Các quốc lộ không còn ổ trâu, ổ gà
Báo cáo trước Ủy ban Tài chính và Ngân sách, cũng chính Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, cho đến nay phí bảo trì đường bộ đối với xe máy mới thu đạt được khoảng 20% kế hoạch.
Nguyên nhân, theo Bộ GTVT, do việc triển khai ở các tỉnh còn chậm. “Việc giao cho chính quyền địa phương thu phí khiến họ còn nhiều lúng túng”. Việc thu phí xe máy ngay từ đầu đều khẳng định giao chính quyền tổ chức thu và để lại cho địa phương nâng cấp các tuyến đường. Tuy nhiên, một số tỉnh lượng xe máy không lớn, lượng thu thấp, CQ địa phương chưa thực sự vào cuộc. Thứ trưởng Trường cho biết việc thu phí đã được chấn chỉnh và mang lại kết quả ban đầu là “Thu quý 1 năm nay đã xấp xỉ năm 2013 rồi”.
Rất thẳng thắn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Trần Văn hỏi thẳng: “Nếu số thu không lớn trong khi tổ chức thu lại lớn thì Bộ GTVT có tính toán bỏ phí bảo trì đường bộ đối với xe gắn máy?”
Trả lời trưc tiếp vào câu hỏi, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau một năm thực hiện việc thu Quỹ bảo trì đường bộ cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, mỗi tỉnh hàng năm phải cấp từ 3-5 tỷ đồng bảo trì đường địa phương thì sau khi tiến hành thu quỹ, mỗi tỉnh đã có thể có được 35-40% chi phí. “Họ đánh giá đó là cứu cánh”- ông Trường nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở trung ương, với số phí thu được, Tổng cục đường bộ có thể chủ động nâng cấp đường. “Quá trình kiểm tra cho thấy các quốc lộ không còn ổ trâu, ổ gà. Việc nâng cấp kịp thời, cải tiện điều kiện đi lại cho dân”. Các khoản chi phí bảo trì đường bộ này cũng được Bộ GTVT đánh giá là “đều công khai minh bạch, có địa chỉ cụ thể và được rà soát kỹ lưỡng”.
Riêng đối với xe máy, ông Trường nói “nếu cần thiết Bộ sẽ xin ý kiến từ Chính phủ và Quốc hội”. Tuy nhiên, ông cho rằng dù số tiền không lớn nhưng thể hiện sự đóng góp của người dân vào (việc xây dựng) hạ tầng.
Không có chuyện phí chồng phí
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã dẫn “thực tiễn” phản ánh 2 vấn đề nhân dân và cử tri bức xúc. Đó là việc một mặt Bộ GTVT đã xóa và xắp xếp lại 57 trạm thu phí, nhưng trong 2-3 năm tới, thay cho các trạm nhà nước, sẽ có khoảng 20 trạm BOT, Bộ GTVT tham mưu thế nào? Sẽ còn thu với các phương tiện nữa không? Khi “cái này xảy ra rất nhanh” - ông Nhã chất vấn.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cũng đặt ra 3 vấn đề mà người dân bức xúc. Thứ nhất: Xe đi ít, xe đi nhiều, nhưng phí lại thu bình quân. Thứ hai: Xe đã nộp phí bảo trì đường bộ, nhưng đi qua “các vùng BOT”, các vùng với mật độ các trạm rất dày và lại bị thu phí nữa. Thứ 3: Thu phí với xe máy có lý do phân cấp, giao thu không phù hợp dẫn tới không thu được.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, NSNN đầu tư cho QL1 xấp xỉ 100 ngàn tỉ. Bộ GTVT đã lập đề án cách 70km cho lập 1 trạm BOT. Vì vậy, NSNN chỉ phải chi khoảng 50 ngàn tỉ.
Theo tính toán của ông Trường, sẽ có 17 trạm trên toàn tuyến. “Chúng tôi đã tính toán 1 xe 20 tấn từ TPHCM ra HN thì tổng phí khoảng 1,5-1,7 triệu. Cước không lớn và có thể chấp nhận được”.
Đại diện Bộ GTVT cũng nói nếu không có các trạm BOT mà đầu tư toàn bộ bằng NSNN thì cũng vẫn phải thu phí. “Người dân phải có đóng góp với Chính phủ trong việc đầu tư hạ tầng” - ông Trường nói.
Riêng đối với vấn đề “phí chồng phí” mà ĐBQH Trương Văn Vở đặt ra, đại diện Bộ GTVT lý luận đơn giản: Phí bảo trì đường bộ chỉ thu để bảo trì cho các đoạn không phải BOT cũng như các tuyến đường địa phương khác nên không chồng phí.
Nhắc đến giá cước vận tải hiện đang tăng, Thứ trưởng Trường cho rằng do quản lý trước đây chưa chặt chẽ nên hầu hết các xe đều chở vượt tải. Vừa rồi Bộ GTVT lập các trạm cân di động. Xe phải hạ tải khiến cước vận tải có tăng lên. Nhưng đây là bắt buộc vì mỗi con đường hàng ngàn tỷ, không giữ chỉ vài năm là hỏng - ông khẳng định.