Minh Văn
Chế độ độc tài thì không có dân chủ, vì thế mà mọi vấn đề đất nước đều tuân theo quyết định chủ quan của nhà nước. Rồi dẫn đến việc cung và cầu không bao giờ gặp nhau. “Cung” ở đây là các quyết sách do chính phủ ban hành, còn “cầu” chính là ý nguyện của nhân dân.
Vì không có các cơ cấu dân chủ hoạt động, nên không có tự do bàn bạc. Chuyện tham nhũng và lãng phí xẩy ra là điều hiển nhiên rồi. Ngay cả việc sử dụng tiền thuế của người dân làm sao cho hiệu quả và hợp lý cũng không có nốt. Lợi dụng điều này, những kẻ cầm quyền đưa ra các chủ trương và quyết định có lợi cho cá nhân và phe nhóm, trong khi lợi ích của nhân dân thì không hề được đếm xỉa đến. Từ đó mà dẫn đến sự lãng phí và sai mục đích nghiêm trọng. Ví như khi đất nước đang gặp khó khăn, lẽ ra nên dùng tiền để cứu trợ cho dân và giải quyết việc làm thì họ lại cho xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng hay trụ sở làm việc nguy nga. Hoặc nhà nước cho triển khai những dự án to lớn, rồi lại bỏ hoang cho cỏ mọc mà không sử dụng. Trong khi đó biết bao người dân lao động thì không có chỗ ở. Những dự án mà có thể hoạt động thì cũng không mang lại hiệu quả và lợi ích tối ưu. Ấy là chưa kể những dự án lẽ ra phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn thì người ta lại sử dụng cho dài hạn, và ngược lại.
Tài nguyên đất nước vì vậy mà bị phí phạm nghiêm trọng. Tài nguyên đất nước có thể được chia làm hai loại chính: Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người.
Về tài nguyên thiên nhiên: Bị khai thác bừa bãi và bán cho nước ngoài với giá rẻ mạt. Ví dụ: Tài nguyên có giá trị 1 đồng, nhưng nếu biết sử dụng hợp lý thì có thể thu về cho đất nước 1000 đồng. Nhưng họ lại chỉ bán lấy nửa đồng rồi đút túi, và cho rằng như vậy là thiên hạ đệ nhất cao kiến. Những lợi ích từ việc khai thác tài nguyên cũng ít được sử dụng cho việc xây dựng và phát triển đất nước.
Về tài nguyên con người: Đó là sự lãng phí tài năng. Con người không được sử dụng đúng năng lực. Lâu nay trong xã hội Việt Nam người dân vẫn truyền miệng câu “Thứ nhất con ông cháu cha, thứ hai tiền bạc, thứ ba nhân tài” để chỉ việc tuyển dụng vị trí làm việc. Những người tài được sử dụng rất ít, nếu có được sử dụng cũng không thể phát huy năng lực, vì họ không thể hoà nhập được với cái bộ máy nhà nước tham nhũng và hành hạ người dân đó. Và rồi họ cũng chỉ có thể tồn tại một cách thoi thóp, cơ chế xin cho và mệnh lệnh hành chính đã giết chết tư duy sáng tạo nơi con người. Từ đó mà dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám, những người tài đành phải bỏ nước ra đi hoặc vào làm việc cho các công ty nước ngoài. Đó là sự lãng phí rất lớn, một tội ác đối với đất nước.
Trong bối cảnh xã hội dân chủ, thì người ta dù làm việc ở vị trí nào cũng đều có thể phục vụ tốt cho xã hội, không nhất thiết là nhà nước hay tư nhân, tổ chức hay độc lập. Điều quan trọng là mỗi cá nhân luôn phát huy được tốt nhất năng lực bản thân. Đãi ngộ mà họ được hưởng bao giờ cũng xứng đáng với năng lực làm việc. Trong khi đó, hệ thống pháp luật dân chủ luôn bảo hộ cho quyền sở hữu trí tuệ của con người.
Nói vậy là để thấy được cái sự lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên con người ở xã hội ta, một đất nước còn tồn tại chế độ độc tài Cộng Sản.
Khi mà người ta sử dụng bất hợp lý nguồn lực đất nước, thì cũng giống như chuyện ngứa một đàng gãi một nẻo vậy. Ví như cô gái nọ đang ngứa ở háng, cứ nhảy lò cò lên hết cả, vậy mà anh chàng người yêu không biết, lại cứ nhắm vào chỗ cánh tay mà gãi đến độ tóe máu.
Quyền lực nằm hết cả trong tay nhà nước độc tài, từ đó mà dẫn đến việc họ nghĩ ra những chuyện trời ơi đất hỡi để mà bòn rút tiền của nhân dân.
Những đất nước càng dân chủ phát triển, thì họ luôn có một bộ máy nhà nước cấu tạo khoa học để phục vụ con người. Đồng tiền của người dân luôn được sử dụng đúng mục đích và thời điểm. Do đó mà mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, lại còn ít bị thất thoát nữa. Kết quả là nền kinh tế của họ phát triển một cách nhanh chóng và lành mạnh.
Còn như cái anh nhà nước Việt Nam ta hiện giờ thì lại khác. Lúc đang vụ thu hoạch lúa, cần buôn Vịt để cho nó nhặt thóc rơi vãi thì lại đi buôn Bò kéo xe. Thành ra vừa lãng phí, vừa gây nên nhiều bất công xã hội.
Nguon:HNSG2015
No comments:
Post a Comment