Phố hoa Hà Nội Tết 2009 bầm dập vì người dân chen nhau chụp ảnh, bẻ trộm hoa.-File photo
Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang có tác động lớn đến sự tiếp nhận thông tin của người dân hiện nay. Cùng với việc tiếp nhận thông tin ngày càng lớn về số lượng, cũng như chủng loại tin tức, nếu quá tải phần nào đó cũng sẽ tạo nên sức ép về tâm lý của người đọc đặc biệt là trong các trường hợp quá nhiều thông tin về một vấn đề xã hội mà nó có liên quan đến bản thân mình. Người Việt xấu xí là một trong các chủ đề có tính chất như thế.
"Bị cấm cửa, mới giật mình!"
Hôm nay vừa đọc bài "Bị cấm cửa, mới giật mình!" trên báo Doanh nhân Sài gòn trong đó bài báo cho biết: một nữ doanh nhân vừa trở về từ hội chợ quốc tế tổ chức ở Hồng Kông, điều chị ấy chia sẻ là cảm giác xấu hổ. Nữ doanh nhân này cho biết chị đã bỏ ra 500 đô la Hồng Kông mua vé vào tham quan, với cái phù hiệu ghi rõ người Việt Nam trên ngực, bỗng nhiên chị bị chặn lại ở cửa vào gian hàng của một công ty kỹ thuật của Đức, trong khi thành viên của đoàn là người Nhật thì vào tham quan thoải mái. Nhân viên của công ty này thẳng thừng thông báo không tiếp đón người Việt. Sau trao đổi, một bạn Nhật cùng đoàn đưa cho chị cái phù hiệu ghi là người Nhật để chị có thể vào xem các sản phẩm quan tâm. Chị định gặp ban tổ chức hội chợ để làm cho ra lẽ chuyện phân biệt, nhưng đã phải ngừng ý định khi người của gian hàng nói rằng, họ không hoan nghênh người Việt bởi vì đã xảy ra nhiều chuyện phức tạp, trong đó có chuyện "ăn cắp".
Thực ra đây là vấn nạn đã có từ lâu chứ không phải là gần đây mà những người Việt Nam ở nước ngoài thường gặp phải, có lẽ sau một thời gian dài ủ bệnh những thói xấu của người Việt đã đến lúc ngày càng bộc lộ đậm nét hơn với phạm vi rộng hơn. Nghĩa là không còn dừng lại ở các thói xấu của một số không ít những bộ phận người trong nước như chuyện chen lấn xô đẩy để tranh giành các sản phẩm khuyến mại, hôi của từ các phương tiện giao thông bị tai nạn hay chuyện vứt rác bừa bãi, nhổ bậy... Mà gần đây có người còn cho rằng các văn hóa "Người Việt xấu xí" vô tình đã được xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Mà bằng chứng gần đây nhất là các bảng thông báo bằng tiếng Việt nhằm cảnh báo các hành động trộm cắp, lãng phí (do tham lam)... được dán công khai ở các trung tâm thương mại ở Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan... và thậm chí cả ở Lào, một quốc gia được coi là chậm phát triển hơn Việt Nam. Không chỉ thế, hiện tượng các phi công hay tiếp viên của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị cảnh sát nước sở tại bắt giữ do buôn lậu hoặc tiêu thụ hàng ăn cắp hay các thông tin về các quan chức của Bộ Giao thông Vận tải nhận tiền hối lộ của nhà thầu Nhật Bản... Đáng chú ý là hầu như không có ngày nào các tin tức thuộc loại này lại không có tràn lan trên báo chí hay mạng internet.
Thực ra xuất khẩu văn hóa là một chiến lược của nhiều quốc gia đã áp dụng, xuất khẩu văn hóa là một khái niệm nằm trong “sức mạnh mềm” có từ những năm 199x. Trong đó “Sức mạnh mềm” là thuật ngữ nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sẽ sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia khác. Bởi người ta cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, và khi đó các quốc gia sẽ phân chia và quy tụ với nhau theo nhóm phân chia dựa trên văn hóa và tôn giáo chứ không còn phân chia theo ý thức hệ như cách cũ. Và sự phát triển của kinh tế của một quốc gia sẽ gắn chặt với sự lan tỏa của nền văn hóa đó đến với các quốc gia khác. Bởi như nhà văn André Malraux đã từng nói rằng: "Văn hóa là những gì còn lại, khi tất cả những thứ khác đã mất đi!".
