Friday, April 11, 2014

Công an dùng nhục hình:Đề nghị khởi tố Phó Công an TP



Thứ sáu, 2014-04-11 23:56:04 - Nguồn: Internet
Liên quan đến vụ 5 công an dùng nhục hình, gia đình nạn nhân đã nộp đơn kháng cáo, đề nghị khởi tố Phó Công an TP. Tuy Hòa.
Chiều 10/4, bà Trần Thị Tâm (29 tuổi, vợ nạn nhân Kiều) và bà Ngô Thị Tuyết (45 tuổi, chị ruột nạn nhân Kiều), đại diện hợp pháp của nạn nhân Ngô Thanh Kiều (32 tuổi, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) tử vong ngày 13/5/2012) đã gửi đơn kháng cáo án lên TAND TP. Tuy Hòa và TAND tỉnh Phú Yên.
Công an dùng nhục hình:Đề nghị khởi tố Phó Công an TP
Bà Trần Thị Tâm (trái) và bà Ngô Thị Tuyết (chị Ngô Thanh Kiều) đến nộp đơn kháng án tại TAND TP Tuy Hòa.
Trong đơn kháng án, bà Tâm đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa về 3 tội “Dùng nhục hình”, “Bắt người trái pháp luật” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đơn kháng án nêu rõ ông Hoàn đã ra lệnh cho cấp dưới đến nhà bắt anh Ngô Thanh Kiều lúc 3 giờ ngày 13/5/2012 là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật.
Theo bà Tâm, anh Kiều không nằm trong trường hợp bắt người khẩn cấp, bắt quả tang người phạm tội hoặc đang bị truy nã. Việc anh Kiều bị bắt mà không có lệnh bắt, không có biên bản và bắt người vào ban đêm là sai nên ông Hoàn đã phạm tội “Bắt người trái pháp luật”.

Đơn kháng án cũng nêu rõ từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 13/5/2012, ông Lê Đức Hoàn có mặt tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa và trực tiếp phân công Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền lấy lời khai anh Ngô Thanh Kiều.
“Ông Hoàn thường xuyên ra vào phòng hỏi cung chồng tôi và thấy các bị cáo đánh chồng tôi nhưng không ngăn cản, như vậy ông Lê Đức Hoàn cũng là đồng phạm về tội “Dùng nhục hình” – chị Tâm nói.
Về việc đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bà Tâm cho rằng ông Hoàn là Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, đồng thời là Trưởng ban chuyên án vụ trộm cắp mà Kiều là nghi can nhưng ông Hoàn đã ra lệnh cho cấp dưới bắt Kiều trái pháp luật, sau đó để cho cấp dưới dùng dùi cui đánh chết anh Ngô Thanh Kiều nên ông Hoàn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Đơn kháng án của bà Tâm cũng đề nghị giám định lại thương tích ở vùng bụng và vùng ngực của anh Ngô Thanh Kiều vì nội tạng của anh bị dập nhiều khúc; ruột, gan, tim, phổi, lá lách đều bị tổn thương. “Ai là người đã gây ra thương tích này?”- bà Tâm chất vấn.
Về trách nhiệm dân sự, đơn kháng án của gia đình người bị hại đề nghị Tòa án căn cứ luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bồi thường vì đây thuộc trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng.
Trong khi đó, chiều cùng ngày ông Nguyễn Văn Thân (cha của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành), bị cáo chịu án phạt nặng nhất so với 4 bị cáo khác cũng đã gửi đơn kháng cáo.
Ông Thân cho biết, Thành đã gửi đơn kháng án kêu oan vì cho rằng mình không đánh anh Kiều nên vô tội. Bị cáo Thành đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ hành vi của những người đã đánh chết anh Kiều nhưng không nhận tội.
Trước đó, sau khi có nhiều thông tin cho rằng mức án tòa tuyên trong vụ công an dùng nhục hình chưa hợp lý, Chủ tịch nước đã yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc.
Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao liên quan tới phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) xét xử 5 bị cáo nguyên sĩ quan công an về tội danh dùng nhục hình, gây tử vong.
Sau khi xem xét, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.
Trong khi vụ việc đang được dư luận rất quan tâm thì ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết mỗi ngày, hệ thống tòa án cả nước xét xử khoảng 1.000 vụ án nên không thể nắm bắt hết được, như vụ dùng nhục hình ở tỉnh Phú Yên, cơ quan này cũng chỉ mới biết qua báo chí.
Khi có nhiều chuyên gia tư pháp cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đó là ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, người đã lệnh cho cấp dưới bắt khẩn cấp và hỏi cung dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều, ông Sơn cho biết vẫn chưa có hồ sơ vụ án nên thông tin phản ánh của báo chí cũng chỉ là một phần thôi.
"TAND Tối cao đã chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại việc này. Chúng tôi cũng đọc được thông tin trong vụ án này có bỏ lọt tội phạm nhưng việc xử án phải theo quy định của pháp luật, nếu chưa đúng tội danh thì phải xử lý đúng tội danh", ông Sơn nói.
Nói về việc Cục Điều tra hình sự VKSND Tối cao có nên vào cuộc để xem xét khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, ông Sơn cho rằng: "Đã xảy ra chết người rồi, thương tích cũng có bằng chứng rõ ràng, cả dấu hiệu và hành vi đều đã có. Nếu cấu thành tội rồi thì không cần thiết phải rút hồ sơ lên để điều tra. Chẳng hạn đang điều tra chưa kết luận mà có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải thay đổi điều tra viên ngay, còn ở đây theo nguyên tắc thì thực hiện thế nào phải theo quy định của pháp luật."
Theo Đất Việt

No comments:

Post a Comment