập phá tàu – thiết bị, tịch thu hải sản, tịch thu ngư cụ, thậm chí truy sát.
Qua tường thuật của báo chí Việt Nam, người ta có thể thấy, khi gặp nạn, ngư dân phải tự tìm kiếm và cứu nhau. Rất hiếm khi nạn dân nhận được sự hỗ trợ từ giới hữu trách. Cũng vì vậy, một số người cho rằng, khuyến khích ngư dân bám biển để… bảo vệ chủ quyền trên biển, xem ngư dân là… lực lượng giữ vai trò tiên phong trên biển là một kiểu ngụy biện, vừa vô trách nhiệm, vừa tàn nhẫn.
Sau tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, về việc sẽ “hỗ trợ tối đa” cho ngư dân, báo chí Việt Nam loan báo, ông Dũng đã ký, ban hành một quyết định về việc thực hiện “chính sách thí điểm, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thuỷ sản xa bờ tại Quảng Ngãi”.
Chính sách thí điểm này khiến người ta nhớ tới chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” mà chính quyền Việt Nam từng thực hiện hồi 1997. Chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” ra đời sau trận bão thứ 5 của năm 1996, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư dân va ngư nghiệp Việt Nam.
Đến tháng 4 năm 2006, sau khi chương trình trình này ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh - thành phố, quận – huyện, phường - xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ”, gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một chương trình hỗ trợ khác cũng dành cho ngư dân. Đó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá”. Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và phóng sự của nhiều tờ báo cho thấy, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn thị điểm đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment