(PLO) - "Nếu việc “ăn vé” của phụ xe mà bị Thanh tra phát hiện hoặc bị “cài bẫy” hay hành khách gọi đến đường dây nóng phản ánh thì chỉ còn nước nghỉ việc nhưng biết cách “chạy án” thì cũng có thể “thoát án” được", một phụ xe chia sẻ.
Không “ăn vé” không đủ sống.
Sau cuộc nhậu “tới tầm” cùng cánh lái xe và phụ xe buýt, phóng viên được nghe đủ các câu chuyện “thượng vàng hạ cám” trong nghề lái xe buýt cũng như nghề bán vé. Để biết được “thâm cung bí sử” của việc “ăn vé”, phóng viên gợi ý khéo hỏi mấy anh em bán vé. Cánh phụ xe có vẻ chần chừ, không muốn nói. Được sự “cổ vũ” của anh bạn lái xe buýt “có uy tín” nói phóng viên chỉ là đứa em mới vào bán vé ở một tuyến khác, như được “bảo lãnh” chỗ tin tưởng, một số anh em bán vé đỡ “ngại” và “trút bầu tâm sự”.
N, một nhân viên bán vé tuyến NTL - SS, cho biết “Hiện tại nếu đi đủ ngày công, cộng các tiền nọ tiền kia thì mức lương của mình cũng chỉ được gần 3 triệu đồng một tháng, với điều kiện không vi phạm hay “dính lỗi” gì. Với mức lương như vậy, anh bảo nuôi mình không xong huống chi còn vợ con, công kia việc nọ. Nếu một tháng mà “dính” một lỗi thôi thì lương cũng chỉ gần 2 triệu. Việc thu tiền không xé vé, biết là vi phạm nhưng cũng phải “thỉnh thoảng” để phần nào phụ thêm đồng lương thì mới đủ sống.”
H, nhân viên bán vé tuyến CG - NB, có vẻ bức xúc ngắt lời N, cho biết thêm: “Tình trạng chung của cánh phụ xe buýt thôi anh ạ, không làm thế không được, hiếm có phụ xe nào bảo là chưa từng “ăn vé”. Nhưng anh bảo một ngày một ca chúng em chạy 6 – 10 lượt, tùy theo tuyến dài hay tuyến ngắn, mỗi lượt được gần 9.000 nghìn đồng. Hết ca, lái xe được nghỉ nhưng phụ xe thì không được nghỉ, mà bị “vá” sang ca khác mà đi làm thì mới đủ công.”.
Theo H, để được như vậy là phải có “quan hệ” và “lo lót” tốt thì hết ca này, sẽ được “vá” vào ca sau. Còn không, hết ca thì không được “vá” sang ca khác, nghỉ đợi đến khi nào tuyến trưởng sắp xếp thì lại đi. Những trường hợp như vậy, một tháng cũng chỉ được 15 – 20 công, không thể đủ sống được. Vậy với mức lương như thế, không “ăn vé” lấy tiền đâu mà trang trải cuộc sống, đi “quan hệ” hoặc “lo lót” mỗi khi “dính lỗi”.
Theo cánh phụ xe cho biết, việc vào làm nhân viên phụ xe cũng không phải dễ. Nếu vào đúng đợt tuyển thì cũng phải mất “ít tiền”, còn không đúng đợt tuyển mà chạy ngang vào thì chi phí cũng vào khoảng trên 20 triệu, thậm chí còn hơn nữa, chưa kể các chi phí khác. Đấy là việc “đầu vào”, khi vào được rồi thì cũng phải mất thêm ít “chi phí” để được chạy ngay, nếu không thì cứ chờ…để sắp xếp ca chạy.
Nếu không trông vào “cửa ăn vé” để mà sống thì chẳng ai muốn vào làm với mức lương thấp và vất vả như vậy. Bởi vậy mà rất nhiều người muốn vào làm nhân viên phụ xe buýt, các xí nghiệp cũng liên tục tuyển nhân viên phụ xe và số lượng nhân viên bị đuổi việc cũng không ít. P, một nhân viên phụ xe tuyến YP - ML cho biết thêm.
