11/04/2014 - 07:32
SM.VN-Mặc dù ngành du lịch Việt đang nỗ lực lấy lại hình ảnh lem nhem hiện diện từ mấy năm trước, song cũng chưa có cách giải quyết hữu hiệu. Khi mùa du lịch 2014 chỉ mới bắt đầu, thế nhưng những chuyến tham quan, du lịch "bát nháo" kèm theo nhiều mối nguy thiếu an toàn đã diễn ra liên tiếp, từ tàu cháy tại Hạ Long cho tới chuyện "vượt rừng" kinh hoàng của du khách trẩy hội đền Hùng... Tất cả đều dễ khiến du khách "hốt hoảng" tự hỏi: du lịch Việt đã sẵn sàng để vào mùa?
Tàu cánh ngầm cháy khiến du khách phải nhảy xuống sông, lấm lem bùn đất - Ảnh: Khám phá.
Vịnh Hạ Long – nguy hiểm rình rập từ những chiếc tàu du lịch
Với lợi thế thiên nhiên tuyệt đẹp, Hạ Long luôn là điểm đến của nhiều du khách, xong nơi đây chỉ tận dụng vốn có sẵn mà chưa thấy có sự đầu tư, hoạt động kinh doanh du lịch bài bản chuyên nghiệp, chỉ manh mún từng cá thể làm du lịch. Vì thế mà đã nhiều năm nay, những chiếc tàu du lịch băng băng lướt sóng tham quan vịnh vẫn không mấy khi có đủ hết áo phao cho khách, cũng như máy móc trên tàu cũ kỹ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn. Cho nên chuyện mỗi năm du lịch đều có tàu cháy đã không còn là chuyện lạ.
Tàu du lịch tại Quảng Ninh lại bốc cháy - Ảnh: Vnexpress
Mới đây, ngày 10/4, khi đang lưu thông trên vùng biển gần Hòn Trống Mái (Vịnh Hạ Long), tàu du lịch mang số hiệu QN-3737 thuộc Công ty TNHH Cửu Long bất ngờ bốc cháy khiến 17 du khách (trong đó có 15 người nước ngoài) một phen hoảng loạn. Rất may các du khách cùng thuyền viên đã được tàu khác ứng cứu và đưa vào bờ. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những tai nạn như thế này trên tàu du lịch tại Hạ Long.
Trước đó, khoảng 10h30 ngày 18/2, trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tàu du lịch mang biển số QN 4894 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bái Tử Long Hưng Nguyên cũng bất ngờ bị bốc cháy và chìm xuống biển, cách đảo Ti Tốp về phía Đông Nam khoảng hơn 1km. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do quá trình chạy thử, nhân viên trên tàu đun nước để pha trà thì bình ga bị xì gây cháy. Vụ việc không gây thiệt hại về người khi 8 thuyền viên đều được cứu thoát nhưng thiệt hại khoảng vài tỷ đồng. Rất may là chiếc tàu này chưa được xếp hạng, chưa được cấp phép hoạt động nên không có khách du lịch.
Ngoài ra, cách đây hơn 1 năm vào tháng 10/2012, chiếc xuồng mang số hiệu QN 6116 thuộc tàu Paradise 6688 chở 18 du khách quốc tịch Đài Loan đi thăm hang Sửng Sốt trên đường quay lại tàu đã va chạm với tàu Đông Phong mang số hiệu QN 1402. Vụ va chạm đã khiến tàu bị lật làm 5 hành khách (trong đó có 4 người lớn và 1 trẻ em) tử vong và 13 hành khách khác bị thương. Sự việc đã cho thấy nhiều bất cập tại địa điểm tham quan tươi đẹp này như khách không được mặc áo phao, các tàu neo đậu lộn xộn, luồng đi không có báo hiệu...
Trong khi chất lượng dịch vụ chưa được cải thiện thì tỉnh Quảng Ninh lại quyết định tănggiá vé tham quan Vịnh và lưu trú qua đêm. Điều đó lại chỉ càng khiến du khách thêm ngán ngẩm và sẽ chẳng còn tâm trạng để thưởng thức một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới này mà chỉ còn nơm nớp lo sợ.
Du lịch mạo hiểm trên những chuyến tàu cánh ngầm
Du khách hoảng sợ khi bị sóng đánh vỡ kính khiến nước tràn vào tàu cánh ngầm
Những chiếc tàu cánh ngầm đã trở thành “tử thần” trong mắt khách du lịch khi đem lại hiểm họa khó lường. Mới trong tháng đầu tiên của năm 2014 (chiều 20/1), tàu cánh ngầm Vina Express 01 (số đăng ký SG 3837) chở tổng cộng 92 người gồm 85 hành khách (trong đó có 37 du khách nước ngoài) và 7 thuyền viên, thuyền trường đang đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu thì bất ngờ bốc cháy từ hầm máy rồi lan rộng. Để thoát nạn, nhiều hành khách đã phải liều mình nhảy xuống sông. Rất may là vụ cháy xảy ra tại khu vực gần bờ, dòng nước không sâu nên mọi người đều được cứu thoát.
