Monday, March 24, 2014

Bauxite Tây Nguyên: Bộ Công thương cần công khai...



(Tin tức thời sự) - “Khi Bộ Công thương cho rằng tiêu chuẩn quá cao thì phải công bố công khai toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật họ đã phê duyệt cho nhà máy Tân Rai”.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã nói như vậy với Đất Việt liên quan đến hai dự án bauxite ở Tây Nguyên.
PV: Thưa ông Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kiến nghị xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Ông đánh giá như thế nào về kiến nghị này khi từ trước tới nay đã có quá nhiều ý kiến lo ngại về sự an toàn hồ chứa?
Ông Phạm Quang Tú: - Đối với vấn đề như hồ chứa bùn đỏ của dự án bauxite Tây Nguyên, đầu tiên cần có quan điểm thống nhất mức độ an toàn phải đặt ở mức cao nhất. Lý do là vì bùn đỏ là một hóa chất độc hại, nếu bị phát tán ra môi trường sẽ bị ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Bauxit Tây nguyên: Cứ lỗ mãi thì cho không còn hơn!
Đặc thù hồ bùn đỏ của Việt Nam được đặt ở Tây Nguyên, đầu nguồn các con sông, đặc biệt với hai dạ án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ là đầu nguồn của sông Đồng Nai và Sêrêpok. Nếu giả sử có sự cố gì xảy ra thì nó không chỉ ảnh hưởng vùng đó mà cả tới vùng rộng lớn hạ du là Đông Nam Bộ, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vùng rất quan trọng cả về dân sinh cũng như phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Hơn nữa, bùn đỏ là vấn đề từ trước đến nay xã hội quan tâm và lo lắng. Chính vì vậy việc xây dựng nó ở mức độ an toàn cao nhất là điều cần phải làm để bảo sự đồng thuận của xã hội.
Vậy trong trường hợp này tại sao chủ đầu tư là TKV và cơ quan chủ quản là Bộ Công thương trước đây đã xác định được mức độ an toàn và đưa ra tiêu chuẩn cao như vậy khiến dư luận xã hội rất yên tâm và hoan nghênh. Nay đặt lại vấn đề là mức an toàn quá cao và cần điều chỉnh lại?
Đề xuất này thể hiện phương pháp làm việc không thống nhất trước và sau giữa chủ đầu tư và cơ quan chủ quản.Tức là trước đây hồ này cũng do chủ đầu tư thiết kế và Bộ Công thương phê duyệt, sao nay lại nói là cao?.
Tôi cho rằng việc đặt an toàn ở mức độ cao nhất là cần phải làm và không nên giảm tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể ảnh hưởng về mặt tương lai. Bởi hiện nay trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, sự rủi ro môi trường, tai biến thiên tai ngày càng tăng.
Thêm nữa nếu giảm tiêu chuẩn xuống một lần nữa sẽ tạo ra sự lo lắng trở lại đối với xã hội về sự an toàn, bền vững của hồ chứa này.
Khi Bộ Công thương cho rằng tiêu chuẩn quá cao thì phải công bố công khai toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật họ đã phê duyệt cho nhà máy Tân Rai. Đồng thời cũng phải nói rõ tiêu chuẩn nào là cao quá để xã hội đóng góp ý kiến.
Còn phê duyệt thì nói làm thế này, đến khi thấy có vấn đề về tài chính thì lại đòi giảm thì không ai tin được. 
Ông Phạm Quang Tú cho rằng Bộ Công thương phải nói rõ tiêu chuẩn nào là cao quá để xã hội đóng góp ý kiến.
Ông Phạm Quang Tú cho rằng Bộ Công thương phải nói rõ tiêu chuẩn nào là cao quá để xã hội đóng góp ý kiến.
PV: - Không những thế Bộ Công thương còn xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Có ý kiến cho rằng dự án đang phạm chính tiêu chí ban đầu đó là góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Ông Phạm Quang Tú: - TKV muốn xin thuế VAT về bằng 0 vì cho rằng alumin chế biến sâu. Thực ra alumin chỉ mới trải qua một công đoạn gọi là chế biến không còn là quặng thô.
Để được xem là chế biến sâu hay nông thì phải trải qua một chuỗi giá trị của ngành nhôm. Ít nhất có 4 công đoạn (quặng thô, alumin, nhôm kim loại, sản phẩm sau nhôm kim loại…) thì chế biến alumin chỉ là công đoạn đầu tiên và so với chuỗi giá trị của ngành này thì chưa thể coi là chế biến sâu.
