Khi ấy bố mẹ mỗi người một nơi, người ở Đồng Tâm- Mỹ Tho, người ở Saigon. Trong 5 năm sau đám cưới, 1970-1975, bố mẹ ở cạnh nhau chẳng được bao nhiêu. Sát 30 Tháng 4, trong bệnh viện nơi mẹ làm việc vắng dần bạn hữu. Bà nha sĩ cùng phòng hỏi mẹ di tản thế nào. Bố con thì ở xa, điện thoại khó liên lạc vì đơn vị Bố luôn thay đổi chỗ, để theo lệnh hành quân. Sự hoang mang lên đến cùng cực, với tiếng trực thăng đêm ngày bay trên bầu trời, như thúc giục, như đe doạ một việc gì sắp xảy ra.
Rồi 30 Tháng 4 năm 1975 ấy, lịch sử sang một trang mới. Nói đến bao giờ cho hết những tang thương, những thay đổi. Cho đến nỗi, có người đã viết - mỗi người trong chúng ta lúc bấy giờ, đều có riêng một ngày 30 Tháng 4.
Chỉ 39 năm, gia đình ta đã trải qua bao dâu bể của cuộc đời. Bồng bế các con qua tái định cư ở Hoa Kỳ, với sự khác biệt quá xa của hai xã hội, ngôn ngữ, cách sống và muôn vàn khó khăn khác, cả nhà mình đã cố gắng biết bao để có được ngày hôm nay.
Các con qua Mỹ lúc còn quá nhỏ, 6 và 4 tuổi, thì làm sao biết được và có được một ngày 30 Tháng 4 của riêng mình. Có chăng là các con tìm qua sách vở, qua Internet.
***
Đến ít lâu trước ngày 30 Tháng 4, 2010, nhân kỷ niệm 35 năm ngày Sài Gòn sụp đổ, Hàng không mẫu hạm USS Midway mang số 41 (Aircraft Carrier 41) dành một ngày đúng vào 30 Tháng 4 cho người Việt Nam lên tàu để làm lễ tưởng niệm 35 năm tàu này trong chiến dịch mang tên “Operation Frequent Wind” đã chuyên chở hàng trăm người Việt Nam trốn chạy khỏi Sài Gòn. Ngày đó có một sự việc xảy ra thình lình không nằm trong công việc của tầu được giao phó, đó là một chiếc Cessna do một sĩ quan không quân Việt Nam Cộng Hoà chở theo vợ và 5 đứa con trốn chạy từ Việt Nam bay ra Thái Bình Dương, muốn đáp xuống tầu Midway này. Thật nguy hiểm để đáp, thế mà người phi công Việt Nam này đã liều thân, và may thay, đáp xuống an toàn. Một chi tiết đó thôi, đã biết bằng cách nào họ cũng liều để vượt thoát.
Chiếc Cessna này được lưu giữ trong tầu, họ còn làm những hình nộm gia đình vị sĩ quan không quan ấy gồm 2 vợ chồng và 5 con cho chúng ta thưởng lãm.
Sáng 30 Tháng 4, 2010, hai con và bố mẹ cùng nhau xuống San Diego từ sáng sớm, cạnh biển, chiếc Hàng không mẫu hạm Midway 41 to lớn choán một phần đẹp nhất của bãi biển xinh đẹp San Diego. Cờ Hoa Kỳ và cờ vàng ba sọc đỏ treo kín một bên thân tầu, ngạo nghễ và tươi thắm dưới bầu trời xanh màu ngọc. Người Việt ta kéo đến, xếp hàng lên tầu, nét mặt chút trầm tư như đang trở về dĩ vãng, nghĩ đến ngày này, năm ấy, mình đang ở đâu, làm gì.
Trong cái ngày cuối cùng của chế độ, lòng như lửa đốt, sân bay Tân Sơn Nhất im vắng, mọi ngã đường đổ về bến Bạch Đằng, ghe nhỏ chòng chành vật vã đẩy người cố leo lên, văng xuống sông, lúc đó trên những khuôn mặt thất thần, nhìn đâu cũng là đường cùng, quanh đây là giây kẽm gai, những người lính cầm súng sẵn sàng nhả đạn. Chỉ một đường giây kẽm gai kia, một bên là Tự Do, một bên là Tử Thần chờ đợi.
Sợ quá, tắm máu, xử tử, bỏ tù. Chỉ còn một đường là tìm cách thoát thân. Trên đường về nhà, cảnh hôi của, người thoát khỏi nhà tù, hỗn loạn, nguy hiểm vô cùng. Ông bà ngoại đóng cửa ở trong nhà, có đi đâu cũng dùng cửa sau, bà hàng xóm đập cửa sau, rủ cả nhà ra kho 11 vì có tầu đón. Ai nấy như người tê liệt, đông cứng, không biết làm gì, chẳng đói, không khát, chỉ nhìn nhau, và một ngày trôi qua.
Bây giờ nhà mình đang ở San Diego, Hoa Kỳ, bức tượng người lính Hải Quân ôm hôn một cô gái không quen, như một bày tỏ mừng vui khôn xiết khi chiến tranh kết thúc, đứng từ xa đã thấy, như một biểu tượng của nền hòa bình vừa lập lại.
Nhìn qua Hàng không mẫu hạm Midway, cờ tung bay trong gió lành, chiến tranh đã xa.
Chúng ta đi thăm tàu, tàu thật lớn, có những góc lịch sử, được giữ lại như một viện bảo tàng. Trên boong tầu, ghế ngồi được xếp ngay ngắn nhìn vào một khán đài, chờ buổi lễ vào giữa trưa, có phải họ cũng chờ những giây phút sau lời đầu hàng, chấm dứt một cuộc đời của một quốc gia 30 Tháng 4 của 35 năm trước?
Người Việt ta ở đâu đến đông thế, ai nấy đều có chút màu đen trên áo, cái “nơ” đen được phát như để tang cho đất nước thân yêu đã không còn tên trên bản đồ thế giới, chỉ còn đây cờ vàng cạnh cờ Hoa Kỳ, nhắc các con nhớ lại những gì cha ông ta đã anh dũng chiến đấu, đã buồn bã chia tay với quê nhà.
Các con thấy không, các bác đã lặng người với quốc kỳ, quốc ca, có mặt ở nơi đây, đông đủ, nhắc cho các con biết là mình đều có một ngày 30 tháng 4, cho dù hai con chưa ra đời năm 1975. Bố Mẹ và các con đến đây, dự ngày 35 năm mất nước, các con cũng có một ngày 30 tháng 4 đấy, tinh thần ấy, sẽ được nối tiếp hàng năm, đó là tinh thần yêu nước.
Chúng ta ra về, cùng đoàn người tay cầm nhiều lá cờ vàng nhỏ, nắng vẫn chan hoà, cảnh cảng San Diego, chiếc cầu Coronado cong cong, thật yên bình. Nhìn xuống cái “nơ” đen, mắt nhòa giòng lệ.
Và các con à, bố mẹ đã cho các con một ngày 30 tháng 4.
04-28-2014 4:32:09 PM
Bài và hình: Phạm Ngọc Lộ - Nguyễn Ngọc Dung
No comments:
Post a Comment