Theo BBC-7 tháng 6 2017
Một học giả nói vai trò Tổng Bí thư Trọng ‘ngày càng được củng cố’ và có tình trạng ‘cạnh tranh nội bộ’.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói với BBC về điều ông gọi là một số diễn biến mà chúng ta nên xem xét và lưu tâm trong tình hình chính trị Việt Nam hậu Đại hội Đảng 12.
Tiến sỹ Hiệp cho rằng vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được củng cố rất nhiều.
“Trong Đại hội thì vai trò đó còn chưa được rõ nét và còn bị thách thức. Tuy nhiên sau khi kết thúc Đại hội và ông Trọng tiếp tục cương vị tổng bí thư thì kể từ đó tới nay có những dấu hiệu cho thấy ông càng ngày càng củng cố vai trò của mình."
“Chẳng hạn ông tham gia vào Đảng ủy Công an. Ngoài vai trò Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng."
“Trong các hoạt động sắp tới chúng ta thấy có vẻ như xu hướng này nó sẽ tiếp diễn. Trước đây người ta cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ nghỉ ở giữa nhiệm kỳ và nhường ghế của mình cho một nhân vật khác."
“Tuy nhiên cho tới nay tôi thấy rất ít khả năng là điều đó sẽ xảy ra và có nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại tới cuối nhiệm kỳ tức là tới 2021. Điều đấy rõ ràng cho thấy là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ngày càng được củng cố và có nhà quan sát bình luận rằng ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư nhiều quyền lực nhất kể từ sau thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chẳng hạn”.
Cải cách sau Đại hội 12
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp mô tả kể từ sau Đại hội Đảng 12 bộ máy của Việt Nam về mặt Đảng và chính quyền đã có một số cải cách để giúp nâng cao hiệu quả về mặt quản lý cũng như giúp thúc đẩy về mặt kinh tế.
“Phải kể tới vai trò của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu."
“Bản thân tôi cảm thấy tương đối ấn tượng với các biện pháp cải cách và các hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy cải cách và phát triển trong nước.”
Nhà nghiên cứu và quan sát chính trị Việt Nam nói những biện pháp cải cách này đang giúp củng cố niềm tin của các nhà kinh doanh cũng như một số bộ phận người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sóng ngầm
Tuy nhiên ông Lê Hồng Hiệp cho rằng bên cạnh những mặt mà ông gọi là tích cực đấy thì đã có dấu hiệu cho thấy là không gian chính trị trong nước ít nhiều có những cái mà ông gọi là “sóng ngầm” hay vẫn có tình trạng vẫn có những “cạnh tranh nội bộ”.
“Tôi nghĩ chuyện này cũng là bình thường nhưng chúng ta thấy rằng đằng sau chiến dịch chống tham nhũng cũng có ý kiến cho rằng nó cũng giúp các nhà lãnh đạo hiện tại loại bỏ một số đối thủ chính trị, đặc biệt là những nhân vật gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn."
“Rồi cũng có việc các nhà hoạt động vì môi trường hay nhân quyền cũng gặp phải một số biện pháp kiểm soát khá mạnh tay của chính quyền thì đấy cũng là điểm chúng ta nên lưu ý."
“Tức là song song những cải cách tích cực thì bản thân các nhà lãnh đạo Việt Nam họ cũng có thể tìm cách củng cố kiểm soát của Đảng Cộng sản mạnh tay hơn và hiệu quả hơn trong thời gian tới,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nói với BBC.
No comments:
Post a Comment