Tuesday, April 29, 2014

Trả bằng cho bố mẹ



30/04/2014 03:55 (GMT + 7)
TT - Tuần trước chị gái tôi đến nhà chơi than thở: “Bọn trẻ bây giờ khó bảo quá. Ngay từ nhỏ anh chị đã định hướng để thằng Mạnh sau này nối nghiệp bố làm bác sĩ. Thế mà đến giờ nó bỏ xó cái bằng đại học y, quay ra thi kinh tế, dì nghĩ có bực hay không?”.

Chị tôi vốn dạy con quá kỹ ngay từ khi con còn bé, từ chuyện ăn nói đến chơi với ai đều phải theo ý mình. Tất nhiên chuyện tương lai của con cái sau này làm gì là vấn đề chị quan tâm hàng đầu. Chị cứ nghĩ định hướng cho con theo dự định của mình từ nhỏ sẽ giúp con có một tương lai tốt nhất, không còn tình trạng “đứng giữa ngã ba đường” như nhiều bạn trẻ mắc phải thời nay.
Vì chống đối không được, đã vậy mẹ lại dọa tự tử nên Mạnh không còn cách nào khác, đành phải thi vào đại học y theo ý nguyện của bố mẹ. Sau khi đỗ và vào học một thời gian ngắn, cháu mới càng thấy mình như đang ngồi nhầm lớp.
Mặc dù cháu rất hoạt bát, yêu thích làm kinh tế nhưng đều bị chị cấm đoán và kiểm soát gắt gao. Cháu âm thầm vay mượn tiền để gom góp với bạn cùng bán hàng qua mạng. Biết được điều đó, chị tôi như ngồi trên đống lửa, yêu cầu con thôi ngay ý định làm kinh tế viển vông, chú tâm vào học để mai sau trở thành bác sĩ.
Nhưng bác sĩ trong suy nghĩ của Mạnh là một khái niệm xa vời. Cháu thấy lạc lõng với những buổi ngồi trên giảng đường. Song vì không thể trái lời mẹ nên cháu đành học cho xong nghĩa vụ. Thế nên sau khi tốt nghiệp đại học, chẳng biết sẽ phải làm gì với tấm bằng trong tay, Mạnh quyết định thi lại kinh tế để được sống theo sở trường và lý tưởng của mình.
Mới đây, anh chị tôi rất sốc khi cháu Mạnh nói: “Năm nay con sẽ thi vào khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế quốc dân. Xin bố mẹ hãy ủng hộ con, cho con được sống thật với con người mình”.
Nghe vậy, chị tôi nhảy dựng lên: “Mày giết bố mẹ đi còn hơn, mày điên thật rồi con ơi. Sao cái số tôi lại khổ thế này. Bố mẹ còn sống sờ sờ đây thì mày đừng hòng thi kinh tế...”.
Cháu Mạnh điềm tĩnh: “Con trả lại tấm bằng cho bố mẹ đấy. Bác sĩ là tâm huyết của bố chứ không phải của con. Từ giờ con sẽ sống theo những gì con thích, mong bố mẹ đừng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của con nữa. Tương lai của con, xin hãy để cho con tự quyết định, sướng khổ con chịu. Bố mẹ hãy một lần tôn trọng sự lựa chọn của con...”.
Chị kể mà nước mắt giàn giụa. Chị bảo đã thấy ân hận khi áp đặt con theo ý mình: “Cứ nhìn thằng Mạnh nhà chị mà khổ, học xong mấy năm đại học lại đổ đốn đòi đổi nghề đi học nghề khác, tự nhiên lại chậm và đi sau so với bạn bè tới mấy năm”.
Con gái tôi năm nay cũng chuẩn bị bước vào lớp 12, soi vào bài học của chị gái, tôi thấy mình không nên dại dột “gò” con theo mong muốn của mình nữa. Bởi bấy lâu nay tôi vẫn muốn con trở thành hướng dẫn viên du lịch trong khi con lại thích trở thành kiến trúc sư...
NGUYỄN THỊ PHINH (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

No comments:

Post a Comment