Vấn đề đất đai đang là một vấn đề căng thẳng gay cấn trong xã hội khi quyền sở hữu cá nhân phổ biến và tồn tại từ ngàn xưa bị xóa bỏ để thay bằng chính sách “đất đai ruộng đất là thuộc quyền sở hữu của toàn dân do Nhà nước thay mặt thống nhất quản lý”, một chính sách do Ðảng Cộng sản cưỡng ép nhân dân phải chịu đựng. Biết bao nhiêu đảng viên có chức có quyền đã qua đó cướp đất của nhân dân một cách trắng trợn với những cuộc cưỡng chế tàn bạo, tạo nên hàng chục vạn, hàng triệu dân oan khắp cả nước.
Sau chiến tranh kéo dài chấm dứt gần 40 năm nay, xuất hiện một cuộc cướp đất không kém phần bạo ngược nhưng chưa được phát hiện một cách rõ ràng. Đó là một cuộc chiếm đoạt đất đai quy mô rộng khắp bởi những “nhóm lợi ích quân sự” chia chác nhau vô vàn đất đai vốn được quy định là đất Quốc phòng thời chiến tranh.
Đất Quốc phòng bao gồm các diện tích đất đai của đất nước dành cho các nhu cầu của quốc phòng, của quân đội. Đó là các mảnh đất lớn nhỏ dành để xây dựng doanh trại, bài tập quân sự, trường tập bắn, cơ sở hậu cần, nhà máy của quân đội, các học viện, trường quân sự, các bệnh viện, cơ sở y tế quân y, sân bay lớn, nhỏ của không quân, bến cảng của hải quân, các trận địa, ụ súng pháo phòng không, tên lửa rải rộng khắp của binh chủng phòng không.
Từ năm 1962 chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống không quân Hoa Kỳ trên miền Bắc, nhiều sân bay như Nội Bài, Kép, Hòa Lạc, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An được mở rộng, nhiều sân bay nhỏ cho thực thăng được xây dựng thêm. Sân bay Miếu Môn thuộc huyện Mỹ Đức là sân bay nhỏ gần Chợ Bến được tạo nên lúc ấy. Riêng về các ụ tên lửa được nhân lên gấp 4 lần, mỗi ụ rộng bàng nửa sân vận động, gồm có ụ tên lửa, vị trí xe chỉ huy, nơi lắp ráp tên lửa, dàn radar, kho đạn, nhà tạm hay lều cho pháo thủ, sở chỉ huy, nhà nghỉ cho chuyên gia Nga, nhà cấp cứu… Tôi đã sống hàng tháng tại các sân bay và trận địa như thế để theo dõi các cuộc chiến đấu, từ năm 1962 đến năm 1973.
Từ sau 1975 dần dần các mảnh đất quân sự được quy họach trong chiến tranh được trả về cho các địa phương. Đây là dịp để các vị tướng tá địa phương tìm cách xin xỏ, tư túi với nhau để biến công thành tư, chiếm nhiều diện tích lớn nhỏ, từ vài hécta đến vài chục hécta hay hơn nữa. Lúc ấy nhận thức phổ biến trong quân đội và trong xã hội cho đó là đất của chung, vô chủ, chủ cũ thời xưa không còn, theo chính sách "đất đai, ruộng dồng là thuộc sở hữu toàn dân", nghĩa là không của ai cả, tha hồ chia nhau. Thêm nữa; tinh thần công thần thời chiến nổi lên, nhất là các vị tướng tá đã đến tuổi hưu. Họ nghĩ rằng cả đời hy sinh cống hiến, nay được hưởng chút ít cũng là chuyện bình thường. Tổng cục Chính trị, trong đó có Cục Chính sách, Cục Cán bộ cũng chung ý nghĩ như thế.
Tôi biết khá rõ tại Quân Khu IX ở Cần Thơ, Quân Khu VII ở Sài Gòn có chánh sách rộng rãi nhất. Anh Hai A, anh Ba B, anh Tư C vốn là Tư lệnh , Chính ủy, Tham mưu trưởng Quân khu về hưu đều được biếu tặng vài chục hécta đất quốc phòng để xây nhà, làm vườn trồng dừa, xoài, bưởi, nhãn, sầu riêng, rau… để an dưỡng tuổi già. Theo gương Quân khu, các Bộ chỉ huy các tỉnh đội phụ trách các đơn vị địa phương, trong đó có nhiều ụ súng phòng không cũng thực hiện những kiểu như chia quả thực thời cải cách Ruộng đất. Tôi có những bạn cũ cấp đại tá về hưu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thanh Hóa có nhà mới xây, có vườn khá rộng theo chính sách chia sẻ đất Quốc phòng như thế.
