Thursday, April 6, 2017

Việt Nam: Các hệ thống lại rung rinh vì nợ xấu

Nợ xấu lại được xem là vượt xa những số liệu chính thức. (Hình: Vn Economy)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo báo điện tử VnEconomy, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa công bố nợ xấu (tiền đã cho vay khó hoặc không có khả năng thu hồi) đang tăng về quy mô. Tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức.
Nhận định vừa kể được cơ quan này nêu trong một tài liệu dùng để minh họa cho dự luật liên quan đến việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định đến hết năm 2015, cac tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã xử lý được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống tín dụng tại Việt Nam đã cho vay.
Tuy nhiên trong tài liệu vừa kể, cơ quan tài chính này nhận định, nếu xét cả nợ xấu mà Công Ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86%.
Báo VnEconomy cho hay, tình trạng hiện nay giống như cách đây năm năm. Hồi Tháng Chín 2012, cơ quan này xác nhận, tỉ lệ nợ xấu là 17.21% chứ không phải chỉ khoảng 3% như nhiều báo cáo trước đó.
Để giải quyết tình trạng nợ xấu gia tăng, có thể làm hệ thống ngân hàng sụp đổ, cơ quan này đã vài lần thực hiện cái gọi là tái cơ cấu hệ thống tín dụng song song với việc thành lập VAMC, song nợ xấu vẫn là vấn nạn trầm kha.
Cách nay đúng một năm, tuy cho vay rất khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn liên tục nâng mức lãi cam kết sẽ trả cho những khoản tiền gửi có kỳ hạn. Lúc đó, một số chuyên gia kinh tế nhận định, chuyện kỳ quái này có là do nợ xấu. Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam phải nâng mức lãi trả cho người gửi tiền để kiếm tiền bù đắp các khoản thiếu hụt và thiệt hại do nợ xấu gây ra.
Những chuyên gia này cảnh báo, khi tiền chảy vào ngân hàng rồi bất động như “tiền chết” nhằm kéo dài sự sống cho những khoản vay đã xấu đến mức có khả năng mất vốn thì cả quốc gia sẽ phải gánh chịu thiệt hại đó.
Chuyện năm trước đang lặp lại. Cuối tháng trước, báo chí Việt Nam liên tục tường thuật về một cuộc đua nâng mức lãi trả cho người gửi tiền của hệ thống ngân hàng. Theo đó, đang có một “làn sóng nâng lãi suất” thông qua “chứng chỉ tiền gửi” với mức “siêu lãi suất tới 9%/năm.”
Trong một bài viết phân tích về “làn sóng nâng lãi suất” đang diễn ra, đăng trên báo Trí Thức Trẻ, một chuyên gia kinh tế tên là Nguyễn Đức Độ đề cập đến “một bộ phận gọi là ‘xác sống’ đang hiện diện trong nền kinh tế Việt Nam.” Theo giải thích của ông Độ, các “xác sống” đó là những doanh nghiệp, ngân hàng và các dự án yếu kém. Những “xác sống” ấy tìm mọi cách để huy động vốn trả nợ cũ, duy trì thanh khoản, nuôi các dự án dở dang, không để bị phá sản. Các “xác sống” đang cạnh tranh quyết liệt với những thực thể sống vốn đang thiếu vốn, đẩy lãi suất lên cao làm dòng tiền dồn về các doanh nghiệp, ngân hàng và dự án không có triển vọng.
Cũng giống như năm ngoái, từ đầu năm đến nay, các viên chức lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại và quốc doanh liên tục bị bắt với cáo buộc “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng,” với số tiền “thất thoát” là nhiều “ngàn tỷ đồng.”(G.Đ)

No comments:

Post a Comment