Wednesday, June 7, 2017

Phát triển bất chấp môi trường và cái giá phải trả


Song Chi.
“Sau vụ đốn hạ cây xanh: Những con đường oằn mình dưới nắng thiêu đốt”, Báo Mới. Đây là một bài báo cũ từ năm 2016 nói về một số con đường ở Hà Nội, trong đó có đường Nguyễn Chí Thanh tuyệt đẹp, bị chặt trụi trong dự án thay thế 6700 cây xanh đầu năm 2015, may nhờ dư luận phản đối nên đã dừng lại, tuy nhiên một phần cây xanh đã kịp bị đốn hạ. Sau đó thì người dân đều thấm thía cái nóng kinh hoàng khi đi dưới những con đường trơ trụi.
Năm nay Hà Nội nóng như chảo lửa, vậy mà vì lý do mở rộng đường, người ta lại sắp chặt bỏ 1300 cây xà cừ lâu năm, bất chấp sự lên tiếng của báo chí, dư luận những ngày vừa qua. Cũng như Hà Nội, Sài Gòn với một số con đường có những hàng cây cổ thụ lâu năm đẹp nhất cũng bị chặt như đường Lê Đại Hành (Chợ Lớn), đường Đinh Tiên Hoàng phường Bến Nghé, quận 1, đoạn từ đường Pasteur đến đường Phan Bội Châu… Vì tiền, vì tầm nhìn ngắn, vì sư dốt nát trong quy hoạch, mà những người có quyền cứ ngang nhiên phá hoại đủ thứ.
Dạo này đọc báo đâu đâu cũng thấy ngổn ngang sự phá hoại. Vụ "băm nát” bán đảo Sơn Trà nơi có loài Voọc chà vá chân nâu cực quý hiếm, để xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa chưa kịp yên; thì lại đến dự án phát triển du lịch Cát Bà do tập đoàn Sun Group sẽ tác động xấu đến quần đảo Cát Bà (“Dự án của Sun Group sẽ ảnh hưởng đến quần đảo Cát Bà như thế nào?”, Người Đô Thị).
Nào “Cù Lao Chàm đang phải đối mặt với áp lực từ du khách tăng đột biến, công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội, lợi ích và sinh kế cộng đồng, cơ chế chính sách quản lý, ô nhiễm từ đất liền, thiên tai – thời tiết cực đoan.” (“Cù Lao Chàm đang đối mặt với nhiều áp lực”, Người Đô Thị). Nào “Dân kêu cứu vì ô nhiễm từ nhà máy giấy Lee & Man” (Tuổi Trẻ), “Trùm nilông ngủ vì ô nhiễm nhà máy giấy” (VietnamNet); “Sạt lở 'nuốt' chục ngôi nhà ở An Giang là do khai thác cát?” (VietNamNet), “Sạt lở ở ĐBSCL: Khai thác cát khiến các con sông bị biến dạng” (Soha News) v.v…
Nếu liệt kê ra cho hết chắc phải vài trăm vụ chỉ trong thời gian một, hai năm trở lại đây. Còn nếu nhìn lại kể từ sau ngày thống nhất, rõ ràng là chỉ khi sống dưới một chế độ vừa độc tài vừa dốt nát vừa tham nhũng nặng nề như chế độ do đảng cộng sản cầm quyền ở VN, thì chúng ta mới chứng kiến một "thành tích" phá hoại kinh hoàng từ trên rừng xuống biển, từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ thành phố lớn đến vùng sâu vùng xa... như vậy.
VN từng tự hào có “rừng vàng biển bạc” nhưng bây giờ thì sao? Những hình ảnh từ vệ tinh qua phần mềm Google Earth cho thấy rừng Việt Nam bị tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, so với những hình ảnh lưu trữ trước đây khoảng 20 năm, trong đó diện tích rừng nguyên sinh giảm trầm trọng.
Sơ sơ một vài bài báo: Từ những dự án riêng lẻ “Phá gần 50ha rừng dừa nước lớn nhất Quảng Ngãi làm hồ chứa cho nhà máy giấy”(Trí thức Việt Nam), “Phú Yên: Phá gần 116 ha rừng phòng hộ phục vụ dự án sân golf 9 lỗ” (Trí thức Việt Nam)…Cho tới bức tranh toàn cảnh: “Mỗi năm có gần 1920 ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm trái phép” (Sở Nông nghiệp Daklak), “Rừng Việt Nam trước và nay” (Max Reading). “Phá rừng nhiều, nhưng it vụ bị xử lý” (Lao Động)…Thậm chí Wikipedia tiếng Viêt có cả bài “Nạn phá rừng ở Việt Nam”.
Hậu quả mà ai cũng thấy là mỗi năm, lũ lụt càng dữ dội hơn, ở hầu khắp các vùng của đất nước, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung, rồi hạn hán xảy ra…Thiệt hại về tài sản, mùa màng, con người thương vong…là những con số “khủng”, đất nước đã nghèo càng nghèo vì thiên tai, nhưng thật ra là “nhân họa”.
