Việt Nam nhờ Nhật “bồi dưỡng” cho “lãnh đạo cấp chiến lược” có lẽ là thông tin đáng chú ý nhất về cuộc họp báo diễn ra sau khi ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, hội đàm với ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam, tại Tokyo, Nhật, hôm 6 Tháng Sáu.
Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe (phải) tiếp đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo ngày 6 Tháng Sáu. (Hình: Kim Kyung-Hoon/AP) |
Trước đây, việc “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” luôn do hệ thống các trường đảng tại Việt Nam đảm trách. Thỉnh thoảng, Việt Nam gom các viên chức lãnh đạo, kể cả lãnh đạo quân đội, công an thành đoàn, gửi cho Trung Quốc “bồi dưỡng.”
Bồi dưỡng các viên chức lãnh đạo, đặc biệt là “lãnh đạo cấp chiến lược” về quản lý giờ là một trong những thỏa thuận liên quan đến hợp tác Việt-Nhật và thuộc lĩnh vực “phát triển nguồn nhân lực.”
Tường thuật về cuộc họp báo vừa kể, báo chí Việt Nam và quốc tế chỉ chú trọng đến chuyện, trong năm tài khóa 2016, Nhật sẽ dành cho Việt Nam khoản vay ưu đãi để thực hiện các dự án phát triển (ODA) trị giá 100.3 tỷ yên, tương đương $912 triệu và yếu tố thỏa thuận vay đã được hai bên ký kết trong cùng ngày.
Việt Nam sẽ dùng khoản vay vừa kể thực hiện bốn dự án: (1) Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải. (2) Quản lý nước ở Bến Tre. (3) Cải tạo hệ thống thoát nước và giải quyết nước thải thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, giai đoạn 1. (4) Phát triển hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, giai đoạn 2.
Nếu đối chiếu thông tin về ODA mà ông Abe và ông Phúc công bố sau cuộc hội đàm, với thông tin về ODA mà ông Abe từng loan báo khi thăm Việt Nam hồi giữa Tháng Giêng năm nay thì khoản ODA mà Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay trong năm tài khóa 2016, với mức Nhật vừa chính thức cho vay giảm khoảng 23 tỷ yên.
Cách nay khoảng sáu tháng, sau khi hội đàm với thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội, thủ tướng Nhật hứa sẽ cho Việt Nam vay đến 123 tỷ yên (xấp xỉ $1.05 tỷ).
Nhật và Việt Nam không cho biết tại sao số tiền Việt Nam được vay thấp hơn mức Nhật đã hứa hẹn cách nay nửa năm.
Cần nhắc lại rằng, Nhật hiện là một trong ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam. Từ 2001 đến 2015, nợ của Việt Nam đối với Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) tăng 20.3 lần (từ 7.5 ngàn tỷ đồng thành 151.1 ngàn tỷ đồng), nợ Ngân Hàng Thế Giới (WB) tăng 11.5 lần (từ 23.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 274.2 ngàn tỷ đồng), nợ Nhật tăng 6.8 lần (từ 35.9 ngàn tỷ đồng tăng thành 243.9 ngàn tỷ đồng).
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật thêm, trong năm tài khóa 2016, ngoài cho vay ưu đãi, Nhật còn viện trợ 2.93 tỷ yên, tương đương $26.6 triệu để Việt Nam thực hiện các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai và phát triển nguồn nhân lực: Vận hành các hồ chứa nước khi xảy ra tình huống khẩn cấp, quản lý lũ bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS) 2017 và 2018.
Cũng theo thông tấn xã, hai quốc gia sẽ ưu tiên cho hợp tác phát triển hạ tầng phẩm chất cao (Nhật hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy chuẩn cho cảng biển cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020, hợp tác thực hiện dự án cao tốc theo hình thức hợp tác đối tác công tư – PPP), năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đào tạo nhân lực (Nhật giúp Việt Nam đào tạo 800 thạc sĩ, tiến sĩ trong vòng năm năm), hợp tác phát triển kinh tế, thương mại…
Trong hàng loạt nội dung liên quan đến hợp tác-phát triển đó, lần đầu tiên người ta thấy Việt Nam chính thức đề nghị một quốc gia tư bản “bồi dưỡng” cho viên chức lãnh đạo các cấp về quản lý, đặc biệt là viên chức cấp chiến lược.
Nhật và Việt Nam còn tái khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn đa phương như Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), APEC, Diễn Đàn Hợp Tác Á-Âu (ASEM), Liên Hiệp Quốc.
Đối với vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định sẽ cùng theo đuổi việc bảo vệ hòa bình, an ninh, an toàn và tự do lưu thông, chống những hành động đơn phương (quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng) tạo thêm phức tạp trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các giải pháp ôn hòa, tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế.
No comments:
Post a Comment