Wednesday, June 7, 2017

TP.HCM sắp 'cho thuê vỉa hè để nộp ngân sách'

Theo BBC-7 tháng 6 2017 

vỉa hèBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHầu hết các vỉa hè tại TP.Hồ Chí Minh đều bị chiếm dụng làm bãi giữ xe
Một luật sư bình luận rằng đề án thu phí sử dụng vỉa hè tại TP.HCM khiến dư luận hiểu chiến dịch giải cứu vỉa hè trước đây không phải là vì "mỹ quan đô thị".
Theo dự thảo, giá cho thuê vỉa hè tại quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng.
Các quận 3, 4, 5… và cả huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ có mức giá cho thuê thấp hơn.
Chế độ thu phí sẽ được niêm yết công khai tại điểm thu và công khai trên trang thông tin điện tử của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí. 100% số phí thu được vào Ngân sách Nhà nước, theo Tuổi Trẻ hôm 7/6.
Hồi tháng 5/2017, Truyền hình Việt Nam xác nhận văn bản cho thuê vỉa hè quận 1, TP Hồ Chí Minh là có thật, động thái này diễn ra hai tháng sau chiến dịch giải cứu vỉa hè cho người đi bộ gây tranh cãi vì những màn đập phá "quyết liệt".
Trước đó, ảnh chụp 'Giấy phép sử dụng tạm vỉa hè' có đóng dấu và chữ ký của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 cấp cho một quán cà phê trên địa bàn quận khiến công luận xôn xao.
Hôm 7/6, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Về phương diện pháp lý, tôi nghĩ Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh vẫn cần căn nhắc lại mục đích cho thuê vỉa hè, lòng đường."
"Dù khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ cho phép Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, lề đường vào mục đích khác."
"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Ủy ban Nhân dân được phép sử dụng một phần lòng đường, lề đường cho mục đích kinh doanh ăn uống, dịch vụ…"
Chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ khởi đầu từ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
"Theo nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì chỉ sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho các mục đích: Tuyên truyền chủ trương chính sách của đảng, nhà nước; Tổ chức đám tang, đám cưới; Trông giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới, hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội...; Trung chuyển vật liệu, phế liệu, rác thải; và trông, giữ xe có thu phí."
"Do đó, nếu Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh (trừ kinh doanh trông, giữ xe) là trái luật." "Chưa kể Nghị định 100/2013/NĐ-CP chỉ cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè với thời gian tương ứng với sự kiện diễn ra nhưng không được quá 30 ngày."

'Trái luật'

"Còn đơn giá sử dụng vỉa hè, lòng đường mà đề án đưa ra là tính theo tháng, nên đương nhiên được hiểu sử dụng lòng đường, vỉa hè là dài hạn."
"Nếu xét về bản chất thì đây được hiểu là sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè là dài hạn chứ không phải là tạm thời như luật giao thông đường bộ cho phép."
Luật sư cũng phân tích thêm: "Về phương diện xã hội, nếu Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh thông qua đề án này thì sẽ dẫn đến các hệ lụy."
"Dư luận sẽ nhìn nhận mục đích thực sự của chiến dịch giải cứu vỉa hè của thành phố trước đây không phải là vì trật tự, mỹ quan đô thị mà là chỉ là một động thái nhằm buộc người dân phải thuê vỉa hè từ chính quyền, nếu họ muốn sử dụng vỉa hè để kinh doanh."
vỉa hèBản quyền hình ảnhZING
Image captionLực lượng chức năng phá bậc tam cấp của khách sạn New World ở TP.HCM hồi tháng 3/2017
"Bên cạnh đó, việc này sẽ tạo ra cơ chế xin cho. Một người bạn tôi kể rằng, để được quận cho phép sử dụng vỉa hè thì ngoài số tiền phí chính thức phải nộp, họ còn phải chung chi thêm một khoản tiền để được thuê vỉa hè."
"Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ lạm dụng việc này để lấy vỉa hè, lòng đường cho thuê vào mục đích kinh doanh dài hạn để thu tiền."
"Điều này gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị mà chính quyền không thể dẹp bỏ được vì họ được chính quyền cho thuê địa điểm để kinh doanh."
Đề cập về mục đích cho thuê vỉa hè "để nộp ngân sách", ông Thanh Sơn nói: "Chỉ khi nào phí cho thuê vỉa hè, lòng đường có trong dự toán thu ngân sách của thành phố thì lúc đó nó mới được xem là ngân sách nhà nước."
"Do hiện tại Hội đồng Nhân dân thành phố chưa có nghị quyết nào thông qua mức phí cho thuê vỉa hè nên việc thu phí của Ủy ban Nhân dân các cấp nếu có đều là trái luật. Mà đã là trái luật thì phải trả lại tiền cho người dân."
Hồi tháng 2/2017, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 gây tranh cãi với phát ngôn muốn biết quận 1 thành 'Singapore thu nhỏ' và nếu không làm được mục tiêu này thì sẽ "cởi áo về vườn".

No comments:

Post a Comment