Wednesday, June 7, 2017

‘Giải cứu’ … Việt Nam

Huy Phương - VOA-06/06/2017 
Chờ việc. (Nguyễn Đình Hà)
Chờ việc. (Nguyễn Đình Hà)
Từ việc “giải cứu thịt lợn” đến đề xuất “giải cứu giáo viên.”
Vào năm 2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục - Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói Bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình! Công nhân, viên chức nhà nước, ai đi làm cũng phải có đồng lương đủ sống, nói theo câu nói thời thượng, lương không đủ sống, không lẽ “cạp đất mà ăn!” Đã 11 năm trôi qua, ông Nguyễn thiện Nhân đã vào Saigon, nắm chức Bí thư Thành Ủy Saigon, nhưng lương giáo viên giờ này cũng chỉ đủ để cầm hơi qua ngày.
Để giải quyết tình trạng này, Việt Nam cần đề xuất, thay vì lấy tiền từ các dự án hoang tưởng, như tượng đài Hồ Chí Minh, các cổng chào hào nhoáng, có tính cách phô trương, thì ông Tiến Sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại Học FPT, có một đề xuất khá “lạnh người” là bắt phụ huynh đóng thêm 100,000 ĐVN, ngoài khoảng 10 thứ phí tổn mà lâu nay phụ huynh học sinh đã phải “oằn lưng” ra chịu vì tương lai con em.
Quỹ này được mang tên là “ Quỹ giải cứu giáo viên,” hoặc “Quỹ Khuyến Dạy,” thực chất là góp tiền để trả thêm lương cho giáo viên, nhưng được lý luận là để “nâng cao chất lượng giáo dục!”

Một ví dụ như trường trung học cơ sở Nam Thành Công Hà Nội, số thu trên mỗi đầu em học sinh lên đến 4 triệu đồng, một học kỳ. Con số 100,000 ĐVN này thực chất là tiền lương trả thêm cho giáo viên, không khác ngày xưa con em học trường tư thục phải đóng tiền trường hàng tháng.

Hiện nay đồng lương của giáo viên công lập thấp nhất là 1.3 triệu đồng, sau 10 năm thâm niên được 3.5 triệu đồng/tháng thì làm sao cho đủ sống.

Ông cho rằng, cần “giải cứu” ngay giáo viên các trường tiểu học công lập vì đó là tương lai của 7.7 triệu học sinh tiểu học công lập.

Từ đây giáo viên vào lớp sẽ mặc cảm chính các em học sinh đang đóng tiền để nuôi mình. Chuyện lương tiền là chuyện của nhà nước chứ không phải trách nhiệm của phụ huynh học sinh, “giải cứu giáo viên” như đề nghị của ông tiến sĩ, thì ai “giải cứu phụ huynh?” đang lo trăm thứ tiền để cho con được ngồi dưới mái trường XHCN.

Về phía giáo viên, hầu hết không tán thành “đề xuất” khi còn chút liêm sĩ. Một giáo viên trường Tiểu Học Ngô Gia Tự (Hà Nội) đã nói: “Chúng tôi không phải ăn mày trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh.” Một giáo viên khác tại Sài Gòn, cho hay cá nhân ông không đồng tình việc lập quỹ để “giải cứu giáo viên” như “giải cứu dưa hấu,” “giải cứu thị lợn” rớt giá!

Chúng ta cũng đã biết chuyện “giải cứu” khi một nhóm sinh viên Saigon tình nguyện vay tiền mua 20 tấn dưa với giá cao gấp 6 lần so với thương lái, để “giải cứu dưa hấu” cho nông dân Quảng Ngãi. Ở Hà Nội thì có phong trào “giải cứu thịt lợn”để giúp nông da bị thịt heo rớt giá vì sự chèn ép của thị trường thịt lợn Trung Quốc. Việc chênh lệnh của cung - cầu trên thị trường là do đường lối chủ trương của chính phủ (do đảng dắt đường), về sản xuất, xuất nhập cảng, vì sao phải “giải cứu?” Chính quyền cho rằng chia sẻ khó khăn là truyền thống của người Việt, và “giải cứu thịt lợn” đang trở thành phong trào lan rộng khắp xã hội, có ý nghĩa nhân văn (!)…”
Theo đường lối và huấn thị của Hồ Chí Minh (Thanh Hóa 4-1947) thì “giải pháp cơ bản của thực hành dân chủ và tạo sự đồng thuận đoàn kết trong nhân dân là giải pháp “nhân dân và chính phủ cùng làm!” Ông Hồ cũng nói thêm: “Không phải chính phủ bỏ ra 10, 15 triệu để mở lò máy, làm cái này cái khác. Phải đem sức dân, tài dân, của dân để làm cho dân!”
Phải đem sức dân, tài dân, của dân… để làm cho dân vậy thì đảng và chính phủ ở đâu?
Trong khi đảng, bộ chính trị cai trị đất nước, ngoài xương máu nhân dân đóng góp cho đảng thắng lợi và cầm quyền, dân còn lo toan trăm thứ thuế, mỗi việc đều kêu dân đóng góp. Làm đường, thuỷ lợi, xây cầu… là việc của chính phủ lấy từ tiền thuế của dân, nếu dân đã đóng thuế rồi mà việc gì cũng kêu gọi dân đóng góp, dưới danh nghĩa mỹ miều “cùng làm” (nhân dân và nhà nước cùng làm.) Nhưng khổ nỗi “nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng nhà nước ở vị trí chủ đạo, ở vị thế quyết định.
Một số hộ dân tại phường Bắc Hà (Hà Tĩnh) phản ánh tới báo chí trong nước về việc phường kêu gọi dân ủng hộ thiện nguyện, nhưng lại “ra giá” tối thiểu 500 ngàn đồng.
Chuyện lo cho thương binh liệt sĩ là việc của nhà nước, sao Hà Nội lại kêu dân đóng tiền để sửa chữa, nâng cấp nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, hay xây nhà tình nghĩa? Quảng nam kêu gọi dân đóng tiền để xây nhà văn hoá. Cao Bằng bắt dân đóng tiền “xoá đói giảm nghèo” tức là bắt dân ăn lại cái đuôi của dân, chứ chính quyền không móc hầu bao của mình. Một quận ở Dak Lắc kêu dân đóng góp tiền để chào mừng 30 năm ngày thành lập quận. Hải Phòng đã có lần kêu dân đóng góp để xây dựng công trình “nhạc nước” cả chục tỷ…
Việt Nam bây giờ đã có phong trào “giải cứu” vĩa hè, “giải cứu” thịt lợn ế hàng, đến “giải cứu” món dưa đỏ thặng dư, chưa biết may mai còn đến món hàng ế ẩm nào nữa. Bây giờ lương giáo viên không đủ sống, cần “giải cứu” lại có đề xuất móc túi cha mẹ học sinh. Nay mai sẽ đến lượt bệnh nhân phải “giải cứu” bác sĩ, y tá; nhân dân xử dụng giao thông “giải cứu” công an đứng đường; nhân viên, cán bộ “giải cứu” thủ trưởng.
Việt Nam hiện nay có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan là nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam, ai là người “giải cứu” cho Việt Nam.
Chẳng may đảng lâm bệnh, thì toàn dân phải hiệp đồng mà “giải cứu” đảng.
Và một ngày kia, tất cả phải cùng đồng lòng đứng dậy để “giải cứu” cho quê hương.

No comments:

Post a Comment