Trước đó cũng có rất nhiều vụ liên quan tới phương tiện vận tải đường biển này khiến du khách dường như không còn mấy tin tưởng với loại phương tiện này. Ngày 26/7/2013, tàu cánh ngầm Greenlines 9 chở gần trăm hành khách từ Vũng Tàu về TP.HCM bị chết máy và trôi tự do trên sông sau khi đi được 45 phút. Sau đó, tàu đã va mạnh vào cọc tiêu, bị nghiêng sang một bên khiến khoang cuối của tàu bị nước tràn vào, khói đen từ buồng máy bốc lên nghi ngút. Cũng trong năm 2013, du khách trên tàu cánh ngầm Greenlines B5 suýt nữa gặp nguy hiểm tới tính mạng khi chạy từ TP.HCM ra Vũng Tàu vào sáng 24/8 thì bất ngờ bị sóng đánh vỡ kính khiến nước tràn vào mũi tàu.
Một trong những nguyên do khiến tàu cánh ngầm trở nên mất an toàn là do chủ phương tiện thường mua tàu cũ và không thường xuyên bảo trì, bão dưỡng mới dẫn đến những sự cố như trên. Sau đó, dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, phát hiện được nhiều sai phạm đồng thời ra ban hành nhiều quy định quản chặt tàu cánh ngầm nhưng với những du khách may mắn thoát nạn thì chuyến tàu “nguy hiểm” này đã là “điểm trừ” khi đi du lịch tại Việt Nam.
Kinh hãi với kiểu “vượt rừng” tìm đường tại Đền Hùng
Người dân bất chấp nguy hiểm bám dây bò đất để lên Đền Hùng
Trong khi đường thuỷ tiềm ẩn quá nhiều rủi ro thì du lịch trên bộ cũng nguy hiểm không kém. Vào dịp lễ giỗ Tổ vừa qua, người dân trên khắp cả nước lại tấp nập đổ về TP. Việt Trì (Phú Thọ) để dâng hương, tưởng nhớ tới các vị vua Hùng đã có công dựng nước và tham gia Lễ hội Đền Hùng. Thế nên chỉ trong ngày chính hội đã có hơn 1 triệu khách thập phương tới đây. Với tình trạng “quá tải” này thì việc ùn ứ, tắc nghẽn, dòng người xô đẩy xảy ra ngay từ cổng chính là điều tất yếu.
Người dân “xé rào” lên Đền Hùng - Ảnh: Khám phá
Do đó, để không phải chen chúc trong dòng người đông đúc, nhiều người dân từ thanh niên cho tới người già đã bất chấp mọi cảnh báo nguy hiểm để “vượt rừng”. Thậm chí, các rào thép chắc chắn để ngăn đi đường này được ban tổ chức bố trí trước đó cũng mất dần tác dụng khi người dân vẫn chịu khó trèo qua hoặc chui rào, trong khi vượt qua những rào cản này và trải qua những khoảng dốc trơn trượt, không có gì bám víu để đến được đích, nhiều du khách cũng không khỏi toát mồ hôi vì sự liều lĩnh của mình. Đối với những em nhỏ thì lần đi trẩy hội này sẽ ám ảnh cả đời khi nhiều em đã rất hoảng sợ, khóc thét khi bị người lớn kéo vào chuyến tham quan mạo hiểm, không lường trước nổi như thế. Đáng kể là trong khi con dân thành kính về với Tổ trong sự linh thiêng thì với việc mạo hiểm vượt rừng, nhiều người phải bò dưới gầm nhà vệ sinh để tìm lối đi, hoặc lội bùn từ nhà vệ sinh thải ra bằng chân đất do vỡ đường ống nước.
Dù mùa du lịch 2014 mới chỉ bắt đầu, nhưng những hình ảnh trên đã cho thấy dấu hiệu năm nay cũng chẳng có gì khá hơn năm trước. Tàu vẫn cháy, người vẫn đi vô tổ chức, tính an toàn không được đặt lên hàng đầu, dịch vụ du lịch yếu kém thì khỏi phải nói. Song nhận ra sớm ngay từ đầu mùa vẫn còn chưa quá muộn, sự thành tâm làm du lịch một cách chuyên nghiệp vẫn có thể cứu vãn được tất cả, chỉ là có muốn làm hay không thôi.
Hải Băng
Tổng hợp
No comments:
Post a Comment