Gần đây vấn đề xử dụng tùy tiện đất Quốc phòng nổi lên qua sự kiện Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel vốn nổi tiếng về làm ăn bất chính và tham nhũng, lấn át các Cục Bưu điện và Cục Viễn thông của Nhà nước, đòi độc chiếm đất quân sự của sân bay dã chiến Miếu Môn / huyện Mỹ Đức, đã đóng cửa bỏ hoang từ lâu mà không trả lại cho địa phương theo quy định, tiêu biểu cho sự lộng hành của "nhóm lợi ích tư bản đỏ quân sự".
Nghiêm trọng hơn nữa là mấy tháng nay vấn đề độc chiếm diện tích của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nổi lên dữ dội trong dư luận xã hội cả nước. Đó là sau năm 1975, các đơn vị mang danh Quân đội Nhân dân vào chiếm lĩnh sân bay này và tự cho mình quyền xử dụng không coi gì kỷ luật và luật pháp quốc gia. Họ ngang nhiên tự cắt hẳn một diện tích 157 hécta để làm sân golf, xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, sân bóng đá để kiếm lợi. Sân bay do đó bị chia cắt, không thể mở rộng kéo dài đường băng cũ, bị nghẽn tắc cả trên trời và dưới đất. Dư luận cực kỳ phẫn nộ khi được biết đại tướng Phùng Quang Thanh và con trai là đại tá Phùng Quang Hải đỡ đầu cho kế hoạch cướp đất - địa tặc này. Nhiều bloger tự do thuộc Cục Hàng không tố cáo nhà tỷ phú Dương Công Minh – trùm bất động sản giàu nhất phía Nam, đã mua đứt các quan chức trong Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân khu VII trong ý đồ chiếm lĩnh đất quý vùng Tân Sơn Nhất. Dương Công Minh là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đòan Hin Lam có quan hệ chặt chẽ ăn chia với Phùng Quang Hải.
Nay Phùng Quang Thanh mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, ra khỏi Bộ Chính trị, Phùng Quang Hải cũng thất thế theo, Dương Công Minh và em ruột là Dương Công Tòan vẫn ngang nhiên tung hòanh. Anh ta còn nhìn xa, mặc cả với lãnh đạo Cục Hàng không là Tập đoàn chỉ tạm giao lại 21 hécta đất quân sự cho sân bay nhằm mở rộng đường băng, nhưng khi sân bay lớn Long Thành xây dựng xong (vào khoảng năm 2025), khi Tân Sơn Nhất thu hẹp thành sân bay nội địa, sân bay phải "trả lại" cho Tập đoàn Him Lam 800 hécta vốn là đất quốc phòng. Chính nguyên Cục trưởng Hàng không Phan Tương phàn nàn công khai do lũng đọan của Tập dòan bất động sản Him Lam mà sân bay Tân Sơn Nhất không xây dựng nổi hệ thống thoát nước đàng hoàng, cứ mưa là sân bay bị ngập lụt, nước ứ đọng kéo dài.
Trong phiên họp Quốc hội chiều 1/6, đại biểu Nguyễn Phước Lộc và Phan Nguyễn Như Khuê của Sài Gòn đã đặt vấn đề về bế tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất do sân golf, khách sạn, nhà hàng của các nhóm lợi ích một mực độc chiếm một diện tích lớn để trục lợi gây nên ùn tắc giao thông kéo dài, uy hiếp an ninh trên không cũng như trên bộ, cần giải quyết gấp. Không một đại diện chính quyền nào trả lời cho vấn nạn này.
Thêm một quốc nạn của đất nước thời suy thoái. Đó là nạn chiếm đất của những nhóm lợi ích quân sự kiêu binh và quân phiệt. Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đều bất lực, im lìm, không động đậy.
Mong rằng các tổ chức xã hội dân sự ra công điều tra và phơi bày sự thật đen tối trong quốc nạn này để toàn dân ta lên tiếng bảo vệ mọi tài nguyên thiêng liêng của đất nước, vì cuộc sống an bình hạnh phúc lâu bền của toàn dân.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment