Sunday, January 26, 2014

Nỗi lo tài nguyên đất nước bị bán rẻ

Sau khi Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) công bố tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt giấy phép khai khoáng của doanh nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc BQL các dự án Than Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - đánh giá tình trạng có thể còn nghiêm trọng hơn khi quy trình quản lý khai thác còn quá hời hợt.
TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH. Ảnh: Đất Việt
Trước đó, ngày 17/1 tại hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài nguyên - môi trường, ông Nguyễn Văn Thuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản cho biết, trong năm 2010, đã có 5.000 giấy phép khai khoáng được cấp cho khoảng 2.000 doanh nghiệp và có đến 60% doanh nghiệp đã bán giấy phép cho doanh nghiệp Trung Quốc. TS Nguyễn Thành Sơn nhận định, đây là hành vi vi phạm Luật Khoáng sản tuy nhiên, do các quy định chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản được soạn thảo từ những người không am hiểu thực tế,  tạo kẻ hở nên dễ dàng bị lợi dụng.
 
Phân tích kỹ hơn, ông Sơn cho biết, con số 60% giấy phép bị bán là rất khiêm tốn bởi nó là loại giấy được cấp không minh bạch cho những đối tượng không có năng lực về kinh tế cũng như chuyên môn, cho những đề án được vẽ ra cho đúng tiêu chuẩn của cơ quan chức năng. Sau đó, chủ giấy phép sẽ phải tìm cách “hoàn vốn” bằng con đường dễ nhất bán cho người ngoài, cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc vốn sẵn sàng làm chui để qua mặt chính quyền sở tại, trốn thuế, lách luật.
 
Hậu quả tất yếu là tài nguyên khoáng sản bị bán rẻ, bị khai thác một cách vơ vét tàn bạo, và môi trường bị xâm hại. Đây được coi là hệ quả của tư duy manh mún, bán tài nguyên để tăng GDP, không quan tâm đến quy luật cung cầu, chỉ bới lên để bán “lúa non” ra nước ngoài. Mặt khác, nó còn phản ánh sự bất lực trong quản lý vi mô đến nỗi, “con voi” khoáng sản cứ liên tục chui lọt qua rất nhiều “lỗ kim”  của thuế quan, biên phòng, cảng vụ, cảnh sát biển, cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, ông Sơn nói.
 

No comments:

Post a Comment