Cũng phải đóng “phế”, nuôi “tài”.
Không dễ để “ăn vé” mà không ai biết nên phụ xe nào“tham” rất dễ bị phát hiện và bị đuổi việc. Chính vì vậy, như một thứ "luật bất thành văn", việc “ăn vé” thường được “ăn chia” thỏa đáng giữa phụ xe, lái xe và tuyến trưởng…
T, một phụ xe đã từng đi phụ xe rất nhiều tuyến khác nhau cho hay: “ Việc “ăn chia” tiền “lậu vé” với lái xe được quy định “ngầm” thành hai loại. Vì các tuyến xe buýt chạy “lốt” dài ngắn khác nhau nên việc “ăn chia” cũng khác nhau. Nếu chạy tuyến ngắn thì tiền “lậu vé” mà phụ xe “ăn” được thì phụ xe phải “nuôi” lái xe một bữa cơm cùng với tiền thuốc nước hàng ngày của hai người. Thỉnh thoảng “nạp” cho lái xe cái thẻ điện thoại vài trăm nghìn.
Còn chạy tuyến có chặng đường dài, đặc biệt là các tuyến liên tỉnh, hoặc các tuyến chạy từ Hà Nội tới các huyện của Hà Tây cũ thì việc ăn chia rõ ràng hơn. Bởi các tuyến đường dài này, ngoài học sinh, sinh viên ra thì thường là bà con đi chợ, đi chơi, đi thăm thân… rất nhiều, mà ở các khu vực này bà con dân trí còn thấp, đi xe buýt thường là xé vé ngày. Chính vì thế mà việc “ăn vé” được nhiều hơn các tuyến khác, nên ngoài việc tiền “nuôi” cơm, thuốc nước cho lái xe, phụ xe còn phải “chia” cho lái xe 1- 2 triệu đồng/tháng.”.
Nếu việc “ăn vé” của phụ xe mà bị Thanh tra phát hiện hoặc bị “cài bẫy” hay hành khách gọi đến đường dây nóng phản ánh thì chỉ còn nước nghỉ việc nhưng biết cách “chạy án” thì cũng có thể “thoát án” được. Không biết “chạy án” thì bị đuổi việc, nếu là người nhà “sếp” hoặc có “quan hệ” với ai đó hay biết “cửa chạy” thì chỉ bị kỷ luật, cho đi làm vệ sinh và cắt tiền thưởng nọ thưởng kia.. xong lại được đi làm. Để được như vậy phụ xe cũng phải mất..vài triệu cho đến hàng chục triệu, tùy theo mức “quan hệ”.
Theo H, ngoài việc “ăn chia” cùng lái xe thì cũng phải “làm luật” cho tuyến trưởng. Bởi tuyến trưởng là người điều hành, sắp xếp lịch chạy ca cho lái xe và phụ xe, nên phụ xe muốn được đi làm nhiều, “lốt” ngon thì phải “được lòng” tuyến trưởng bằng “quà cáp”. Việc “ăn vé” nhiều hay ít, nhưng phụ xe vẫn phải có “ít nhiều” cho tuyến trưởng, tuyến chạy ngắn thì tiền “nước thuốc” hay cái thẻ điện thoại một vài trăm, nhưng tuyến dài thì hàng tháng cũng phải “đóng phế” cho tuyến trưởng vài trăm cho đến 1 triệu, tùy theo tuyến.
Anh bạn phụ xe ngồi cạnh cùng H cũng thở dài, than vãn: “Việc “ăn vé” cũng như đi câu, lượt chạy nào khách đi vé ngày còn “kiếm” được chút ít, có lượt thì toàn vé tháng. Số đen, gặp phải Thanh tra hay “dính bẫy”, coi như cả tháng làm công không.”
29/04/2014 - 08:07
No comments:
Post a Comment