Hàn Quốc là một ví dụ điển hình trong sự thành công này.
Sự thành công trong vấn đề xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc không phải chỉ do các trào lưu như K-pop, phim điện ảnh, phim truyền hình..., mà còn do sự hình thành và phát triển âm thầm của các cộng đồng người Hàn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thông qua các đồng người Hàn tưởng chừng như nhỏ bé này thì các truyền thống văn hóa tốt đẹp, đầy ấn tượng về mọi mặt của người Hàn Quốc được quảng bá để tạo cơ sở cho lòng tin đối với các sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc. Có lẽ chính vì thế nên Hàn Quốc, vào những năm 1960, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp (khoảng 87 USD /năm) và cái tên Hàn Quốc cũng không được thế giới biết đến nhiều lắm. Nhưng với những chính sách phát triển đúng đắn, Hàn Quốc ngày nay đã được cả thế giới biết đến là một trong 10 cường quốc kinh tế trên thế giới với GDP năm 2011 lên tới 832,5 tỉ USD với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ là 30.000 USD (hơn Việt Nam khoảng 20 lần) với nhiều sản phẩm công nghiệp nổi tiếng như Samsung, LG, Hyundai... có mặt ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, khu vực trên thế giới.
"Quảng bá" thói xấu
Ngược lại cái gọi là "xuất khẩu văn hóa" của người Việt là một hành vi tự phát của các cá nhân nay đã trở thành một câu chuyện đáng buồn, vì những thứ người Việt mình đang "quảng bá" ở nước ngoài lại là những thói xấu, thậm chí là kệch cỡm không phù hợp với một xã hội văn minh và có kỷ cương. Và điều đáng buồn là một số không nhỏ trong số những người ấy lại là viên chức nhà nước kể cả những người có chức vụ.
Trở lại những thói xấu của người Việt cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong số đó đa số ý kiến đổ lỗi cho giáo dục. Những người ủng hộ quan điểm này đưa ra nhiều ý kiến đại loại cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện tại, về cơ bản, là khác thường nghĩa là học để trở thành công cụ, điều đó trái với bản tính của con người, xu thế lịch sử và bản chất của vấn đề giáo dục. Theo họ hệ thống giáo dục hiện nay với những cơ sở nền tảng, nguyên tắc, triết lý và mục tiêu giáo dục vốn có là không phù hợp, vì với hệ thống giáo dục hiện nay nó chỉ có thể sản sinh những sản phẩm giáo dục không thích hợp và đã gây nên thực trạng xuống cấp về mặt đạo đức và nhân cách của con người. Để bảo vệ quan điểm cho rằng tình trạng này xuất phát từ vấn đề là mọi cái đều do nền giáo dục sinh ra, họ dẫn chứng ví dụ như ở Miền Nam hồi trước năm 1975, nền giáo dục Miền Nam đào tạo con người rất là đàng hoàng. Còn bây giờ, cái nền giáo dục này sao nó lọan quá, những sản phẩm giáo dục thật đáng thất vọng...
Việc đánh giá một vấn đề xã hội không phải là một vấn đề đơn giản vì những vấn đề xã hội thường có mối quan hệ hữu cơ với các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... của một quốc gia. Cũng như thế, để đánh giá vấn đề "người Việt xấu xí" hiện nay cũng vậy, phải hiểu nó là hệ quả của nhiều vấn đề khác nhau. Do vậy nếu đổ lỗi hoàn toàn cho hệ thống giáo dục hiện tại đã đủ và chính xác hay chưa? Quan trọng là ở chỗ chúng ta không thể dùng cảm tính và sự mặc cảm để đánh giá, cho dù đây là vấn đề tương đối trầm trọng và cần thiết phải tìm ra nguyên nhân để làm cơ sở cho các giải pháp để khắc phục.