Còn “biển bạc”? Chỉ một vụ Formosa thôi cũng đủ hủy hoại cả một vùng biển ở miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế…Cho tới nay, đã hơn một năm kể từ ngày nổ ra thảm họa Formosa, cá tôm, hải sản vẫn chết, vẫn chưa an toàn cho tiêu thụ, biển vẫn chưa sạch và theo các nhà chuyên môn phải mất hàng chục năm để khôi phục hệ sinh thái đáy biển với điều kiện nhà máy này phải ngưng hoạt động vĩnh viễn, nhưng hiện tại thì Formosa vẫn hoạt động theo đúng hợp đồng ký kết 70 năm!
Đất nước rơi vào tay một đảng cầm quyền duy nhất không có cơ chế kiểm soát quyền lực, đứng trên cả luật pháp, với những con người bị đồng tiền làm cho mờ mắt, chỉ biết đua nhau vơ vét, từ trung ương đến địa phương, cái gì còn khai thác, còn bán được là bán, cả cát cũng bán.
Báo Tuổi Trẻ đã từng có cả loạt bài về nạn khai thác cát ào ạt này “Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Tàu chở cát đi đâu?”“Đường đi cát Việt ra nước ngoài: Cát Việt bán giá bao nhiêu?”, "Cát Việt ra nước ngoài: “Bán” dự án, “xà xẻo” tài nguyên”. Cát là một tài nguyên quý giá, khai thác nạo vét cát quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy như xói mòn, sạt lở bờ sông, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, ảnh hưởng đến các công trình quan trọng, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân sinh sống xung quanh, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy…Đã có những vụ sạt lở mà nổi bật nhất là tại sông Vàm Nao (An Giang) vào ngày 22.4.
Đất nước như một ngôi nhà không chủ, mạnh ai nấy “ăn”, mạnh ai nấy phá, các phe cánh tư bản đỏ, các nhóm lợi ích, các quan chức từ địa phương tới trung ương, sẵn sàng ký giấy cho những công trình khai thác bauxite, xây nhà máy thép, nhà máy giấy, công trình du lịch, sân golf…bất kể việc xây dựng đó có lợi hay có hại, ảnh hưởng như thế nào đến môi trường.
Cái giá phải trả cho sự tàn phá môi trường vì những cái lợi kinh tế trước mắt là vô cùng đắt. Hậu quả có khi đến ngay tức khắc như khi chặt một hàng cây xanh, nhưng có khi lâu dài hàng chục, hàng trăm năm không sao khắc phục nổi, như vụ Formosa hay dự án du lịch phá hoại môi trường môi sinh của Sơn Trà chẳng hạn. Cái lợi do kinh tế gây ra không thể bù đắp nổi cái hại do môi trường bị hủy hoại, sức khỏe con người bị hủy hoại. Mà nhiều khi cái lợi kinh tế đó cũng không có, ví dụ như vụ khai thác bauxite Tây Nguyên là lỗ chổng gọng.
So với các quốc gia khác trong khu vực, VN có một vị thế quan trọng, diện tích trung bình, có biển chạy dài từ Nam ra Bắc, có nhiều tài nguyên khoáng sản, khí hậu nhiệt đới nên các loại cây trái rau củ phong phú quanh năm, trong khi có những quốc gia như Singapore diện tích nhỏ xíu, không có nước ngọt, Lào không có biển, thậm chí Nhật Bản cũng không có tài nguyên bao nhiêu và thường xuyên bị động đất, núi lửa…Sau khi chiến tranh kết thúc, chế độ VNCH sụp đổ để lại cả một miền Nam kinh tế thuộc vào loại khá trong khu vực, cả một kho vũ khí hiện đại của Mỹ bỏ lại lúc bấy giờ, kho vàng 16 tấn…
Thế nhưng, chỉ sau hơn bốn thập niên, đảng và nhà nước cộng sản đã khai thác, vơ vét triệt để vào cái tài nguyên thiên nhiên có sẵn, theo kiểu “ăn thịt chính mình” và phát triển bất chấp môi trường, khiến cho Việt Nam bị cạn kiệt tài nguyên, không sao phát triển nổi và trở thành một nơi khó sống, về nhiều nghĩa, đối với người dân Việt Nam.
Mai này khi chế độ cộng sản sụp đổ, các thế hệ tương lai sẽ còn lại được gỉ để bắt tay vào xây dựng lại từ đầu?

No comments:

Post a Comment