(Tin tức thời sự) - Trong khi ngành y tế đang nỗ lực khống chế dịch sởi thì mới đây Bộ Y tế cho biết có nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng.
Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, thông thường dịch tay chân miệng tăng vào hai thời điểm tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11 trong năm.
Hình ảnh bọng nước xuất hiện ở bệnh nhân tay chân miệng. |
Thời gian qua, dù số mắc chung toàn quốc giảm 20% so với cùng kỳ 2013 (với trên 17.000 ca mắc), nhưng tại TP.HCM số mắc tay chân miệng đã tăng 28,9% với gần 2.700 ca mắc, Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 1.100 ca mắc, tăng 34,4% so với cùng kỳ...
Ông Phu cũng cho biết dịch tay chân miệng có chu kỳ năm tăng năm giảm, năm 2013 vừa qua là năm giảm và có thể bùng phát vào 2014 này. Tại các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc..., số mắc tay chân miệng đã gia tăng trong thời gian qua.
Trước tình hình này, ông Phu cho biết cần giám sát phát hiện sớm ca mắc mới và khoanh vùng ổ dịch, triệt để thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh các bề mặt bàn ghế, nền nhà, dụng cụ gia đình, đồ chơi... để phòng bệnh.
Hiện chưa có văcxin và chưa có thuốc đặc trị điều trị tay chân miệng, nên các gia đình cần tuân thủ khuyến cáo này để phòng bệnh. Trong trường học có trẻ mắc tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo nhà trường cho trẻ nghỉ học và cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh để ngăn ngừa lây lan.
Bên cạnh nguy cơ dịch tay chân miệng, theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh thủy đậu cũng đang gia tăng tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương… PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, bệnh nhân bị thủy đậu cũng xuất hiện rải rác. Hiện thời tiết với độ ẩm vẫn còn khá cao, đây là điều kiện cho virus phát triển mạnh.
Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng cho biết số ca mắc bệnh thủy đậu và tay chân miệng trên toàn tỉnh thống kê đến hết tháng 3-2014 tăng cao so với tháng 2 và cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, có 299 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 87 ca so với tháng 2 và 93 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng có 183 ca mắc, cao hơn tháng 2 là 77 ca và so với thời điểm này năm ngoái hơn 23 ca.
Dịch sởi vẫn chưa qua
Trong khi nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao thì ngành y tế vẫn đang loay đối phó với dịch sởi.
Các ngành Y tế, của các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực khống chế dịch, tình hình dịch sởi có xu hướng giảm, song vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, số người mắc sởi còn lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay dịch sởi đã và đang xảy ra tại 61/63 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 23/4, cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Số trường hợp mắc chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Nam, riêng Hà Nội chiếm 37% số ca mắc được ghi nhận.
Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014. Tại mỗi bệnh viện, số bệnh nhân mắc sởi nhập viện giảm từ trên 30 trường hợp/ngày xuống còn 5-10 trường hợp.
Đến nay, cả nước đã có tới 119 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi, trường hợp tử vong do sởi chủ yếu tại Hà Nội với 54 trường hợp. Nguyên nhân tử vong do bị mắc sởi trên bệnh lý nền như: suy tim, nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh, bại não, bạch cầu thấp…Hầu hết các ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi.
Thùy Vân (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment