SM.VN-Hầu hết người mua hàng đều chuẩn bị sẵn tư tưởng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm được dán nhãn “tươi” trong siêu thị. Nhưng đối với các nhà quản lý, từ 'tươi' được hiểu theo nghĩa “rộng hơn”, nó cũng có thể được sử dụng để mô tả thực phẩm đã được xử lý nhiệt, đông lạnh hoặc thay đổi về mặt hóa học để có thể lưu trữ trong cả ngày và thậm chí đến cả cuối tuần.
Xử lý hàng “ế”
Theo Reader Digest, nhiều loại đồ ăn như gà hay khoai tây bị vứt bỏ vào cuối ngày. Cửa hàng không thể lưu giữ nó, thậm chí không đưa được cho nhân viên của mình tiêu thụ giùm hàng ế. Chính vì vậy, những ai quyết định mua đồ ăn vào cuối ngày quả là sai lầm lớn.
Có một thực tế mà hầu như ai cũng ngầm hiểu: Những rau quả tươi không được bán hết trong ngày sẽ được chuyển cho nhà sản xuất “xào xáo” thành sản phẩm đóng hộp/chai. Thực tế này đã được chuyên gia marketing Bradley McHugh thừa nhận trong ngành bán lẻ.
Tuổi thọ đồ tươi
Martin Lindstrom tiết lộ một sự thật đầy bất ngờ: trung bình một quả táo trong siêu thị có tuổi thọ… 14 tháng trở lên, tức là nó nằm trong siêu thị lâu hơn một năm và được bảo quản bằng tủ lạnh quá tốt nên chẳng ai nhận ra. Dù bao bì có đề là dùng trong 3 ngày sau khi mua về, nhưng thực tế, nếu như những quả táo mua ngoài siêu thị có thể để ở nhiệt độ thường vài ngày thì những quả táo siêu thị này có tuổi thọ ít hơn rất nhiều khi để trong môi trường bình thường. Do đó, có thể chỉ ngày hôm sau thôi, dù bên ngoài vỏ vẫn tơi ngon, nhưng bên trong ruột đã thâm đen đến tận lõi.
Theo Bradley McHugh, người tiêu dùng đang phải trả thêm 1-2 USD cho mỗi nửa lạng thịt được cắt khúc và dán nhãn “tươi” trong khi thực tế chúng chẳng khác gì các hàng đóng gói sẵn khác. Tại quầy hải sản cũng tương tự, hàng “tươi” thực chất có thể là hàng đông lạnh đã được rã băng. Dễ thấy nhất là hàng thủy hải sản, thường được đóng mác tươi nhưng để chuyển được số tôm cá này từ nơi đánh bắt đến siêu thị qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số không thể chỉ mất có vài tiếng được.
Báo giới Anh từng xôn xao khi biết thịt cừu từ New Zealand đã trải qua 11.000 dặm tàu vận chuyển trong tình trạng đông lạnh khoảng 6 tuần hoặc hơn. Điều đó có nghĩa là thịt cừu “tươi” khi đến tay người tiêu dùng đã có ít nhất 2 tháng tuổi, trong khi bình thường chỉ khoảng 1 tháng là tốt nhất. Theo tờ Dailymail, miếng thịt vẫn sẽ đỏ nguyên sau nhiều tuần nếu được để trong những cái túi khí đặc biệt có tác dụng làm chậm quá trình “lão hóa”.
Những ai nướng bánh mì đều biết rằng bánh sẽ khô và cứng lại chỉ sau vài giờ. Nhưng người ta có thể dùng calcium propionate và axit ascorbic ức chế nấm mốc hoặc các enzyme được hòa trộn cùng trong quá trình nướng bánh có thể giúp bánh 10 ngày sau vẫn mềm như thường. Đại gia siêu thị Tesco từng bị lên án khi tuyên bố bán “bánh mì tươi mới vừa ra lò” trong khi trên thực tế, Tesco có nguồn bánh đã làm sẵn và chỉ nướng một phần với lò đặt trong siêu thị để bày hàng thôi.
Tại sao quầy hàng tươi thường có màu trắng?
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các quầy hàng tươi, hàng làm tại chỗ thường có màu trắng, trong khi hàng khô có thể bày lên các kệ có màu sắc khác nhau? Đó là bởi khung cảnh màu trắng có tác dụng làm cho đồ tươi trông tươi hơn. Cộng thêm với hiệu ứng ánh sáng, thị giác của con người đã bị “qua mặt” một cách hoàn hảo.
Sương mù
Tại các quầy rau quả tươi, khách hàng có thể thấy một làn sương mù xả lên các khay hàng. Thứ sương này giúp rau quả trông bên ngoài tươi hơn, bán được giá hơn nhưng theo Lindstrom, nó cũng khiến sản phẩm mau héo úa hơn. Bên cạnh đó, việc này cũng tăng lượng nước cho rau quả, tức là tăng trọng lượng cho chúng, mà trong siêu thị, bạn sẽ mua hàng theo trọng lượng chứ không phải theo mớ như ở chợ. Một số siêu thị còn đặt nguyên rau củ trong thùng gỗ để làm như chúng vừa được các trang trại chuyển đến.
Vị trí đặt quầy sữa
Ở các siêu thị phương Tây, sữa thường được ở cuối cửa hàng. Một phần do đây là mặt hàng thiết yếu, có tỷ lệ mua cao, và chúng cần được ở xa tầm với của người tiêu dùng để buộc họ ở trong cửa hàng lâu nhất có thể. Nhưng một nguyên nhân quan trọng không kém khác là chúng cần được giữ lạnh, và các xe tải vận chuyển hàng thường nằm ở phía sau siêu thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các siêu thị thường đi theo mô hình “một cửa”, tức là cả cửa để khách hàng vào, ra và hàng được vận chuyển đến đều ở cùng một phía, ít siêu thị có mặt sau hoặc có cũng chưa chắc đủ rộng để xe hàng tiến vào. Do đó, việc bố trí sữa ở tít sâu bên trong chỉ đảm bảo được mục tiêu đầu tiên mà bỏ bẵng cái thứ hai.
Thậm chí, chuyên gia Teri Gault còn tiết lộ: Sữa ở các siêu thị thường không được bán với giá phải chăng nhất. Các cửa hàng tiện lợi hay cửa hàng nhỏ thường có giá thấp hơn một chút, tỷ lệ để người tiêu dùng có thể gặp hàng nội địa không chứa các hormone lạ thậm chí còn cao hơn.
30/05/2014 - 06:15
Lục Kiếm
No comments:
Post a Comment