Do vậy nếu lập luận rằng như thế đã là chế biến sâu rồi, đóng góp nhiều cho xã hội rồi để không đóng thuế VAT nữa là không thỏa đáng. Đặt lại câu hỏi nếu không đóng thuế thì nhà nước, địa phương được hưởng lợi gì từ tài nguyên này.
Còn đóng thuế tài nguyên thì Việt Nam vẫn đang bị đánh giá là ăn vậm vào tài sản của tương lai. TKV còn xin giảm phí môi trường xuống giống như ngành than xuống mức 7%. Nhưng theo tôi không thể đánh đồng giữa bauxite và than được.
Để nói giảm hay tăng hay giảm cần phải có những nghiên cứu đánh giá khoa học về ảnh hưởng môi trường của khai thác bauxite so với than rồi mới đưa ra được con số.
Vậy Bộ Công thương đã dựa trên cơ sở nào để đưa ra đề xuất giảm thuế môi trường xuống bằng so với khai thác than?.
Còn với đất đai TKV đề xuất không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn. Riêng với phương pháp này cá nhân tôi đồng ý về mặt nguyên tắc. Lý do là vì một trong những điểm mà chúng ta lo lắng nhất từ trước tới nay đối với các dự án của Việt Nam khi được triển khai là thu hồi đất đai vĩnh viễn và người dân mất đất.
Tuy nhiên cái giá thuê được tính như thế nào? Nó phải được tính dựa trên cơ sở của 3 chi phí (đền bù hoa màu và các sản phẩm trên đất thuê tính đúng, đủ theo giá thị trường; rồi chi phí cơ hội trong thời gian thuê đất; công ăn việc làm…). Nhưng ở đây TKV lại giải trình là hỗ trợ sinh kế trong thời gian thuê đất là không thỏa đáng.
Phải khẳng định trong trường hợp này là chủ đầu tư phải đền bù chứ không phải hỗ trợ bởi dự án đang lấy đất của dân. Nếu nói hỗ trợ giống như đền bù tái định cư là chủ đầu tư nói kiểu ban ơn. Chính từ ‘hỗ trợ’ dễ tạo ra khoảng an toàn cho doanh nghiệp. Mà đã là hỗ trợ thì dân không có quyền đòi hỏi, dù 5 đồng hay 1 đồng cũng là hỗ trợ.
Thêm một vấn đề nữa là trả lại cho dân bằng đất nào? Khi trả lại phải ít nhất là loại đất có thể canh tác trước đây chứ không phải khi dân trao cho anh là đất thịt nạc còn khi trả lại thì là cục xương.
Do vậy cá nhân tôi cũng còn rất băn khoăn với cách thức triển khai khi chủ đầu tư khi đưa ra đề xuất này. Do vậy nếu có đồng ý thì chính quyền địa phương phải có những quy trình cam kết chặt với chủ đầu tư nếu không sẽ đẩy người dân vào thế khó.Cần cảnh giác nếu không đất trả lại sẽ không có khả năng canh tác.
PV:- Theo ông các cơ quan chức năng nên ứng xử như thế nào cho phù hợp với dự án này để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp? Ông có kiến nghị gì?
Ông Phạm Quang Tú: - Hiện nay nhà máy Tân Rai đã xây dựng xong đã đi vào vận hành ổn định và có sản phẩm xuất khẩu ra bên ngoài. Theo kết luận 245 của Bộ Chính trị từ tháng 4/2009 thì Tân Rai và Nhân Cơ là các nhà máy thí điểm.
Do vậy hiểu thí điểm là sau khi triển khai phải có đánh giá đúc rút kinh nghiệm. Nhìn lại thời gian ban hành kết luận của Bộ Chính trị đến nay cũng là 5 năm, công việc của Tân Rai đã xong thì đây là thời điểm cần đánh giá lại một cách nghiêm túc.
Hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chủ trì đánh giá hiệu quả, tôi mong muốn đoàn giám sát làm rõ thêm ngoài hiệu quả tài chính của dự án thì hiệu quả xã hội và môi trường mà chính quyền và người dân địa phương nhận được như thế nào. Cần đánh giá mở rộng thêm.
Một trong những phương pháp luận về kinh tế tôi tin là các nhà làm luật về kinh tế của Ủy ban kinh tế của Quốc hội biết rõ là phải nội địa hóa tất cả các chi phí ngoại biên bao gồm những ảnh hưởng về môi trường và xã hội vào trong bài toán hiệu quả.
Sau kết quả đánh giá rồi mới có đề nghị tiếp tục hay là dừng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)

No comments:

Post a Comment