Nói về nguyên nhân khách quan thì cũng cần phải phải thừa nhận hoàn cảnh xã hội hiện tại khác với hoàn cảnh xã hội trước năm 1975 ở Miền Nam và càng khác xa với hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc. Các tác động từ thế giới bên ngoài tạo ảnh hưởng đến tư cách đạo đức của con người thời đó cũng chỉ ở mức một hạn chế, một phần cũng do vấn đề thông tin ít và chậm. Phải thừa nhận vấn đề "Người Việt xấu xí" cũng là một phần hệ quả của sự tác động của vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập. Song một nguyên nhân chính mang tính chủ quan ở đây xin nói đến có lẽ là sự thiếu lòng tự trọng của mỗi con người và trong đó sự làm gương của các người lãnh đạo nhà nước cũng có phần ảnh hưởng lớn, khi họ là những người của công chúng.
Mới đây, theo tin của TTXVN cho biết, trao đổi với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước phiên khai mạc Hội nghị An ninh hạt nhân tại La Haye - Hà Lan ngày 24.3.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường là một ví dụ. Qua đó cho thấy hiện tượng "Người Việt xấu xí" hoàn toàn không hẳn là hệ quả của vấn đề giáo dục và ở Miền Nam trước năm 1975, nền giáo dục Miền Nam đào tạo ra những con người rất là đàng hoàng như một số người nghĩ. (!?)
Những ai có chút hiểu biết về chính trị cũng biết, Hiến pháp là văn bản luật pháp và chính trị cao nhất của một quốc gia. Ở Việt Nam cũng thế, tại Hiến pháp1992 Sửa đổi năm 2013, Điều 51 - Khoản 1. đã ghi rõ: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." là điều bất di bất dịch không ai có thể đảo ngược được. Trừ trường hợp Quốc hội Việt Nam có nghị quyết Sửa đổi Hiến pháp một lần nữa. Điều này thì hầu như ai cũng biết rõ và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lại càng rõ hơn. Là một người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn biết rõ và phân biệt được rạch ròi giữa hai khái niệm Kinh tế thị trường và Kinh tế thị trường Định hướng XHCN. Đó là hai khái niệm về cơ bản là hoàn toàn khác nhau, trong đó là vấn đề cốt lõi là vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế. Vậy mà vấn đề này lại được Thủ tướng của Việt Nam đặt vấn đề với Tổng thống Mỹ để hy vọng mong họ a-dua để chấp nhận một sự giả dối - trái với Hiến pháp. Thư hỏi khi làm việc đó họ có đặt câu hỏi rằng "Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ suy nghĩ gì về tư cách của ông Thủ tướng - người đặt vấn đề hay không?"
Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn những điều tưởng như bình thường, nhưng lại cực kỳ vô lý trong các hành động, lời nói của các vị lãnh đạo quốc gia vậy mà nó vẫn diễn ra một cách hết sức binh thường. Nếu nghiên cứu kỹ thể chế chính trị của Việt Nam thông qua các văn kiện chính trị và luật pháp thì thấy họ nói rất hay, nhưng trên thực tế áp dụng thì không phải như vậy. Hình như các văn kiện đó chỉ mang tính đánh lừa để tô vẽ cho chế độ mà hoàn toàn không có giá trị đối với người dân. Trong văn bản thì khẳng định là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhưng nếu kiểm điểm lại những gì họ đã làm thì sẽ biết trên thực tế nhà nước này đang là của ai, do ai và vì ai? Đây chính là nguyên nhân sâu xa và bao trùm nhất.
Thiết nghĩ nên hiểu đây là vấn đề nghiêm túc, cần phải rút kinh nghiệm. Vì điều đó có ảnh hưởng tới việc giáo dục nhân cách của mỗi công dân, là khởi nguồn của vấn nạn "Người Việt xấu xí".
Ngày 03 tháng 04 năm 2014
Kami
*Nội dung bài viết không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Đài Á châu Tự do.
No comments:
Post a Comment